Theo tài liệu của PV, tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại Nha Trang cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.
Mục tiêu dự án là xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với khách sạn 5 sao, các biệt thự, công trình dịch vụ, phụ trợ phục vụ khu nghỉ dưỡng và bảo tồn, tôn tạo các công trình hiện hữu và cảnh quan xung quanh. Đến năm 2017, khi dư luận lên tiếng về việc di tích lầu Bảo Đại bị doanh nghiệp "phá nát", UBND tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện.
Đến tháng 11/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Theo đó, ngoài 5 biệt thự hiện hữu sẽ được tôn tạo, chủ đầu tư được phép xây 35 căn biệt thự mới (giảm một căn so với qui hoạch cũ) với chiều cao tối đa 5 tầng và mật độ xây dựng gộp tại dự án gần 1,3 ha chiếm 14,5%. Trong đó, hơn 8.200 m2 đất ở không hình thành đơn vị ở tại dự án đã được chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ để xây 20/36 căn biệt thự.
Một biệt thự khác tại di tích lầu Bảo Đại được sử dụng làm văn phòng Công ty Khánh Hà
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, bảo tồn 5 biệt thự hiện từ thời vua Bảo Đại phải tuân thủ quy định hiện hành. Sau khi cải tạo, các biệt thự này sẽ được phục vụ vào mục đích đón tiếp, trưng bày hiện vật. Trường hợp thực hiện việc thu phí dịch vụ hoặc không thu phí dịch vụ đối với việc tham quan biệt thự hiện hữu, chủ đầu tư phải tuân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà đã có văn bản cam kết sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lí vào quý III/2021, hoàn thành thi công xây dựng và đưa khu nghỉ dưỡng vào khai thác trong quý II/2023.
Khu di tích lầu Bảo Đại rộng hơn 12 ha, được người Pháp xây dựng trên núi Cảnh Long vào năm 1923 để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 - 1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó. Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.