Cách 'vẽ đường cho hươu chạy' đúng
Khi con cái đến tuổi dạy thì, nhiều bậc cha mẹ "đau đầu" khi không biết làm cách nào để "vẽ đường cho hươu chạy đúng". Lời khuyên sau của các chuyên gia sẽ giúp gỡ rối cho các ông bố bà mẹ
Cha mẹ hãy nói chuyện với trẻ thẳng thắn, cởi mở và gần gũi về sức khỏe sinh sản để trẻ hiểu và tự bảo vệ mình. Ảnh: minh họa - Internet |
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình thì Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên.
Phần lớn các bạn gái còn ngộ nhận và thiếu hiểu biết về cơ thể, 77% trong số họ không thể trả lời được những câu hỏi về thai nghén, sức khỏe sinh sản, giới tính…. Điều đó cho thấy trẻ vị thành niên đã không được quan tâm đúng mức trong việc giáo dục về sức khỏe giới tính, đặc biệt là trong gia đình, mà vai trò chính là các bậc cha mẹ.
Thắc mắc biết hỏi ai?
Đến tuổi dậy thì, cả trẻ nam và nữ đều trải qua những thay đổi về mặt sinh lý rất quan trọng. Ở lứa tuổi này, trẻ có sự chuyển biến rất lớn về tâm lý, thể hiện qua các mối quan hệ cuộc sống, rõ nét nhất là trong quan hệ với cha mẹ, với bạn bè, trẻ có ý thức hơn về giới tính, muốn khám phá mình và bạn khác giới.
Trước những thay đổi "bất thường" của cơ thể, rất nhiều trẻ băn khoăn lúng túng, thậm chí sợ hãi. Có bạn gái tâm sự "Lần đầu có kinh tôi cảm thấy thực sự khiếp sợ. Tôi rất xấu hổ, bối rối và sợ mọi người biết... Tôi giấu chuyện đó và thấy kinh khủng", nhưng ngược lại có bạn lại cảm thấy bình thường:
"Tôi thấy kinh khi tôi học lớp 6. Mẹ tôi đã nói với tôi rằng khi tôi đến độ tuổi đó tôi sẽ thấy kinh. Khi đó mẹ ở bên tôi vì vậy tôi không hề cảm thấy sợ hay lo lắng gì cả"...
Như vậy, rõ ràng việc cha mẹ cần trò chuyện với con về những thay đổi tâm sinh lý trước khi bước vào tuổi dậy thì cũng như khuyến khích các con tìm hiểu những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản qua tài liệu, sách báo,... là rất quan trọng.
Cha mẹ nên nói gì?
Đối với trẻ gái, cha mẹ, nhất là người mẹ hãy nói cho trẻ về hiện tượng kinh nguyệt trước khi trẻ bị hành kinh lần đầu tiên và những thay đổi khác trên cơ thể như: sự thay đổi vóc dáng, ngực và cơ quan sinh dục...
Cần giải thích cho con những về chuyện sinh hoạt tình dục, nguy cơ nhiễm các bệnh qua đường tình dục và những kỹ năng như: cách ăn mặc và cử chỉ, cách tránh những trường hợp bị lôi kéo, dụ dỗ, dọa nạt, ép uống đồ uống có cồn, hoặc chấp nhận đi cùng với người lạ, người mới quen đến nơi vắng vẻ có nguy cơ cao bị ép quan hệ tình dục...
Đối với trẻ trai, giai đoạn dậy thì được đánh dấu bằng hiện tượng xuất tinh lần đầu còn gọi là mộng tinh. Rất nhiều trẻ cảm thấy sợ hãi, lo lẵng.
Lúc này lý tưởng nhất là những tâm sự của người cha. Hãy nói cho trẻ biết về những thay đổi vóc dáng, sự phát triển của cơ quan sinh dục và những hiện tượng phát triển lông, râu, nổi cục yết hầu, vỡ giọng,... trước khi con bước vào tuổi dậy thì.
Nói như thế nào?
Cha mẹ hãy nói và trả lời những thắc mắc của con một cách chân thực, thẳng thắn và cởi mở, phải khẳng định với chúng rằng những thay đổi trong giai đoạn này là chuyện hoàn toàn bình thường.
Sự chăm sóc, quan tâm, giải thích tâm sự về tuổi mới lớn của cha mẹ đối với con cái mình không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc mà còn cung cấp cho con những kiến thức cần thiết về cơ thể mình, giúp trẻ hoàn thiện nhân cách, xây dựng quan niệm sống đúng đắn, tránh được những tiêu cực hay hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.
Theo Hà Anh
Báo Sức khỏe và Đời sống