> Không quy định mức kinh phí bình quân của cha mẹ học sinh
Ông Quang cho biết: Theo điều lệ cũ, kinh phí hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ học sinh (CMHS) có được một phần từ nguồn đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh. Nay chúng tôi bỏ từ đóng góp mà thay vào đó từ ủng hộ. Chính vì tính chất ủng hộ này mà chúng tôi có căn cứ để đưa vào điều lệ quy định mới: Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Đặc biệt, thay đổi lớn nhất trong điều lệ này là Bộ đưa ra điều khoản quy định những việc mà ban đại diện CMHS không được phép làm. Thứ nhất, Ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
Thứ hai, không được dùng kinh phí hoạt động của mình để chi vào các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trước khi ký thông tư ban hành điều lệ, Bộ đã đưa dự thảo điều lệ lên website của Bộ xin ý kiến rộng rãi trong dư luận cũng như các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục. Trước những thay đổi trên, một số Sở GD&ĐT cũng bày tỏ băn khoăn. Họ cho rằng một số nơi Ban đại diện CMHS đã đóng góp tích cực vào công tác xã hội hoá, giúp các cơ sở giáo dục cải thiện điều kiện cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ là cương quyết hướng cho ban đại diện CMHS phải làm đúng nhiệm vụ chức năng của mình chứ không phải là làm chuyện thu góp tiền.
Nhưng nếu cấm ban đại diện thu góp tiền phục vụ cho các trường thì các trường đối diện với các khó khăn về điều kiện dạy học như thế nào trong điều kiện chi ngân sách còn eo hẹp?
Chúng ta vẫn thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục. Tôi không cho rằng cấm phụ huynh thu góp tiền cho nhà trường là đi ngược lại chủ trương này. Ban đại diện CMHS không được làm thì ai sẽ là người có trách nhiệm vận động quyên góp các nguồn lực trong xã hội để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường? Chúng tôi đã tính đến vấn đề này.
Hiện lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã giao Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì soạn thảo một hướng dẫn việc vận động tiếp nhận sử dụng quản lý các khoản đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ khác, kể cả của cá nhân phụ huynh học sinh. Nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng phải đứng ra chịu trách nhiệm việc này.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà tài trợ có thể đóng góp cho nhà trường bằng nhiều hình thức như công lao động, tiền, tài sản cho nhà trường nhưng về nguyên tắc chỉ một đầu mối quản lý việc đóng góp. Phải đưa vào sổ sách kế toán các khoản đóng góp, phải sử dụng các khoản đóng góp đúng mục tiêu đã cam kết, phải công khai kết quả thực hiện cũng như kết quả chi tiêu. Dự kiến một tuần nữa chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn này.
Để phục vụ những hoạt động đổi mới phương pháp dạy học mà ngành GD&ĐT yêu cầu, có nhiều khoản ngân sách ngân nước khó mà chi, chẳng hạn tiền phô tô bài tập, đề kiểm tra cho học sinh. Nếu điều lệ mới được ban hành, e rằng các trường sẽ phải tìm cách “lách” để hợp thức hóa khoản thu - chi này...
Quan điểm của cá nhân tôi là không đồng ý việc phụ huynh phải bỏ tiền ra phô tô để kiểm tra trong nhà trường cho con em mình. Nhà nước phải lo. Ngay như chuyện làm vệ sinh, chúng tôi cũng đặt vấn đề là phụ huynh không phải chi tiền cho khoản này. Ngày xưa học sinh phải đi quét, trực nhật. Việc đó rèn luyện ý thức lao động cho học sinh. Cho dù có muốn thuê người làm vệ sinh cho trường thì tiền ngân sách cũng phải bỏ ra!
Từ trước đến nay cũng đã nhiều nơi trường không chỉ giao cho Ban đại diện CMHS đóng góp mà còn trực tiếp đứng ra vận động phụ huynh ủng hộ các khoản xã hội hoá. Trường gửi giấy về cho từng phụ huynh, yêu cầu hồi âm đồng ý hay không đồng ý. Cách làm này dù mang tiếng là vận động nhưng lại gây khó cho phụ huynh bởi họ chỉ có một cách lựa chọn là đồng ý.
Để tránh việc tự nguyện một cách bắt buộc này, chúng tôi sẽ đưa ra một quy trình mà các trường phải thực hiện khi triển khai một đề án xã hội hoá giáo dục. Không phải hiệu trưởng thích là phát giấy vận động. Chủ trương vận động anh phải được thông qua bởi các cơ quan quản lý cấp trên, đặc biệt là cơ quan quản lý về tài chính.
Nội dung cụ thể của dự thảo hướng dẫn đó vẫn đang được bàn bạc nên tôi không thể trao đổi nhiều hơn. Tuy nhiên mong muốn của chúng tôi là cố gắng thiết kế một quy trình dân chủ, công khai, và phải được xem xét phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở báo cáo tình hình thu chi
Ngày 2-12, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các sở GD&ĐT yêu cầu báo cáo về Bộ trước ngày 10-12 về tình hình thu chi đầu năm học trong các cơ sở giáo dục ở địa bàn mình quản lý. Trong công văn, Bộ đề nghị các sở báo cáo rõ ràng các khoản thu mà các trường đã thực hiện theo 4 nhóm thu chi, trong đó nêu các mục thu một cách chi tiết.
Chẳng hạn nhóm thu có tính chất thoả thuận gồm học 2 buổi/ ngày, nước uống, ăn trưa, chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân, học phẩm, đồng phục, phô tô đề kiểm tra, mua vở viết, hỗ trợ dạy và học, an ninh, lao động, vệ sinh; Nhóm thu để tăng cường cơ sở vật chất có hỗ trợ xây dựng phòng học, các phòng chức năng, mua máy vi tính, sửa chữa nhỏ trong trường lớp, mua cây xanh, máy chiếu đa năng, mua điều hòa...
Các sở phải nêu rõ kết quả kiểm tra, thanh tra tình hình thu chi đầu năm học: số lượng cơ sở được kiểm tra, số cơ sở vi phạm có xử lý, số lượng kinh phí/ hiện vật được trả lại cho cha mẹ học sinh, số trường hợp bị xử lý kỷ luật/ hình thức xử lý kỷ luật...
Được biết, kết quả báo cáo của các sở là căn cứ để Bộ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề thu chi trong trường học.
Quý Hiên (ghi)