Cảm hóa học sinh cá biệt bằng võ đạo

Cảm hóa học sinh cá biệt bằng võ đạo
TP - Trường phổ thông nội trú, Viện Nghiên cứu Phát triển võ Việt Nam và thể thao (Viện IVS, trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) là trường “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam tiếp nhận, đào tạo và cảm hoá học sinh cá biệt trên khắp cả nước gửi về bằng võ đạo.

> Thưởng ba đơn vị cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến
> Đoàn đang tiếp cận nhiều hơn với thanh niên chậm tiến

Gột rửa “tì vết”

Lấy võ thuật làm phương tiện rèn luyện, lấy kỷ luật rèn nề nếp, lấy võ đạo rèn đạo đức, tiến bộ học tập cũng như tìm kiếm tài năng của học sinh là phương pháp dạy học rất hiệu quả đang được áp dụng tại Viện IVS (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Đến viện IVS, tôi được tiếp xúc với những bạn trẻ nhờ võ đạo đang vượt qua lỗi lầm, chế ngự hung tính để hoà nhập với cuộc sống đời thường.

Huỳnh Nhật S. (16 tuổi), quê Quảng Ngãi kể trước đây thường không nghe lời bố mẹ, hay gây gổ đánh nhau, thậm chí có lúc đánh người khác toác đầu phải nhập viện. Trước khi gia đình gửi ra Bắc Ninh học, S. từng đánh một bạn giập mũi. S. giao lưu với cánh đàn anh, đàn chị “có số má” tại địa phương. Có tuần, S. bỏ nhà đi không về. Hễ thấy ai “ngứa mắt”, S. xông vào đánh.

“Được giới thiệu về trường chuyên dạy những học sinh cá biệt, ông nội em thuyết phục ra đây học sẽ tốt cho em, có tương lai, lại được học võ nữa nên em cũng thích thú”, S. chia sẻ.

Tôi hỏi: “Có khi nào em nghĩ được học thêm võ, sau này có thể làm “đại ca”, bắt nạt người khác không?”, S. lắc đầu: “Không ạ! Hồi trước còn nông nổi, đua đòi bạn bè chứ giờ em đã được giác ngộ. Được thầy giảng võ đạo, chia sẻ những điều hay, lẽ phải, em đã hiểu và thay đổi từ suy nghĩ đến hành động. Tuổi mới lớn nhỡ sa chân theo các anh chị giang hồ thì rất khó rút ra, tương lai sẽ đen tối.”

So với thành tích “gây chiến” trước đây, giờ S. trầm tính, nói chuyện lễ phép, có trước có sau. S. được học đạo, võ dân tộc Vovinam và hiểu ra sức mạnh thực sự của con người không phải nằm trong quả đấm. Sau mấy tháng vào học tại trường, S. được thầy giáo dạy Vovinam phát hiện có năng khiếu, tập kỹ thuật tốt nên đã đưa S. vào đội tuyển để rèn luyện đi thi đấu.

 “Mỗi học sinh cá biệt đều có những tố chất riêng mà nhiệm vụ của chúng tôi là tìm được mặt tích cực để phát huy, hướng thiện các em”.  

Thầy Phạm Quang Long -
Chủ tịch Viện IVS

Gặp Ngô Thị Thu H. (14 tuổi), quê ở Đà Lạt trong phòng học nhạc, cô gái nhỏ nhẹ chia sẻ lý do đến với trường nội trú: “Bố em kinh doanh bất động sản, mẹ làm tranh thêu nhưng bố mẹ li dị từ khi em mới 18 tháng tuổi. Từ đó, em lớn lên trong sự chăm sóc, cưu mang của ông bà nội”. H cho biết, do thiếu thốn tình cảm, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, nên H. sa đà cùng bạn bè, hay quậy phá, thi thoảng đánh nhau.

Một lần tình cờ mẹ H. tìm được thông tin về Viện IVS đã khuyên em ra học tập. H. khóc, nhất quyết không chịu đi vì muốn ở lại sống cùng ông bà, vui cùng chúng bạn. Sau đó mẹ H. dỗ dành, mua vé máy bay cho H. ra Hà Nội và thuyết phục, gửi gắm em vào trường.

Vào trường, H. làm quen các anh chị và bạn mới chung cảnh ngộ nên dần vơi đi nỗi nhớ nhà. Điều quan trọng nhất, H. được tiếp cận với môn học yêu thích, âm nhạc giúp em lấy lại thăng bằng và bình yên trong cuộc sống. H. được nuôi dạy trở thành thiếu nữ duyên dáng với tương lai rộng mở: “Em muốn theo học hết chương trình phổ thông, sau đó thi đại học và được ở lại dạy nhạc trong trường”, H. tâm sự.

Với vẻ mặt khá lầm lì, ít nói, Nguyễn Đỗ Hoàng N. (16 tuổi), nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM cho biết lí do đến với trường nội trú vì trước đó từng hai lần đánh thầy giáo. Trong một lần ngồi học, do không tập trung, bị thầy dạy Giáo dục Quốc phòng nhắc nhở, N. đã đứng dậy cãi ngang với thầy giáo. “Em đang mệt, thầy cứ nhắc đi nhắc lại nên em bực, em quát lại và đánh thầy” N kể.

Trước đấy, N. cũng từng đánh thầy quản sinh. Liên tục mắc sai lầm, xu hướng gây gổ đánh nhau nhiều hơn nên N. quyết định chuyển ra Viện IVS với mong muốn rèn mình. Sống trong môi trường xa nhà, tự lập, hằng ngày được các thầy dạy võ đạo, N. nhận ra quyết định sáng suốt, đây là ngôi trường để N làm lại cuộc đời, theo đuổi ước mơ vào học đại học. “Em nhận thức được những lỗi lầm ngày trước và tự nhủ phải phấn đấu, hoàn thiện bản thân nhiều hơn”, N. chia sẻ.

Gạn đục, khơi trong

Các em học sinh vui chơi văn nghệ, sinh hoạt tập thể
Các em học sinh vui chơi văn nghệ, sinh hoạt tập thể.
 

Thầy Vũ Thế Điệp (28 tuổi), dạy võ Vovinam ở Viện IVS cho biết, trước đó các em đã quen với môi trường tự do, thoải mái nên khi mới vào trường, bị gò bó khiến không ít em cảm giác bức bối, khó chịu. “Có nhiều học sinh mới vào rất ngỗ ngược. Thường phải mất tháng đầu tiên để các thầy tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách từng em, thầy trò cùng làm quen. Qua được tháng này, các em bắt đầu hòa đồng, học tập và vui chơi cùng các bạn”, thầy Điệp nói.

Thầy Phạm Quang Long, Chủ tịch Viện IVS chia sẻ: “Mỗi học sinh cá biệt đều có những tố chất riêng mà nhiệm vụ của chúng tôi là tìm được mặt tích cực để phát huy, hướng thiện các em. Chẳng hạn, học sinh thích bạo lực, hay đánh nhau nếu uốn nắn đúng dễ trở thành vận động viên giỏi. Với học trò nghiện game, mê Internet, nếu đào tạo bài bản có khả năng thành những lập trình viên. Hay học sinh thích tụ tập đám đông, ăn mặc kỳ dị, đầu tóc khác thường... thường ẩn chứa những tiềm năng của các môn nghệ thuật. Tìm ra được những tố chất đúng và áp dụng phương pháp phù hợp chắc chắn sẽ giúp những tài năng thăng hoa”.

Để có chương trình đào tạo “gạn đục, khơi trong” từ những học sinh cá biệt khắp cả nước gửi về bằng phương pháp võ đạo, bản thân thầy Long có kinh nghiệm 7 năm làm chuyên gia, giám đốc kỹ thuật cho Liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo tại Liên bang Nga, đồng thời đã từng tham gia giảng dạy trong một số trường thiếu sinh quân của Nga.

Theo thầy Long, ngoài các giờ dạy võ đạo, trường còn áp dụng “kỷ luật thép” để uốn nắn các em học sinh hư. Tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt bằng cách đứng tấn, chạy bộ, hít đất…của võ thuật. Mức phạt đơn giản hơn là xách nước, nhặt rau, gọt hoa quả... Đặc biệt, tại Viện IVS có một gian phòng mang tên “cấm túc” để kỷ luật các học sinh vi phạm lỗi đặc biệt bằng cách cách ly với môi trường bên ngoài, tạo điều kiện cho các em tự suy ngẫm. Hết thời gian kỷ luật, các em còn phải viết một bản tự kiểm điểm bằng…tiếng Anh.

Với phương châm: “Học sinh cá biệt là học sinh đặc biệt”, Viện IVS đã dang rộng vòng tay đón nhận tất cả những học sinh được coi là cá biệt. Hiện trường đang dạy học cho hơn 200 học sinh có “tì vết” trên khắp cả nước.

Tập thể lãnh đạo, hội đồng khoa học của Viện IVS (thành lập năm 2009) phần lớn tốt nghiệp tại Liên Xô (cũ) và học tập tại Liên bang Nga. Dựa trên cơ sở thực tiễn môi trường lục quân dành cho trẻ em ở nước Nga, với môi trường nội trú, kỷ luật quân đội, đồng thời kết hợp phát triển quan điểm của nhà giáo dục học vĩ đại người Nga Makarenko, ban lãnh đạo, hội đồng khoa học của Viện đã áp dụng cho môi trường nội trú tại Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bến Tre bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh
Bến Tre bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh
TPO - Ngày 6/12, Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh, Khoá X đã hoàn thành nội dung, chương trình sau 2 ngày làm việc. Tài kỳ họp, HĐND tỉnh Bến Tre bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đối với ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng và ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Sở Tài chính.