UBND huyện Gia Lâm vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20 của UBND thành phố Hà Nội. |
Huyện đã quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo từng phân khu phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức sản xuất, sinh hoạt, truy vết, xét nghiệm… cho phù hợp với tình hình thực tế. |
Cụ thể, Phân khu 1 (vùng đỏ) tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Phân khu 2 (vùng da cam) sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. |
Đối với Phân khu 3 (vùng xanh) gồm 19 xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện như Phân khu 2, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Tiền Phong, ngay trong sáng hôm nay (6/9), nhiều cửa hàng ăn ở các xã, thị trấn kể trên đã mở cửa trở lại, treo biển "bán hàng mang về". Tại một số hàng quán, nhiều người dân đeo khẩu trang, xách cặp lồng đến mua đồ ăn. |
"Các địa phương đã không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian phong tỏa, cách ly theo quy định gồm: Dương Hà, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu, Ninh Hiệp, Yên thường, Yên Viên, thị trấn Yên Viên, Kim Lan, Văn Đức, Kiêu Kỵ, Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Thị, Dương Xá, Thị trấn Trâu Quỳ, Đa Tốn, Lệ Chi và Dương Quang". Ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết. |
Bên cạnh đó, các khu vực, thôn, tổ dân phố, Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Vinhomes Ocean park trên địa bàn xã, trấn tiếp tục duy trì trực chốt tại các khu vực, thôn, tổ dân phố, đảm bảo trực 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần cho đến khi có thông báo mới. |
Đối với vùng này, UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. |
Chủ đầu tư phải xây dựng phương án phòng, chống dịch, trình UBND xã, thị trấn phê duyệt. Các công trình xây dựng công cộng vốn ngân sách được phép hoạt động nhưng đảm bảo phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, chủ đầu tư công trình phải xây dựng phương án phòng, chống dịch, trình UBND huyện phê duyệt; trong phương án phải làm rõ: số lượng, danh sách người lao động; nơi ăn ở; phương án cung cấp vật tư, thiết bị... Các cửa hành kinh doanh vật liệu xây dựng được phép hoạt động. |