Theo thông tin của Tiền Phong có được, từ năm 2006, Kiểm toán Nhà nước đã điểm tên dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do có nhiều sai phạm trong thanh - quyết toán và gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại dự án này có nhiều sai sót đã được phát hiện. Điển hình như phiếu kết quả thí nghiệm vật liệu, thí nghiệm kiểm tra cường độ của hạng mục hàng rào phía trước nhà máy không có tên cán bộ giám sát là không tuân thủ quy định tại điều 6 - Thông tư số 06 của Bộ Xây dựng. Nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu chất lượng, hồ sơ nghiệm thu công việc xây dựng hạng mục hàng rào tạm cũng không có xác nhận của giám sát của chủ đầu tư là chưa tuân thủ Nghị định 209.
Tuy nhiên, những vấn đề về quản lý tài chính tại dự án này mới là vấn đề đáng bàn. PVN đã ký hợp đồng tư vấn thu xếp vốn với giá trị gần 68,9 tỷ đồng và thực hiện giải ngân gần 61,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chi phí này chưa có văn bản quy định của nhà nước hướng dẫn về định mức cũng như hạch toán, quyết toán của các dự án đầu tư xây dựng nên chưa có cơ sở để xác nhận.
Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án điển hình của việc dùng vốn sai mục đích của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh. Thực tế, số tiền tạm ứng cho dự án này được PVN rót cho PVC hồi năm 2011 khoảng 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD đã bị sử dụng sai mục đích. năm 2011, PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó PVC xin tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.
Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán khoản 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng và dùng 55 tỷ đồng thanh toán lãi vay uỷ thác của PVN. Ngoài ra, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh còn chi 74 tỷ đồng để hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Số tiền 300 tỷ đồng còn lại, PVC dùng để góp vốn vào 5 công ty con gồm: công ty PVC - MS là 102 tỷ đồng, công ty PVC - Land 50 tỷ đồng, công ty PVC - Hoà Bình là 55 tỷ đồng, công ty PVNC 30 tỷ đồng và công ty PVC Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Cũng tại dự án này, một trong những đơn vị tham gia thực hiện là Tổng Công ty Bảo dưỡng sửa chữa công trình dầu khí đã "tố" PVN không minh bạch trong gói thầu "Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt".
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng gây chú ý khi, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Tổng cục Năng lượng phối hợp với các đơn vị khẩn trương tiến hành rà soát các vấn đề liên quan đến việc tổ chức đấu thầu do PVC làm tổng thầu EPC đối với gói thầu vật liệu bảo ôn cách nhiệt tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Chỉ đạo được đưa ra sau khi Tổng công ty Bảo dưỡng sửa chữa công trình dầu khí - PVMR (tên cũ là PVEIC), đại diện cho Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX có văn bản kiến nghị Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC, Công ty trước do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) về việc liên danh này bị PVC loại khỏi gói thầu “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt”.
Theo đó, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư và PVN đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với PVC. Trong quá trình thực hiện, tháng 3/2016, PVC tổ chức mời thầu gói thầu “Vật liệu bảo ôn, cách nhiệt” - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và bán công khai hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu quan tâm.
Đến ngày 10/5/2016, PVC đóng gói thầu và tiến hành mở thầu, đánh giá Hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Đến ngày 19/10/2016, tổ công tác của PVC về gói thầu này có báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật với 3 nhà thầu vượt qua kỹ thuật gồm Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX; Liên danh ENESCO - NAM AN và Liên danh Lilama 69-2 - Lisemco - Lilama.
Sau đó, Phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Duyên Hải đã ký Tờ trình số 3652/c-XLXK về việc phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật với 3 nhà thầu này và đề nghị HĐQT của PVC phê duyệt. Tuy nhiên, khi Tổ công tác trình lên, HĐQT PVC lại loại bỏ tư cách nhà thầu của Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX và chỉ đạo rà soát lại kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Trước sự việc này, Phó Tổng giám đốc PVC Nguyễn Duyên Hải đã ký báo cáo giải trình của Ban Giám đốc gửi HĐQT và kiến nghị giữ nguyên kết quả do Tổ công tác trình, nhưng không được HĐQT chấp nhận.
Sau khi có thông tin bị loại khỏi gói thầu, PVEIC, đại diện Liên danh nhà thầu PVEIC -TBDST -TEMEX đã có công văn đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến tư cách tham gia dự thầu của liên danh này, nhưng không nhận được phản hồi từ PVC và tiếp tục có đơn kiến nghị gửi tới PVC và PVN phản ánh sự việc là đề nghị làm rõ.
Cận cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang được xây dựng: