Cán bộ, ngư dân Việt cùng giải quyết 'thẻ vàng' EU

Cán bộ, ngư dân Việt cùng giải quyết 'thẻ vàng' EU
TPO - GS James Borton, nhà khoa học biển tại Đại học Nam Carolina (Mỹ), gần đây có các chuyến đi thực tế tới Việt Nam, trực tiếp trò chuyện với ngư dân nhiều tỉnh thành. Ông gửi cho Tiền Phong bài viết về sự đồng hành của chính quyền và người dân trong việc phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo, không được quản lý (IUU).

Với những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, việc Liên minh châu Âu rút “thẻ vàng” thủy sản thu hút sự chú ý của cả quan chức chính phủ và ngư dân; họ đang gia tăng nỗ lực giảm thiểu các hoạt động IUU.

Giống như nhiều người khác, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, lo lắng về tương lai xuất khẩu của ngành thủy sản – một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, ông hiểu rằng, “thẻ vàng” không chỉ đem lại lộ trình cho chính phủ mà còn cho tất cả người dân cùng giải quyết các vấn đề về bảo tồn và phát triển bền vững. 

“Sau khi nhận được thông báo về hệ thống thẻ của Ủy ban châu Âu, Việt Nam đã cố gắng đáp ứng tất cả các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi thực sự cần bảo vệ biển và môi trường của mình”, ông Lĩnh nói.

Bức tranh tổng thể biển Đông hiện không sáng sủa; các thách thức về an ninh lương thực và nguồn cá tái tạo được đang nhanh chóng trở thành một hiện thực phũ phàng không chỉ đối với ngư dân.

Tổng trữ lượng cá đã giảm 70-95% kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước; tỷ lệ đánh bắt giảm 70% trong 20 năm qua. Việc khai thác sò khổng lồ, nạo vét và xây đảo nhân tạo của phía Trung Quốc những năm gần đây đã làm tổn hại nghiêm trọng hơn 160 km2 rạn san hô. Các rạn san hô giảm 16% mỗi thập kỷ.

Trong khi đó, ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4,5 triệu lao động và Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Na Uy và Thái Lan. Việt Nam hiện là nước cung ứng cá tra lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu tôm lớn thứ 4 thế giới.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm nay. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2019, Việt Nam có thu về 4,2 tỷ USD từ xuất khẩu tôm, 2,3 tỷ USD từ cá tra và khoảng 3,5 tỷ USD từ các loại thủy hải sản khác.

Cán bộ, ngư dân Việt cùng giải quyết 'thẻ vàng' EU ảnh 1 Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: TTXVN.

Dự kiến, phái đoàn Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EU sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 5 này. Việt Nam đang khẩn trương áp dụng các biện pháp để cho các thanh tra EU thấy rằng, Việt Nam đã sửa khuyết điểm, đang đi đúng hướng trong việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

“Chi cục Thủy sản Đà Nẵng đã áp dụng nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục để ngư dân biết về các luật mới và các quy định của EU”, ông Lĩnh nói.

Chính quyền và ngư dân các địa phương, từ Hải Phòng, Đà Nẵng tới Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang nỗ lực giảm thiểu các tập quán đánh bắt không tốt, loại bỏ kiểu đánh bắt hủy diệt ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, từng bước hiện đại hóa nghề cá. Việt Nam cũng cần sửa đổi khuôn khổ pháp lý để đảm bảo tương thích với nguyên tắc quốc tế và khu vực, tăng độ truy xuất thủy hải sản, đẩy mạnh bảo tồn, quản lý nguồn lợi thủy sản.

Các địa phương Việt Nam đang tích cực phòng chống đánh bắt trái phép bằng cách lắp đặt thiết bị giám sát hành trình định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) trên tàu cá. Ở Đà Nẵng, đội tàu cá lưới kéo 509 chiếc (dài hơn 15m) của Đà Nẵng đã được lắp đặt thiết bị GPS. Trong số này có bảy tàu vỏ thép được đóng từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đảm bảo việc xác định nguồn gốc thủy sản đánh bắt và cũng giúp ngư dân hoàn thiện nhật ký đánh bắt theo yêu cầu. Số liệu thống kê về tàu cá, nhật ký đánh bắt… giờ được đưa vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài việc thường xuyên tuần tra để ngăn tàu nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam cũng có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân Việt Nam về biên giới trên biển, luật biển quốc tế.

MỚI - NÓNG