Thai to: Nhiều nguy cơ bệnh tật
Hầu hết người thân thường khuyên thai phụ nên ăn nhiều, vì “ăn cho hai người”. Em bé sinh ra có cân nặng trên 4kg được xem là thừa cân. Trẻ sơ sinh thừa cân đối diện với nguy cơ: bị hạ đường huyết (do nồng độ insulin của mẹ cao, sau khi sinh bị hạ xuống, trong khi hệ thống nội tiết của em bé không kịp điều chỉnh).
Điều này dẫn đến một loạt hiện tượng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, hạ thân nhiệt… Thậm chí, nếu không có kế hoạch dinh dưỡng hợp lý, bé sẽ rơi vào tình trạng béo phì rất khó cứu vãn, cùng với nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư...
Bé sơ sinh béo phì nếu không được bú sữa mẹ, nguy cơ thừa cân sau này sẽ tiếp tục tăng. Thông thường, nên cho bé bú sữa mẹ ít nhất sáu tháng đầu đời. Khi bé đến tuổi ăn dặm, cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có chế độ nuôi dưỡng đúng, tránh cho bé tiếp tục tăng cân quá nhiều so với tuổi.
Nguyên nhân nào khiến cho con nặng cân? Tại sao có trường hợp mẹ ăn ít con vẫn to? Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung - Trưởng phòng khám Phụ sản Hoàng Gia TP.HCM, có nhiều nguyên nhân gây thai to như: thai to do mẹ bệnh tiểu đường. Bị tiểu đường trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai (tiểu đường thai kỳ) đều có khả năng sinh con to. Tiền sử sinh thai to: Nếu lần đầu sinh em bé nặng cân thì lần mang thai sau nhiều khả năng thai cũng sẽ to.
Ngoài ra, còn có trường hợp người mẹ khi được sinh ra nặng cân, sau này có nguy cơ cao mang thai to. Mẹ bị béo phì có nhiều khả năng sinh con béo phì. Mang thai quá ngày sinh sẽ có nguy cơ cao sinh con to nếu thai nhi tiếp tục được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ bởi bánh nhau khỏe mạnh.
Tuổi mẹ khi mang thai trên 35 cũng có nhiều khả năng sinh con to. Ngoài những nguyên nhân trên, bé sinh ra cũng có thể béo phì nếu mẹ mắc một bệnh hiếm nào đó.
Thai to là một trong những nguyên nhân gây sinh khó, phải can thiệp, có thể gây tổn thương đường sinh dục, thậm chí có thể gây vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ. Nếu mẹ bị bệnh tiểu đường, tăng cân quá nhiều khi mang thai, cần lưu ý phát hiện các dấu hiệu dọa vỡ tử cung như: cơn co tử cung ngày càng mạnh và nhanh, sản phụ đau đớn vật vã.
Khi gặp trường hợp này, người thân nên gọi xe cấp cứu. Điều lo sợ nhất của các bác sĩ sản khoa cũng như bà mẹ là tình trạng kẹt vai thai nhi lúc sinh. Trong các cuộc sinh ngôi thuận (ngôi đầu), khi đầu thai nhi đã ra khỏi cửa mình người mẹ thì vai, ngực và các bộ phận khác của thai nhi sẽ được sinh ra một cách nhẹ nhàng.
Với những trường hợp thai to, khi đầu bé ra khỏi cửa mình người mẹ, vai của bé có thể bị kẹt lại ở khung chậu. Đây là trường hợp sinh rất khó và lúc này bằng mọi cách cũng phải sinh em bé theo đường âm đạo, không thể mổ.
Bác sĩ sản khoa sẽ làm một số thủ thuật để đưa thai nhi ra ngoài và bé sinh ra có thể bị gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay… Do đó, khi thai quá to, nhất là khi ước lượng cân thai trên 4kg, các bác sĩ thường tiến hành mổ để tránh các tai biến sản khoa.
Ảnh minh họa - Shutterstock |
Thai nhẹ cân: Sức đề kháng kém
Thai phát triển trong bụng mẹ nhờ các nguồn: khẩu phần ăn của người mẹ mỗi ngày, kho dự trữ dưỡng chất của mẹ; quá trình trao đổi các chất dinh dưỡng giữa mẹ và thai nhi ở nhau thai; quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở thai nhi.
Chỉ cần một trong ba nguồn trên không cung ứng đủ thì thai sẽ gầy yếu, suy dinh dưỡng. Cụ thể, nhau thai chịu trách nhiệm vận chuyển chất dinh dưỡng cho bào thai, vì vậy nếu vì một nguyên nhân nào đó (các bệnh lý bánh nhau, nhau bong non, suy giảm chức năng…) sẽ khiến cho thai nhi không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển, dẫn đến còi cọc, thậm chí thai ngừng phát triển và tử vong.
Cơ thể mẹ suy dinh dưỡng, mẹ bị bệnh cũng sẽ không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi. Bé được coi là nhẹ cân, khi chào đời nặng dưới 2,5kg. Bé nhẹ cân thường có sức đề kháng yếu, năng lượng dự trữ kém, khả năng điều hòa thân nhiệt không tốt nên dễ nhiễm bệnh.
Hiện nay, để nuôi bé nhẹ cân đã có phương pháp chuột túi (kangaroo). Bé nằm sấp trên ngực phụ huynh để nhiệt độ truyền sang bé, ủ ấm bé như trong bụng mẹ. Phương pháp này giúp bé hạn chế tiêu hao năng lượng, phát triển tốt và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Trên thực tế, có trường hợp mẹ béo phì nhưng sinh con gầy còm. Đó là do thai phụ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều nhưng không đủ chất, thiếu vitamin, khoáng chất khiến thai nhi không phát triển. Cụ thể, thai phụ dùng các món tràn trề năng lượng rỗng như: nước ngọt có gaz, bánh ngọt, nước mía, đường, các loại bánh làm từ bột chiên giòn (bánh tiêu, giò cháo quẩy, bánh bao chiên…)
Khi khám thai, phát hiện thai nhi nhẹ cân, các bác sĩ thường khuyên thai phụ tăng cường chế độ dinh dưỡng, rau xanh, trái cây, hải sản, sữa… Khi thai quá nhỏ, thai suy dinh dưỡng nặng, có thể tử vong trong bụng mẹ, các bác sĩ cân nhắc và tư vấn cho thai phụ sinh sớm.
Làm sao đạt chuẩn?
Làm sao để thai nhi đạt chuẩn khi sinh ra, cả mẹ và con đều khỏe mạnh? Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM chia sẻ:
“Hiện nay, khi đi khám thai tại các tuyến quận, huyện; phường, xã, thai phụ đều được hướng dẫn, tư vấn các vấn đề về ăn uống, bổ sung vi chất, tiêm chủng… Riêng những trường hợp đặc biệt như thiếu năng lượng trường diễn (gầy, yếu), hoặc thừa cân béo phì thì không có công thức chung. Vì vậy, các trường hợp này cần đi khám tại các chuyên khoa dinh dưỡng, sản phụ khoa. Việc thăm khám nhằm chẩn đoán xem có bệnh đi kèm hay không, chế độ sinh hoạt làm việc… để có hướng tư vấn cụ thể cho mỗi trường hợp”.
Dinh dưỡng mỗi thai kỳ có sự khác nhau. Ở ba tháng đầu thai phụ có thể lên cân không nhiều, thậm chí có thể giảm cân do ốm nghén. Ở ba tháng giữa và ba tháng cuối, chế độ ăn tăng nhưng bảo đảm ăn cân đối.
Không nên cố gắng ăn quá mức. Thai phụ khi đi khám thai theo hẹn để bác sĩ xem xét sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, thai phụ cũng nên tự phát hiện các dấu hiệu bất thường như: tăng quá 1kg/tuần hoặc không tăng cân trong hai tuần liên tiếp.