Tòa nhà Hỏa xa Đông Dương (số 136 Hàm Nghi, quận 1) có tên ban đầu là Bureau du Chemin de Fer, được khánh thành năm 1914, cùng lúc với chợ Bến Thành. Theo tư liệu lịch sử, cuối thế kỷ IX, khu vực này là kênh rạch đã được chính quyền cũ san lấp, cải tạo thành đường sá và các khu phố thị. Nhà ga xe lửa đầu tiên của Đông Dương được thiết lập và tòa nhà Hỏa xa được xây dựng làm trụ sở điều hành.
Theo các nhà nghiên cứu, tòa nhà Hỏa xa là công trình có kiến trúc Pháp rất điển hình với căn nhà 2 khối dạng chữ L, mái ngói đỏ chạy dài và nhô rộng với hệ thống dầm đỡ, cửa sổ dạng vòm liên tiếp, góc nhọn nhô cao giữa tòa nhà để làm trục đối xứng.
Bộ ba kiến trúc là chợ Bến Thành - Nhà ga - tòa nhà Hỏa xa được thiết kế liên hoàn, tạo thành một khối cảnh quan hài hòa, thuận tiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ đó. Từ khu vực nhà ga này, tàu xe, hành khách và hàng hóa có thể tỏa đi miền Tây, miền Trung và miền Bắc.
Trong khi đó, Sở Hỏa xa là nơi điều hành không chỉ nhà ga Sài Gòn mà còn cả hệ thống đường sắt Đông Dương. Trước 1975, đây là tòa nhà thuộc Công ty Đường sắt Đông Dương, là công trình có giá trị lịch sử với Sài Gòn-TPHCM và với cả ngành đường sắt. Tuy nhiên, sau năm 1975, khi tuyến đường sắt Bến Thành-Hòa Hưng bị dỡ bỏ tại khu vực quận 1, tòa nhà Hỏa xa vẫn được Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) quản lý và sử dụng làm văn phòng cho tới nay.
Năm 2007, đơn vị chủ quản từng có ý định biến tòa nhà Hỏa xa thành cao ốc văn phòng. Tuy nhiên, do tòa nhà vướng vào danh mục các tòa nhà văn hóa-lịch sử nên ý định trên vẫn chưa thực hiện được.
Năm 2019, UBND TPHCM đề nghị được bảo tồn tòa nhà Hỏa xa. Đây là công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố. Theo khoản 14, điều 1 Luật Di sản văn hóa, công trình này đang được bảo vệ để lập hồ sơ xếp hạng di tích theo quy định. UBND TPHCM muốn được tiếp nhận tòa nhà này để bảo tồn.
Theo UBND TPHCM, tòa nhà Hỏa xa sẽ được xây dựng thành nhà ga trung tâm, kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành. Một phần của tòa nhà cũng sẽ được trưng dụng làm Bảo tàng Đường sắt Việt Nam, là nơi trưng bày hiện vật của ngành đường sắt từ thời Pháp thuộc cho đến nay để phục vụ du khách tham quan. Phần còn lại của trụ sở sẽ sử dụng làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị đã và đang được xây dựng tại TPHCM.