Cái giá phải trả của các tỷ phú

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh về giới siêu giàu luôn thu hút người xem thuộc tầng lớp bình thường như chúng ta một cách đầy khêu gợi. Khi dõi theo cuộc sống của một nhân vật với khối tài sản lớn hơn 99% dân số còn lại của nhân loại, khán giả được mời gọi vào một thế giới nơi mọi giới hạn về của cải, vật chất, pháp luật và cả đạo đức đều bị xóa nhòa bởi rất nhiều tiền.

Món “tiền lẻ” triệu đô

Bộ phim truyền hình Succession (Thừa kế) do Jesse Armstrong biên kịch và đạo diễn (gồm 4 phần, chiếu trên HBO từ ngày 3/6/2018 đến 28/5/2023) là một ví dụ điển hình cho câu chuyện đầy tính châm biếm về một gia tộc tỷ phú sử dụng quyền lực và tiền tài để hủy hoại lẫn nhau.

Bộ phim được khán giả và giới phê bình, kể cả Tổng thống Mỹ đánh giá rất cao, và gặt hái nhiều giải thưởng này xoáy sâu vào các chủ đề về sự giàu có, quyền lực và thao túng truyền thông trong thời kỳ hiện đại dưới góc nhìn trào phúng, đưa ra lời bình luận gay gắt về sự phức tạp và mơ hồ về đạo đức của những người nằm trong số 1% trên đỉnh của xã hội.

Bối cảnh phim là thế giới thu nhỏ của chủ nghĩa Machiavellian trong gia tộc Roy, khi ba người con của Logan Roy là Kendall, Shiv và Roman tranh giành quyền kiểm soát tập đoàn truyền thông quốc tế Waystar Royco cùng khối tài sản kếch xù của ông.

Cái giá phải trả của các tỷ phú  ảnh 1

Gia đình Roy với người đứng đầu là chủ tịch Logan Roy (giữa). Nguồn: HBO

Phim mở đầu bằng những cảnh phô trương lối sống thượng lưu của gia đình này thông qua những căn penhouse xa hoa, những món cao lương mỹ vị giá tiền còn đắt hơn cả những chiếc xe hơi, và những chiếc phi cơ/trực thăng cá nhân được sử dụng như đi chợ.

Tuy nhiên, bộ phim không lãng mạn hóa sự giàu có mà làm điều ngược lại, đó là lột trần sự hủy hoại của tình trạng thừa mứa vật chất lên con người. Sự giàu có trong phim được khắc họa như một con dao hai lưỡi, vừa đem lại đặc quyền cho những người sở hữu nó, đồng thời làm suy đồi đạo đức và suy thoái mọi mối quan hệ gia đình. Những người biến cả thế giới xung quanh trở thành trò chơi của mình.

Ngay trong tập đầu tiên, tại phân đoạn cả nhà Roy chơi bóng chày cùng nhau, vì thiếu người nên Roman Roy rủ một cậu bé con của người chăm sóc vườn vào chơi cùng và hứa sẽ thưởng một triệu đô nếu cậu thắng.

Đáng tiếc là cậu nhóc đã thua khi chỉ còn cách chiến thắng vài phần trăm giây nữa, đành ngậm ngùi nhìn Roman xé bỏ tờ séc ngay trước mặt mình với vẻ khoái chí. Đó là số tiền khổng lồ cho những gia đình nhập cư nghèo như cậu đổi đời, nhưng với Roman thì chỉ là món tiền lẻ dùng để mua vui.

Và những bi kịch muôn thuở

Dễ dàng nhận thấy Succession được truyền cảm hứng từ một số vở bi kịch của Shakespeare. Ngay trong cốt lõi của mình, Succession chính là vở kịch King Lear trong thời đại truyền thông. Vở bi kịch này kể về vị vua Lear quyết định từ bỏ ngai vàng và trao quyền trị vì vương quốc cho hai trong số ba cô con gái mà ông ưng ý. Đây là khởi nguồn cho sự đố kị, tranh chấp quyền lực giữa Goneril và Regan, khiến họ lộ rõ bản chất nhẫn tâm, phản bội lẫn nhau và những người thân thiết, trong đó có vua cha.

Tấn bi kịch kết lại với cái chết của vua Lear cùng những cô con gái của mình. Vương quốc đó rơi vào hỗn loạn. Tương tự, ba người con của “bạo chúa truyền thông” Logan Roy cũng sử dụng mọi thủ đoạn để chà đạp nhau nhằm chiếm lấy sự ưu ái của cha và sau cùng là chiếc ghế chủ tịch tập đoàn. Họ đâm lén nhau, phản bội chính cha mình bất cứ lúc nào có thể, để cuối cùng đã hủy hoại lẫn nhau, còn cơ ngơi đó lại rơi vào tay người ngoài.

Bi kịch King Lear để lại một bài học đã xưa cũ nhưng vẫn luôn trường tồn: Tham vọng quyền lực sẽ đục rỗng ta từ bên trong. Không có gì tốt đẹp đến từ việc hủy hoại lương tâm để đội chiếc vương miện vô hồn thấm đẫm vũng máu ruột thịt gia đình. Thật trớ trêu khi bộ phim mang tên Thừa kế khép lại với cái kết, đó là không đứa con nào của Logan Roy được thừa kế di sản cha mình.

Cái giá phải trả của các tỷ phú  ảnh 2

(Từ trái qua) Ba anh em nhà Roy: Kendall, Shiv và Roman. Nguồn: HBO

Succession chính là câu chuyện của những kẻ “không là cái thá gì” như lời nhân vật Roman Roy tự nhận xét về bản thân, cũng như hai người anh và em mình cố gắng tranh đoạt trở thành kẻ đứng đầu, để rồi kết lại với việc cả ba trở về như ở tập đầu tiên, thành những kẻ “trắng tay”. “Trắng tay” ở đây tất nhiên không mang nghĩa vật chất, bởi họ đều là những tỷ phú.

Tuy nhiên số tiền đó đã tồn tại sẵn từ khi họ ra đời và họ thừa hưởng nó như một thứ hiển nhiên, giữ những chức vụ quan trọng trong tập đoàn chỉ vì là con của chủ tịch. Vấn đề là họ đã không thể tạo ra bất cứ giá trị và ý nghĩa gì thêm cho bản thân. Suy cho cùng, đây vẫn chỉ là những đứa trẻ không bao giờ lớn, chỉ biết chơi đùa bằng tiền của người cha thừa tiền bạc nhưng thiếu tình thương.

Sự vô cảm và tàn nhẫn của một người cha như Logan đã gieo mầm mống hủy hoại vào đầu óc và trái tim của những đứa con ngay từ thuở nhỏ; và ông nuôi dưỡng nó đến khi họ đủ sức mạnh để tận diệt lẫn nhau, mà không hề có kẻ chiến thắng.

Kendall những tưởng cuối cùng cũng có thể chạm đến chiếc “vương miện” của tập đoàn Waystar Royco sau khi vị vua cha qua đời, anh ta lại bị chính em gái mình phản bội trong cuộc bỏ phiếu biểu quyết chủ tịch mới, khiến tập đoàn rơi vào tay của một doanh nhân nước ngoài.

Cuối tập phim, anh ta bần thần nhìn ra bờ sông với ánh mắt của một người sắp có ý định tự sát, vì đã thất bại thảm hại trong một cuộc chiến đầy tham vọng hòng định nghĩa bản thân mình.

Cô con gái duy nhất trong nhà Shiv Roy giờ đây trở thành vợ của CEO mới của tập đoàn dưới quyền của một ông chủ xa lạ. Đây cũng là cái kết đau buồn, của một người luôn muốn khẳng định thực lực bản thân với tư cách là con gái duy nhất trong gia tộc toàn những người đàn ông vốn phân biệt giới tính và xem thường phụ nữ.

Là người con thân cận với Logan nhất, Roman Roy dần rơi vào sự vô định và hỗn loạn sau cái chết của cha mình. Mất đi chỗ dựa vững chắc để anh ta tự tung tự tác, cũng là người từng bạo hành anh về mặt thể xác lẫn tinh thần khi còn bé, giờ đây anh đã thực sự được tự do dù có chấp nhận điều đó hay không. Sau vụ biểu quyết CEO thất bại của anh trai mình, Roman ngồi đơn độc trong một quán bar và mỉm cười với ly martini. Đó là một nụ cười của sự thanh thản hay điên dại? Không ai thực sự rõ cả. Nhưng điều ta biết rõ nhất, đó là Roman cần phải làm quen với cuộc đời cô độc trước mắt mình sau khi cả ba anh em nhà Roy đã tan đàn xẻ nghé…

Succession đặc tả sự tàn phá, bao gồm hủy hoại về tâm trí con người, sinh kế, cuộc sống và thậm chí cả các giá trị dân chủ trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng. Bộ phim đã thuyết phục rằng sự hủy diệt này là hậu quả không thể tránh khỏi của đặc tính tư bản: Một cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ mà kết thúc hầu như chỉ mang lại đau khổ.

MỚI - NÓNG
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.