Bài viết dự thi “phòng chống TNGT - thái độ của bạn?”

Cần quản lý xã hội đồng hành với quản lý giao thông

Cần quản lý xã hội đồng hành với quản lý giao thông
TP - Rất hoan nghênh báo Tiền phong mở cuộc thi viết “Phòng chống tai nạn giao thông – Thái độ của bạn?”. Tôi là bạn đọc thường xuyên của báo Tiền phong và Tiền phong điện tử.

Bản thân tôi có một thời gian làm việc ở nước ngoài, tìm hiểu và nhận thấy ở một số nước có biện pháp quản lý giao thông, quản lý xã hội rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Tôi xin góp một số ý kiến mong làm giảm tai nạn giao thông đang gia tăng ở nước ta.

Cần quản lý xã hội đồng hành với quản lý giao thông ảnh 1
Bán hàng rong cũng cần phải quản lý  (Ảnh: Phạm Yên)

Khai sinh và khai tử cho xe gắn máy

Số lượng xe 2 bánh gắn máy trong thời gian gần đây tăng rất nhanh, đặc biệt tại các thành phố lớn. Các phương tiện này lại chiếm tỷ lệ cao về nguyên nhân gây ra TNGT, do đó chúng ta cũng cần phải điều chỉnh lại việc quản lý các phương tiện giao thông “xe 2 bánh gắn máy”.

Tại Indonesia, họ cấp đăng ký có thời hạn cho các phương tiện giao thông (2 bánh gắn máy) có dung tích từ 50 cm3 trở lên. Hạn kiểm định để cấp đăng ký tiếp theo được dập ngay trên biển đăng ký, rất dễ cho việc kiểm tra, kiểm soát. Phương tiện nào có đăng ký đã hết hạn lưu hành hoặc không có đăng ký hợp pháp thì không được lưu hành. Như vậy xe gắn máy 2 bánh tại Indonesia có “khai sinh” và “khai tử”.

Giải pháp về quản lý phương tiện xe 2 bánh gắn máy tại Việt Nam: Chúng ta nên cấp đăng ký có hạn định cho từng loại xe. Xe được sản xuất ở các hãng (thương hiệu) nổi tiếng thì được cấp đăng ký lưu hành có thời hạn dài hơn xe được sản xuất ở các hãng (thương hiệu) kém.

Hạn lưu hành không thay đổi khi thay đổi chủ sở hữu xe. Xe được gia hạn lưu hành tại các kỳ kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng hạn lưu hành tối đa của 1 xe hai bánh gắn máy nên là 20 năm.

Nếu không có “khai tử” xe hai bánh gắn máy thì đến một lúc nào đó các “vật thể lạ” sẽ tràn ngập trên các đường phố và không biết được tình hình giao thông của chúng ta sẽ như thế nào.

Quản lý hộ kinh doanh lưu động

Hiện nay chúng ta đang bỏ ngỏ (không quản lý) một đối tượng kinh doanh đang phát triển ngày càng tăng về số lượng với nhiều loại hình dịch vụ. Đối tượng đó là “hộ kinh doanh vỉa hè và mặt đường” (ở ta gọi nôm na là “bán hàng rong”.

Chúng ta không thể không quản lý đối tượng này và càng không thể loại bỏ ngay được vì có rất nhiều người lao động và gia đình đang trông chờ vào loại hình kinh doanh này để sống!

Tại Hồng Kông họ quản lý những người “bán hàng rong” rất chặt. Tất cả các hộ kinh doanh kiểu này, được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh đặc biệt. Khi kinh doanh, họ phải đeo thẻ kinh doanh do Nhà nước cấp. Chỉ những hộ có thẻ và giấy phép kinh doanh mới được kinh doanh loại hình này.

Hộ kinh doanh loại hình này được phép kinh doanh tại một số  nơi công cộng, sử dụng một phần mặt bằng công cộng và phải nộp thuế sử dụng mặt bằng công cộng, vệ sinh môi trường với mức thuế rất cao (những hộ kinh doanh có mặt bằng cố định không phải chịu các loại thuế này).

Có hai loại hộ kinh doanh lưu động cần quản lý:

Một là: Hộ kinh doanh tại chỗ có sử dụng một phần mặt bằng công cộng. Đây là những hộ kinh doanh không có nhà mặt đường nhưng lại có sử dụng một phần nhỏ diện tích trên vỉa hè, mặt ngõ, mặt đường nhỏ để kinh doanh.

Với hộ kinh doanh này, ngoài những thủ tục như những hộ kinh doanh bình thường khác, Nhà nước dùng thuế để điều tiết gọi là thuế gián thu đặc biệt (mức thuế rất cao). Thuế đặc biệt này được thu như thuế môn bài. Phần thu từ thuế này để tái đầu tư hạ tầng và chúng ta không khuyến khích loại hình kinh doanh này.

Các hộ kinh doanh thực hiện cam kết không gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Hộ nào vi phạm điều khoản này lập tức bị cắt giấy phép kinh doanh.

Hai là: Hộ kinh doanh lưu động. Đây là những hộ kinh doanh dùng xe bán hàng lưu động trong một số khu công cộng. Nhà nước dùng thuế để điều tiết gọi là thuế gián thu đặc biệt (mức thuế rất cao).

Vì hộ kinh doanh này sử dụng một phần mặt bằng công cộng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông và môi trường nên khi kinh doanh, hộ kinh doanh phải đeo thẻ và mang theo giấy phép kinh doanh.

Các hộ kinh doanh cũng phải thực hiện cam kết không gây ảnh hưởng ô nhiễm đến môi trường xung quanh và giao thông công cộng. Tất cả những người gồng gánh bán hàng rong phải vào trong chợ hoặc khu vực chợ để kinh doanh.

Nếu chúng ta làm được như vậy thì bộ mặt của những đường phố có thể sẽ thay đổi, hè phố sẽ được trả về đúng chức năng, không có bày bán hàng mất trật tự trên hè phố, lòng đường gây ùn tắc giao thông, xã hội thực sự văn minh.

Đưa giáo dục hỗ trợ vào luật

Việc chúng ta xử phạt hành vi vi phạm giao thông đường bộ hiện nay còn thiếu biện pháp có chức năng giáo dục, chỉ mang nặng tính kinh tế và hành chính đơn thuần. Ngoài việc cần tăng nặng hình thức xử phạt đối với những hành vi vi phạm có tính tái phạm, lặp lại nhiều lần chúng ta nên đưa “Biện pháp giáo dục hỗ trợ” vào luật.

Ở Nhật Bản “Biện pháp giáo dục hỗ trợ” đó là tùy theo mức độ sai phạm mà người có hành vi vi phạm giao thông ngoài việc bị xử phạt bằng tiền (hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…), bị giữ giấy phép lái xe…, họ còn phải đến cơ quan cảnh sát học lại Luật Giao thông đường bộ trước khi được trả giấy phép lái xe.

Giấy phép lái xe của người vi phạm có thể bị lưu giữ một tháng, sáu tháng, một năm hoặc vĩnh viễn. Kèm theo là thời gian phải học lại Luật Giao thông 3 ngày, 1 tuần, học lại toàn bộ. Nội dung học lại Luật giao thông đường bộ tương ứng với lỗi do người lái xe mắc phải, để cho người vi phạm bổ sung kiến thức luật giao thông mình còn thiếu.

Khi người vi phạm giao thông đường bộ bị áp dụng hình thức học lại luật thì phải trả toàn bộ kinh phí tổ chức học do cơ quan cảnh sát tổ chức lớp học. Hồ sơ của người có giấy phép lái xe được quản lý thống nhất trên  toàn Nhật Bản.

Chúng ta nên học cách xử phạt nói trên để người có hành vi vi phạm luật giao thông không chỉ bị phạt về kinh tế mà họ còn được bổ túc lại luật giao thông, phải mất thêm chi phí về thời gian là tăng thêm chế tài để mọi người khi tham gia giao thông sẽ thận trọng hơn.

Bùi Mạnh Cường
Ban Thuyền viên, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam

MỚI - NÓNG