Nhiều tin vui “xuất ngoại”
Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Hoàng Tuấn cho rằng, nói điện ảnh Việt Nam chưa từng được biết đến e “tội cho điện ảnh nước nhà”. Trước đó, phim Bố già do bộ đôi Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đạo diễn đạt doanh thu 1,08 triệu USD (hơn 24,5 tỷ đồng) sau 3 tuần ra mắt tại 47 rạp ở thị trường Mỹ (tính đến ngày 15/6/2022). Ngoài thị trường Mỹ, Bố già được công chiếu tại một số nước châu Á như Singapore, Malaysia… và đạt doanh thu khá tốt.
Phim 578: Phát đạn của kẻ điên phát hành tại nhiều quốc gia ở châu Âu |
Sau Bố già, Lật mặt: 48h của Lý Hải chính thức khởi chiếu tại ở Mỹ từ ngày 18/6/2021. Phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân không chỉ tạo được tiếng vang tại thị trường nội địa, bộ phim “bội thu” tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Phim thu về 19 tỷ đồng sau một tuần phát hành tại Trung Quốc.
Đạo diễn Victor Vũ là một trong những đạo diễn có nhiều tác phẩm điện ảnh vươn ra biển lớn. Có thể kể đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - tác phẩm được giới thiệu tại LHP Cannes 2015, đoạt giải thưởng Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015, đồng thời là đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2017. Thiên thần hộ mệnh là phim điện ảnh gần đây nhất của Victor Vũ được công chiếu tại nhiều thị trường như Mỹ, Anh, Pháp, Malaysia, Indonesia, Canada, Singapore, Úc…
Tháng 2/2023, 578: Phát đạn của kẻ điên - bộ phim hành động được đầu tư kinh phí lớn của đạo diễn Lương Đình Dũng - có cuộc lội ngược dòng ấn tượng sau khi thất bại ở phòng vé Việt. Nhà sản xuất báo tin, bộ phim “xâm nhập” thành công vào thị trường phim điện ảnh quốc tế với tên tiếng Anh 578: Magnum. Phim của đạo diễn Lương Đình Dũng được chiếu ở Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Slovakia, Isarael, Ấn Độ, Mexico, Argentina, Brazil.. 578: Phát đạn của kẻ điên trở thành phim điện ảnh hành động đầu tiên của Việt Nam được phát hành tại nhiều quốc gia châu Âu. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, nhà sản xuất phim Nhà bà Nữ thông báo phim sẽ khởi chiếu tại các phòng vé quốc tế, từ tháng 3/2023 ở Mỹ, Canada, Australia và Singapore.
Phim của Ngô Thanh Vân và Trấn Thành có doanh thu ấn tượng ở thị trường quốc tế |
Nhà phê bình điện ảnh Hoàng Tuấn nhận định, điện ảnh Việt được biết với những bộ phim có “chất” riêng ở thời điện ảnh cách mạng, những tác phẩm thuộc dòng chảy phim độc lập. “Thời điểm đó, chúng ta có nhiều phim đoạt giải quốc tế, những phim có nét riêng biệt không pha lẫn, ví dụ như Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh từng được CNN bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại...”, Hoàng Tuấn nói.
Ông Thiên A.Phạm, Giám đốc công ty 3388 Films, đơn vị chuyên phát hành phim Việt ở Mỹ tin tưởng, phim Việt có thể xuất khẩu thành công, dù đường ra biển lớn còn nhiều khó khăn: “Cách đây chỉ khoảng 5 năm, việc chiếu một bộ phim Việt ở 10 rạp phim, tại 1-2 tiểu bang Mỹ rất kỳ công. Trước đó, không có rạp nào thích thú hay chấp nhận rủi ro để mở đường cho một đơn vị phát hành phim Việt. Tuy nhiên giờ đây, phim Việt được phát hành ở 80, thậm chí 100 rạp ở Mỹ là chuyện bình thường”.
Dò tần sóng khán giả
Điện ảnh Việt đang ở giai đoạn bản lề trong việc phát triển thành một nền công nghiệp. Thị trường phim chưa được định hình, định hướng dẫn đến các dòng phim đều thiếu hụt, chưa đến ngọn đến ngành. Những năm trước đây, rào cản ngôn ngữ, văn hoá thường được xem là trở ngại cho phim Việt khi công chiếu tại thị trường nước ngoài. Ông Thiên A.Phạm nhận định, phim Việt cần giải ba bài toán trước khi xuất khẩu. Đó là câu chuyện, thể loại phim và đối tượng khán giả.
“Nền tảng của một bộ phim là câu chuyện chân thực. Tính chân thực dễ dàng giúp phim vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa trên thị trường quốc tế. Khi đã có một câu chuyện chân thực, nhà làm phim nên xác định rõ ràng thể loại. Tôi nghĩ phim Việt không nên cố gắng đáp ứng hết mọi đối tượng khán giả bằng cách pha trộn nhiều thể loại”, ông Thiên A.Phạm phân tích.
Đó cũng là điều kiện để đối tượng khán giả chính của phim được định hình. Ví dụ, phim chính kịch tìm thấy đối tượng khán giả là những người trưởng thành, phim kinh dị, đề tài báo thù nhiều khả năng thu hút khán giả trẻ. “Như vậy, bất kể khán giả mang quốc tịch Việt Nam, Mỹ hay Tây Ban Nha, Thái Lan... không còn quan trọng. Thế giới phẳng khiến sức hấp dẫn của điện ảnh ngày càng tăng”, ông Thiên A.Phạm nêu quan điểm.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, mấu chốt để tác phẩm điện ảnh thành công là nhà làm phim chân thành với thông điệp mà đứa con tinh thần của họ truyền tải. “Tác phẩm luôn luôn là tấm gương phản chiếu người sáng tác. Người sáng tác chân thành với nỗi đau của chính mình, sẽ đồng cảm được với nỗi đau của người khác. Chỉ có chân thành như vậy, tác phẩm mới đến với công chúng. Ngược lại, công chúng cũng nhờ đó mà đồng cảm với sản phẩm nghệ thuật, kể cả khi tác phẩm đó còn nhiều khiếm khuyết”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Chờ dũng khí và tài năng
Trước khi tính đến thành công ở nước ngoài, phim Việt cần đứng vững trên chính sân nhà. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn dự đoán trong năm 2023, phim Việt chưa thể bứt phá. “Về lượng, tình hình kinh tế không cho phép. Về chất, ai làm phim dở vẫn dở, ai làm khá vẫn khá, khó có đột phá về chuyên môn. Lớp khán giả trẻ chủ yếu xem phim rạp có nhu cầu thẩm mỹ, giải trí cao. Một Thanh Sói với quyền cước mạnh tợn, màu mè... cũng ngã ngựa, đủ thấy khán giả trẻ hiện nay không hề dễ dụ”, anh phân tích.
Nam đạo diễn cho rằng, khán giả phải chờ khá lâu để thấy một bộ phim thu được 1.000 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tạo được tiếng vang quốc tế, đồng thời thỏa mãn được các điều kiện để được nhập chiếu cho một thị trường cực lớn và tương đồng về văn hóa như Trung Quốc, phim Việt có thể đạt doanh thu ấn tượng. “Vấn đề đặt là ra liệu các nhà sản xuất phim Việt Nam có khát vọng để coi cả thế giới như một thị trường. Đầu tiên vẫn là khát vọng, sau đó cần cả dũng khí và tài năng để thảo ra một chiến lược kinh doanh cho dự án phim vươn ra ngoài thị trường nội địa nhỏ hẹp”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói. NGỌC ÁNH