Liên quan đến việc hỗ trợ trẻ khuyết tật, theo bà Chử Thị Thanh Hương – Chủ tịch Hội Cha mẹ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam: Trẻ em khuyết tật phải được truyền thông về quyền của các em. Các bố mẹ, các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em nên tổ chức các hoạt động để trẻ em có các dạng tật có thể tham gia, qua đó tạo sự tự tin cho các em.
Ảnh minh họa |
“Các em được trang bị kiến thức, có hiểu biết, có thực hành. Khi các em được lắng nghe, được ghi nhận, cảm thấy bình đẳng và thúc đẩy sự tham gia của các em, các em sẽ cảm thấy không bị ép buộc. Khi đó, các em hào hứng và được trang bị kiến thức sẽ muốn tham gia các hoạt động một cách tự nguyện”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, phụ huynh cũng cần được tập huấn về quyền của trẻ em khuyết tật. Khi họ hiểu về quyền của trẻ em thì mới có kiến thức bảo vệ quyền của con mình. Chúng ta nên tạo một nhóm phụ huynh có con khuyết tật thông qua nhóm cộng đồng có con khuyết tật (cùng dạng tật) để truyền kinh nghiệm cho những phụ huynh khác cùng cảnh ngộ với con mình.
Về bảo vệ trẻ khuyết tật trước nguy cơ bị xâm hại và phân biệt đối xử, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng, đảm bảo thực hiện quyền của trẻ em, cũng như thúc đẩy sự phát triển toàn diện, góp phần bảo vệ và tạo điều kiện, môi trường sống phù hợp với trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật.
Tuy nhiên, theo bà Lan Anh, hiện nay, trẻ khuyết tật có rất ít cơ hội tham dự các sự kiện chính thức do các cơ quan nhà nước tổ chức để nêu lên tiếng nói của mình. Mặc dù nhà nước ngày càng quan tâm tới người khuyết tật thông qua cải cách thể chế như ban hành Luật Người khuyết tật 2010, song các chương trình đó vẫn chưa giải quyết được vấn đề về các mối quan hệ đan xen giữa các yếu tố như tình trạng khuyết tật, giới tính, dân tộc, và trình độ học vấn.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tổ chức xã hội, và thực tế có nhiều tổ chức xã hội địa phương chưa thích ứng tốt, bao gồm những khoảng trống về cơ sở hạ tầng khiến họ chưa thể cung cấp dịch vụ cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong thời gian bùng phát Covid-19 và các tình huống khẩn cấp khác. Tác động kinh tế của đại dịch đã làm giảm cơ hội nhận tài trợ của các tổ chức xã hội ở Việt Nam, điều này làm hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ của họ đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Chăm sóc trẻ em khuyết tật. |
Trong bối cảnh đó, Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật” ra đời với mục tiêu cung cấp các biện pháp can thiệp cần thiết để thúc đẩy thực hiện quyền cho trẻ em, bao gồm trẻ em khuyết tật, thuộc các bản dạng giới khác nhau, để trẻ được tham gia vào quá trình ra quyết định và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực là thực sự cần thiết.
Dự án do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hồng Kông tài trợ với sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, được triển khai từ tháng 01/2022 đến hết tháng 12/2024 bởi 3 đối tác: Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển Bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR); Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC).
Cần triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ
Bên cạnh những hiệu quả thiết thực mang lại, công tác thực hiện chính sách với trẻ em khuyết tật ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như một số chính sách chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta; tiến độ thực hiện một số chính sách với trẻ em khuyết tật còn chậm; nhiều chính sách không được thực hiện đồng bộ; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hài hoà giữa các bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương trong thực hiện chính sách với trẻ em khuyết tật nên hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt.
Bên cạnh đó, việc xác định mức độ khuyết tật còn chưa chính xác và cụ thể đối với một số dạng tật nên khiến nhiều trẻ khuyết tật gặp khó khăn, thậm chí không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Một số chính sách hỗ trợ chưa được triển khai đến đúng đối tượng, nhất là với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa…
Ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1438/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025.
Mục tiêu chung của đề án là phấn đấu đến năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật. Đề án đang bước sang giai đoạn thứ 2 (2021-2025) với nhiều mục tiêu cụ thể.
Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận của trẻ em khuyết tật còn rất nhiều hạn chế, nguyên nhân một phần do nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao nên còn có sự kỳ thị với người khuyết tật; bản thân người khuyết tật vẫn còn mặc cảm, chưa đủ tự tin để hoà nhập.
Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay chưa có nhiều trường chuyên biệt về chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật; các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật còn ít và thiếu trang thiết bị. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dậy chưa được trang bị đầy đủ để nâng cao chất lượng học tập của trẻ…
Từ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng, để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em khuyết tật đạt được hiệu quả cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật; nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến trẻ em khuyết tật về hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ; hoàn thiện mạng lưới dịch vụ và xây dựng mạng lưới kết nối các dịch vụ; thí điểm triển khai các mô hình hỗ trợ…
Công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ cần được đẩy mạnh, tăng cường. Trong đó, chú trọng tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong việc cung cấp các dịch vụ toàn diện về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.