Nhà thơ Xuân Tâm và cuốn Thi nhân Việt Nam in lần đầu. Ảnh: Tân Linh. |
Một trùng hợp: Kỷ niệm 70 năm xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Thi nhân Việt Nam” đúng lúc với dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Vỹ - một trong 46 nhân vật của Hoài Thanh trong cuốn sách nói trên.
17 năm sau khi “Thi nhân Việt Nam” ra đời, Nguyễn Vỹ - khi đó ở trong Nam, mới được đọc những trang Hoài Thanh viết về mình và thơ mình. Ông viết bài in trên tạp chí Phổ thông ở Sài Gòn năm 1959 “phản biện” lại. Một cuộc “phản biện” thật muộn màng và… thú vị.
Nguyễn Vỹ viết: “ Lật sách ra coi, tôi hết sức ngạc nhiên về bài nói đến tôi. Ông khởi đầu bằng một lời phê bình lạ lùng: Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xèng inh cả tai” Không biết ông Hoài Thanh lấy theo tài liệu lịch sử nào mà ghi chép như thế? Quyển “Tập thơ đầu” ra đời năm 1934 – lúc bấy giờ sự thật tôi mới có 22 tuổi, chỉ là một cuộc trình diễn rụt rè và im lặng…” Nguyễn Vỹ đã nói về xuất xứ và hành trình ra đời tập thơ đầu của mình rằng, chỉ với mươi bài thơ Việt và Pháp được viết trong giấy vở sau đó “tình cờ Trương Tửu trông thấy, lấy đưa Lưu Trọng Lư xem rồi chính Lư đưa nhà in Tân Dân in giùm mà tôi không có tiền trả…”. Nhưng...
Hoài Thanh đã đem trình làng mấy chục chân dung Thơ Mới, và ông đã đối xử ân tình với tất cả, dẫu có chê ai một xíu thì chỉ là cái cách ông dẫn người ta vào mê lộ thi ca của người đó mà thôi. Viết như Hoài Thanh về sự xuất hiện của Nguyễn Vỹ là không có gì phải... cãi. Bởi chính Nguyễn Vỹ đã thừa nhận rằng “... Tờ báo đầu tiên ban cho tôi một hân hạnh đặc biệt là tờ tuần báo Pháp văn L’ Annam Nouveau của cụ Nguyễn Văn Vĩnh.Trong một cột dài, tờ báo ấy khen nhiều bài trong Tập thơ Đầu, cả thơ Việt văn lẫn thơ Pháp văn.
Tôi nhớ báo ấy trích cả đoạn dài của bài Débris d’aile et Desbris d’Ell và bài Đức thánh Đồng đen. Cách mấy số sau, cũng trong L’ Annam Nouveau, Nguyễn Nhược Pháp viết một bài phê bình rất có cảm tình nồng hậu. Tôi thật cám ơn hai bài báo ấy.
Nhưng, tiếp sau đó, Thế Lữ với một bài dài đăng trong tuần báo Phong hóa, đả kích nhiệt liệt mấy bài thơ Việt văn của tôi. Ông bảo tôi “dốt”, ông chê tôi “bất tài”. Viết thế tức nhà thơ Nguyễn Vỹ đã thừa nhận có chuyện nhiều báo chí khen chê thơ ông.
Vậy thì Hoài Thanh viết về tình hình ấy của Nguyễn Vỹ, chính là khen đấy chứ! Giả đò “mắng”, nhưng là để bắt đầu làm người ta chú ý đến nhân vật sắp được ca tụng.
Sự thực thì Hoài Thanh đã đối xử như vậy với nhiều nhân vật trong “Thi nhân...” của mình. Và không có gì là vẻ vang hơn khi những người làm thơ, khi tuổi mới đôi mươi đã được con mắt xanh của nhà phê bình Hoài Thanh nhòm ngó đến. Và ông đã “phang” rất nhiều nhân vật của mình với những lời lẽ cực kỳ đáng yêu.
Lan Sơn là một ví dụ. Lan Sơn “bị” Hoài Thanh viết vẻ thành thực: “Con người ấy đã trở nên tối tăm, rắc rối, cầu kỳ, con người ấy tôi không muốn biết nữa.” Nói vậy, thế mà sau đó ông lại trích dẫn đến ba bài thơ dài của Lan Sơn… Và đây: “Cho nên gặp thơ hay, tôi triền miên trong đó.
Thỉnh thoảng có nói đến cái dở cũng cốt cho nổi cái hay mà thôi”. Thái độ của ông là dứt khoát đấy chứ. Và Thi nhân Việt Nam là tập sách bình thơ hay của mười năm Thơ Mới chứ không hề là cuốn sách phê bình như nhiều người vẫn nghĩ. Ông không đi vào phê phán mổ xẻ câu chữ mà là chỉ bình phẩm với lời lẽ nhẹ nhàng, tinh tế nhằm tôn vinh cái hay cái đẹp của thơ.
Nhà thơ Nguyễn Vỹ. |
Được chọn là một trong 46 nhân vật của “Thi nhân...” âu cũng đã là một vinh dự lớn trên văn đàn, từ đó để lại tên tuổi nhiều thời đại. Hoài Thanh đã đi tìm thi nhân cho nước Việt và Nguyễn Vỹ đã là nhân vật được chọn, cùng với những Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Nguyễn Vỹ, có lẽ hiểu lầm Hoài Thanh khi đánh đồng việc phê bình thơ Nguyễn Vỹ của một số người trên một số tờ báo, trong đó có Thế Lữ, nên sau đó giận dữ viết:… “Chứ sao ông lại hùa theo chàng mà vác gậy đập tôi, sau rồi lại vuốt ve tôi?...” Viết như vậy rõ ràng Nguyễn Vỹ đã vì bức xúc mà không hiểu ý đồ, không rành phương pháp bình thơ của Hoài Thanh.
Lối viết của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam là hết sức tùy hứng, tùy bút. Có người đã bị ông “đập” như trời giáng, nhưng rồi lại bắt đầu thủng thẳng mà ngợi ca họ, tôn vinh thơ họ như đỉnh cao của nghệ thuật chữ nghĩa… Còn cái đoạn “Cái lối ăn mặc và điệu bộ lố lăng” mà Hoài Thanh viết về Nguyễn Vỹ, hẳn không phải Hoài Thanh mô tả thi nhân về vẻ ngoài đâu. Đấy là ông ấy “phang” cái cách làm thơ tiếng Pháp, và cái chất mới lạ trong hình thức thơ Nguyễn Vỹ.
Hoài Thanh viết: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng Thơ với chiêng trống xập xèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…” Vâng, đúng là Hoài Thanh đã nhằm vào hình thức của thơ Nguyễn Vỹ chứ không phải vào người thi nhân.
Mà bằng chứng là đọc lại hai bài thơ của Nguyễn Vỹ dẫn trong “Thi nhân Việt Nam” mới thấy cái hình thức thơ và cấu trúc bài thơ lạ lùng. Bài Sương rơi không lạ sao được khi chỉ rặt những câu thơ chỉ có…hai chữ: Trong lòng/ Hạt sương/Thành một/Vết thương… Hoặc bài Gửi Trương Tửu có đoạn: Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác/Mà coi đồng tiền như cái rác/Kiếm được xu nào đem tiêu hoang/Rủ nhau chè chén nói huynh hoang…Thì đấy là lối thơ lạ lùng đã đành, mà lời lẽ cũng không bình thường lắm.
Với Nguyễn Vỹ sau đó Hoài Thanh đã dành cho những lời có cánh: “Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Và Hoài Thanh đã viết tiếp: “Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi.
Cái gì đó có thể là giọt sương cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều chầm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ…Và đây: “Gửi Trương Tửu” mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. (…) Những ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể khóc lên được…”.
Cái cách trình bày của Hoài Thanh về vẻ đẹp thi ca với người đời là như vậy. Nhưng buồn thay, sau đó hai người hai ngả, văn bản duy nhất là cuốn “Thi nhân Việt Nam” đến quá muộn với nhân vật của mình và “ở hai đầu nỗi nhớ” ấy, khó cảm thông chia sẻ được cùng nhau là điều dễ hiểu. Bây giờ thì thi nhân Nguyễn Vỹ và tác giả “Thi nhân Việt Nam” đều đã kéo nhau về thiên cổ…
HN tháng Tư 2012
Nhà thơ Nguyễn Vỹ sinh năm 1912, quê làng Tân Hội (sau đổi thành Tân Phong) nay thuộc xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông học Trường Trung học Pháp - Việt, Qui Nhơn (1924) và khi đang học năm thứ 3 (1927) thì bị đuổi vì tham gia phong trào bãi khóa. Ra Hà Nội học, đậu tú tài toàn phần (1932), ông dạy tại Trường Thăng Long, Hà Nội và viết cho các tờ như La Patrie Annamite, L’Ami du Peuple Indochinois, Tiếng dân, Văn học Tạp chí, Đông Tây Tuần báo, Phụ nữ Tuần báo, Tiểu thuyết Thứ năm… Ông cùng Trương Tửu chủ trương tuần báo Le Cygne (1935 – 1936). Viết nhiều bài trên tờ Le Cygne chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp, ông bị qui kết “phá rối cuộc trị an, xui dân làm loạn để đánh đổ chính phủ quân chủ” với cái án 6 tháng tù và 3.000 quan tiền phạt (1937). Ông cho xuất bản hai quyển sách (Cái họa Nhật Bản và Kẻ thù là Nhật Bản) chống chế độ quân phiệt Nhật và bị bắt đem an trí ở Trà Khê, Phú Yên (1941 – 1945)... Nguyễn Vỹ mất tại Sài Gòn năm 1971 sau một tai nạn giao thông. |