Cận ngày hàng vạn lao động Triều Tiên phải về nước

Một chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo. (Ảnh: NHK)
Một chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo. (Ảnh: NHK)
TPO - Cô hầu bàn trong nhà hàng Triều Tiên ở Bắc Kinh không bận tâm đến thời hạn cuối cùng vào cuối tuần này mà tất cả lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải về nước.

“Tôi sẽ về nhà trong kỳ nghỉ. Nhưng tôi sẽ quay lại”, cô nói.

Triều Tiên đưa một lực lượng lao động đáng kể ra nước ngoài để làm việc, chủ yếu ở 2 nước láng giềng Nga và Trung Quốc, nhưng cũng có thể sang cả châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Hai năm trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc yêu cầu các nước đang tiếp nhận lao động Triều Tiên phải trả họ về nước, như một cách để ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Thời hạn chót để hoàn tất thực hiện  yêu cầu này là ngày 22/12.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh và Mátxcơva đang lách bằng cách cấp cho lao động Triều Tiên loại visa khác để tiếp tục duy trì nguồn lao động giá rẻ này.

Là đồng minh lâu năm của Triều Tiên, Trung Quốc và Nga trong tuần này kêu gọi nới lỏng nhiều biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên bế tắc.

Trung Quốc ước tính đang tiếp nhận 50.000 lao động Triều Tiên, và các báo cáo nói rằng người Triều Tiên vẫn đang tiếp tục vào Trung Quốc để làm việc trong những nhà máy gần biên giới.

Ở Unban, một nhà hàng Triều Tiên nằm gần đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh, một hầu bàn nói rằng cô đã làm việc ở đây được 4 năm và vẫn sẽ làm tiếp.

“Không ai bảo chúng tôi rằng nhà hàng sẽ bị đóng cửa. Chúng tôi có thêm 2 đồng nghiệp mới đến từ tháng trước”, cô nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuần trước nói rằng Trung Quốc thực hiện nghiêm túc tất cả nghị quyết của Liên Hợp quốc, nhưng từ chối cho biết bao nhiêu người Triều Tiên vẫn đang làm việc ở nước này.

Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora nói hồi tháng 9 rằng số người Triều Tiên đang làm việc ở Nga đã giảm từ hơn 30.000 xuống chưa đầy 10.000.

Kênh NHK của Nhật Bản nói rằng số chuyến bay giữa TP Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga với Bình Nhưỡng tăng lên đáng kể trong tháng này.

NHK nói rằng Nga rõ ràng đang trả lại số lượng lớn lao động Triều Tiên trước thời hạn chót 22/12.

Giới chức ở cảng hàng không Vladivostok cũng nói rằng hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo tăng số chuyến bay về Bình Nhưỡng trong tháng này.  

Air Koryo thường cung cấp 2 chuyến bay mỗi tuần từ Vladivostok về Bình Nhưỡng. Nhưng từ đầu tháng 12 này, hãng có kế hoạch tăng lên 10 chuyến/tuần.

Giới chức địa phương ở Nga nói rằng số chuyến bay tăng lên để chở các lao động Triều Tiên về nước.

Tính đến tháng 12/2017, hơn 30.000 người đăng ký làm việc ở Nga, chủ yếu ở vùng Viễn Đông ít người sinh sống. Chính phủ Nga khẳng định sẽ trả họ về để thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

“Sau ngày 22/12, sẽ không còn người Triều Tiên nào nữa ở Nga bằng visa lao động”, ông Matsegora nói với hãng tin Nga RIA Novosti.

Nhưng nghị quyết 2397 không nói rõ loại visa nào, chỉ nói chung là “tất cả công dân Triều Tiên đang kiếm thu nhập”.

GS Kang Dong-wan, công tác tịa ĐH Donga ở Hàn Quốc, cho rằng Nga không thể cấp visa lao động mới, nhưng người Triều Tiên có thể vào bằng visa du lịch.

Số liệu từ Bộ nội vụ Nga cho thấy trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, Mátxcơva cấp số lượng visa du lịch cho người Triều Tiên nhiều gấp 6 lần số và visa sinh viên nhiều gấp 3 lần số lượng của cả năm 2018.

Theo ước tính của phái đoàn Mỹ ở Liên Hợp quốc, lao động nước ngoài, chủ yếu trong ngành xây dựng, dây chuyền sản xuất và lâm nghiệp, mang lại hơn 500 triệu USD mỗi năm về cho Bình Nhưỡng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.