Cần loại bỏ tư kiến

Cần loại bỏ tư kiến
Mỗi người trong chúng ta khi nhìn và đánh giá một sự việc hay vấn đề thường theo tư kiến của mình. Đặc biệt, những người từng trải trong cuộc đời và có gia đình thì lòng chấp vào tư kiến là rất lớn.

Thấy hay nghe bất cứ gì mình cũng suy nghĩ và đánh giá theo tư kiến. Đầu óc mình chứa đầy một ổ vi khuẩn tư kiến và đánh giá. Hàng tỷ tỷ tỷ tỷ con vi khuẩn ấy nằm ngay trong đầu mình, cản trở sự phát triển rộng lớn vô cùng vô tận của đầu óc và tâm hồn. Chẳng những có tư kiến về người mà còn có tư kiến ngay đối với bản thân mình. Nhưng điều đặc biệt đáng quý là ổ tư kiến ấy không có nhiều ở tuổi trẻ.

Chúng ta thấy, những em bé từ 03 đến 13 tuổi có tâm hồn như một vị Phật, không biết ghét bỏ ai hay con vật nào cả. Nhưng khoảng từ 15 cho đến 17 tuổi, các em lại thấy mình khôn bằng hay khôn hơn người lớn. Và khi thực sự trở thành người lớn rồi thì lại cho mình là trung tâm của vũ trụ. Đó là lý do tại sao tôi thường nói hãy để cho trẻ em giúp người lớn phát triển tâm tính, đầu óc và cái nhìn Phật, chứ không phải để người lớn giúp cho trẻ em phát triển những điều ấy. Đừng bao giờ nghĩ người lớn phải giúp cho người trẻ hay người có kinh nghiệm giúp cho người không có kinh nghiệm. Tại sao? Vì trong đầu óc người lớn chứa đầy tư kiến. Người lớn đã để kho tư kiến khổng lồ, thậm chí lớn hơn cả trời đất, chiếm hết tâm hồn họ. Còn kho tư kiến của người trẻ thì nhỏ lắm. Mà người trẻ cũng dễ bỏ, dễ phủi, dễ phủ định những tư kiến của mình.

Đứng trên góc nhìn của con đường Khai mở Lực Nhiệm Màu và Sự Thông Minh Sâu thẳm thì cũng chính người trẻ giúp đỡ người lớn nhiều hơn là ngược lại. Người lớn thường thấy họ ở tận trên trời cao và nhìn người khác chỉ bằng nửa con mắt. Bởi vậy, tôi khuyên tuổi trẻ hãy tỉnh táo. Chúng ta thông cảm cho người lớn nhưng phải luôn cảnh giác với kho tư kiến của họ và không để họ áp đặt kho tư kiến ấy lên cuộc đời hay cuộc sống của chính mình.

Nói vậy không phải để tuổi trẻ khinh thường người lớn. Họ có những kinh nghiệm rất quý giá, đáng để mình quan sát một cách nghiêm túc và sử dụng một cách có lợi nhất cho trí tuệ và tầm nhìn của mình. Phải biết cách khai thác nhằm tránh sự trả giá không cần thiết.

Trích trong sách “Người Việt Nam, Hồn Việt Nam” của tác giả Duy Tuệ, được phối hợp ấn hành năm 2012 bởi NXB Văn Hóa Thông Tin và Công ty CP Đầu tư Giáo dục Minh Triết

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG