Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân quá lớn mà ai cũng ngại chờ đợi lâu, lợi dụng điều này, tình trạng cò mồi tại các bệnh viện gia tăng. Để dẹp yên nạn “cò”, từ 3 năm nay, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện mô hình “Tình nguyện viên hướng dẫn bệnh nhân”, với lực lượng nòng cốt là các bạn sinh viên y khoa.
Tại đây, lượng bệnh nhân trung bình 1 ngày đến khám từ 3.000 đến 5.000 lượt, đa số là bà con từ các tỉnh miền Tây. Khi đến bệnh viện, bà con hầu như không rõ các thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, không biết đường đi đến các phòng khám, các khu vực làm cận lâm sàng… nên dễ bị “cò” dụ dỗ, móc túi, lừa đảo… Để giúp đỡ họ, các bạn tình nguyện viên mặc áo đỏ luôn có mặt trong giờ cao điểm, túc trực tại bệnh viện từ 5h sáng đến 10h trưa.
Sinh viên ĐH Y dược TPHCM trong trang phục áo đỏ tình nguyện viên giúp đỡ bệnh nhân. Trước khi tham gia công tác tình nguyện, các bạn đều phải trải qua khóa tập huấn xử lý các tình huống.
Để trở thành một tình nguyện viên không phải là điều đơn giản. Các bạn phải được huấn luyện công tác hướng dẫn bệnh nhân từ khâu tiếp đón, giao tiếp ứng xử như thế nào với bệnh nhân đến việc phải thuộc nội quy của bệnh viện để có thể nhanh chóng hòa nhập vào công việc cũng như chủ động phục vụ bệnh nhân.
Bạn Nguyễn Thị Lạc Vy, SV khoa Dược - một tình nguyên viên trực tại quầy Thông tin tâm sự: “Khó khăn của tụi em chính là vừa phải duy trì tốt việc học trên lớp vừa thực hiện tốt công tác tình nguyện. Có những buổi phần đông các bạn phải đến lớp thì những bạn đi trực sẽ căng thẳng hơn trước số lượng rất đông bệnh nhân”.
Tình nguyện viên tham gia rất nhiều công việc: hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chỉ đường đi, hỗ trợ bệnh nhân già yếu...
Nhiều bệnh nhân tuổi cao, sức yếu lại không có người nhà đi theo như cụ bà Nguyễn Thị Hạnh 85 tuổi, quê ở Châu Đốc - An Giang. Các tình nguyện viên phải đi cùng cụ từ đầu đến cuối buổi khám vì tai cụ bị ù. Vào đến bệnh viện cụ cứ ngồi chờ, nếu các tình nguyện viên không đến giúp, có lẽ bà cụ cứ ngồi đợi mãi đến hết giờ.
Hầu hết bệnh nhân tại bệnh viện Đại học Y Dược đều hài lòng với thái độ phục vụ nhiệt tình của các sinh viên. Bà Đỗ Thị Út, quê ở huyện Tân Uyên - Bình Dương đến đây điều trị bệnh mãn tính đã hơn 1 năm, lần nào cũng được tình nguyện viên giúp đỡ. “Mấy cháu tình nguyện viên ở đây luôn nói chuyện nhỏ nhẹ, hướng dẫn chu đáo và rõ ràng.Có những lúc tôi đang loay hoay thì gặp được các cháu chạy đến chủ động giúp đỡ, tôi mừng lắm”, bà Út chia sẻ. Những lúc bệnh nhân nắm tay nói lời cảm ơn, hay ánh mắt trìu mến của một cụ già khiến các bạn tình nguyện viên vơi đi nỗi mệt nhọc. Có khi các bạn còn được bệnh nhân lấy khăn lau giùm mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán... Ai cũng nhận ra, khi mình trao đi, thì sẽ có lúc mình nhận về.
Ngay cả bệnh nhân trẻ tuổi cũng gặp khó khăn khi đọc hiểu danh mục xét nghiệm, xét nghiệm nào nên làm trước, cần chuẩn bị những gì...
Một buổi sớm như mọi khi, bạn Nguyễn Hồng Tú (SV năm 2) đang hướng dẫn bà con điền mẫu thông tin thì chợt có một chú ngoài 40 tươi cười đi đến chào và hỏi thăm công việc của Tú. Hóa ra chú ấy đã từng đến đây khám vào tháng trước và được Tú hướng dẫn tận tình. Cô bạn vừa ngạc nhiên vừa cảm động vì không ngờ họ còn nhớ đến mình. Và đó là một kỷ niệm không phai trong lòng cô sinh viên tình nguyện.
Các bạn sinh viên y khoa rất hăng hái tham gia công việc này vì khi được cọ xát với môi trường bệnh viện, các bạn học được tác phong chuyên nghiệp của các anh chị nhân viên y tế, được dịp rèn luyện các kỹ năng tương tác cộng đồng. Hơn nữa, qua việc tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, “bác sĩ tương lai” thấu hiểu thêm những nỗi khó nhọc của người bệnh, giúp các bạn hun đúc thêm lòng yêu nghề y.