Căn nhà lưu giữ chân dung các nhà văn lớn

0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu (thứ 4 từ trái sang) tại Hội thảo về nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vỹ ảnh: Văn Chương
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu (thứ 4 từ trái sang) tại Hội thảo về nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vỹ ảnh: Văn Chương
TP - Năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình sau một thời gian nhập hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi thì lại tách ra. Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh Quảng Ngãi tạm thời đặt tại gia đình nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trung Hiếu.

Ngôi nhà cấp 4 nằm trong hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Ngãi trở thành điểm dừng chân của hầu hết các nhà văn, thi nhân lớn.

Căn nhà xoay mặt về hướng Nam, xoay hông ra đường. Từ sau năm 1975 đến nay, ngôi nhà vẫn không có gì thay đổi, chỉ thiết kế thêm một mái hiên lợp hơn chục tấm tôn xi măng. Ngôi nhà giống như tính cách chủ nhân - sống chậm rãi, giữ nguyên cái tính cách - dành cả đời tâm giao, chia sẻ, tâm sự với các nhà văn (phần lớn ở miền Bắc). Tính cách thì trước sau vẫn một mực giống như đôi câu trong bài thơ “Lời mẹ dặn” của nhà văn Phùng Quán viết vào năm 1957, đó là “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét”.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu sinh năm 1932 từng tham gia bộ đội chống Pháp, chống Mỹ. Ông tham gia viết văn, viết báo, làm thơ. Ông trân trọng tấm ảnh Hội nghị những người viết văn trẻ (ngày 4/5/1959 tại đình Cao Khải, Hà Nội) và xem đó là môi trường giúp ông đi vào sự nghiệp văn chương, là nơi ông thiết lập mối quan hệ và lưu giữ đến cuối đời với các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng ở miền Bắc.

Có một điều nhiều người vẫn hỏi về Nguyễn Trung Hiếu, rằng vì sao một người sống lặng lẽ, kín đáo, không giao thiệp quá rộng ở Quảng Ngãi, nhưng lại trở thành bạn chí cốt của nhiều nhà văn lớn? Chỉ có thể lý giải bằng sự quan sát - ngôi nhà ông được trang hoàng bằng sách của các nhà văn gởi tặng, cùng với ảnh của rất nhiều nhà văn được đóng khung treo tường. “Ông thích ai, ghét ai nhìn là biết ngay”, nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, bạn tâm giao của ông chia sẻ. Điều đó lý giải được rằng, các nhà văn mà ông lồng trong khung kính kia mãi mãi là bạn tâm giao, sống chết có nhau.

Nếu đọc tác phẩm của Nguyễn Trung Hiếu, sau đó vài lần đàm đạo trà nước thì có thể nhận thấy được tính cách của ông giống như bài thơ “Chống tham ô lãng phí” của nhà văn, nhà thơ Phùng Quán viết vào năm 1956, nội dung chỉ ra vấn nạn tiêu cực bắt đầu nảy mầm trong đội ngũ cán bộ, giữa lúc nhiều người đang đổ máu ngoài chiến trường.

Nguyễn Trung Hiếu qua đời vào đầu năm 2018. Ông đã để lại tập sách ngàn trang “Nguyễn Trung Hiếu hợp tuyển”. Tập sách này được trao giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Phạm Văn Đồng, do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào năm 2019. Nhà văn Trung Trung Đỉnh từng viết: “Hình tượng nổi bật trong văn chương của Nguyễn Trung Hiếu là người Mẹ Việt Nam đã che chở cho quân giải phóng; rồi cũng người mẹ đó đau lòng khi giải phóng rồi thì nghe tin người từng được mình hy sinh che chở trở thành cán bộ tham ô”.

Có lần tôi nghe ông thốt lên 4 câu thơ cuối trong bài. Điều ông trăn trở lúc đó, giờ đang trở thành chiến dịch phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

“Trung ương Đảng ơi!/ Lũ chuột mặt người chưa hết./ Đảng lập đội trừ diệt./ Có tôi - đi trong hàng ngũ tiền phong”.

Khi đọc bài thơ này, ông ngó ngang tường, mắt không rời chân dung của các thi nhân, nhà thơ đang lồng trong khung kính. Có lẽ, ông tự tình với họ từng ngày. Thần giao cách cảm sẽ khiến những người bạn văn (dù trên dương gian hay đã tạ thế) đều thấu lời ông đang nói?

MỚI - NÓNG