> Phí "lót tay” bóp méo bóng đá Việt
Thông tin “vỉa hè” cho rằng CLB SLNA sẽ phải mất khoảng 9 tỷ đồng phí “lót tay” để giữ chân Trọng Hoàng (trái). Ảnh: VSI. |
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 7-11, GĐĐH CLB The Vissai Ninh Bình Phạm Văn Lệ nói: “VPF đưa ra quy định trên, theo tôi xuất phát từ lợi ích của các CLB. Tuy nhiên, thực hiện được sẽ rất khó khăn. Đây là hoạt động tự nguyện, lại tuỳ thuộc điều kiện kinh tế từng CLB nên không có lý do gì lại bị cấm”.
The Vissai Ninh Bình mới đây ký hợp đồng với tiền đạo Timothy (CLB Bóng đá Hà Nội). Tiền lương cụ thể không được tiết lộ, nhưng ông Lệ cho biết, phí lót tay đội bóng phải trả cho Timothy là 100.000 USD/mùa với bản hợp đồng hai năm.
Đề cập vấn đề này, TGĐ Cty Cổ phần Bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cũng cho rằng, quy định cấm các CLB trực tiếp trả phí lót tay cho cầu thủ rất khó thực hiện.
“Doanh nghiệp thì dễ rồi, vì có thể thông qua tài khoản để xác định. Nhưng với những ông chủ dùng tiền riêng để trả, thì VPF làm cách nào có thể kiểm soát được? Dĩ nhiên, việc VPF đưa ra quy định trên là đúng, có lợi cho các CLB. Nhưng trong điều kiện hiện này, đòi hỏi việc này được thực hiện ngay rất khó khăn”, ông Thanh nhận định.
SLNA đang đàm phán với một số cầu thủ sắp đáo hạn hợp đồng, như Trọng Hoàng, Văn Bình, Âu Văn Hoàn, Đình Đồng… Ông Thanh nói rằng, để giữ được một nửa trong số này, SLNA sẽ phải tốn khá nhiều tiền. CLB hiện giao HLV Nguyễn Hữu Thắng trực tiếp đàm phán với các cầu thủ.
Theo một số nguồn tin, số tiền lót tay SLNA phải chi trong trường hợp muốn giữ Trọng Hoàng, ưu tiên số một của CLB, lên tới 9 tỷ đồng/3 mùa giải. Đội bóng xứ Nghệ chỉ đáp ứng được 2/3 con số trên.
Không bình luận về những con số này, TGĐ Nguyễn Hồng Thanh cũng không đưa ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi, liệu SLNA có thể thực hiện được quy định cấm phí lót tay hay không.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hoà cho rằng, việc thực hiện quy định các CLB không trả phí lót tay khi chuyển nhượng cầu thủ rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay của bóng đá VN.
“Qua một thời gian, chuyện trả phí lót tay đã trở nên bình thường trong hoạt động chuyển nhượng giữa cầu thủ với CLB. Ngay một lúc đòi hỏi sự thay đổi e là sẽ rất khó khăn. Vấn đề này liên quan tới lợi ích thiết thực của các CLB và ông bầu, do đó điều quan trọng là CLB tự cân nhắc quyết định”, ông Hoà nói.
VPF chưa đưa ra phương án cụ thể nào để kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển nhượng của các CLB.
Tại hội thảo do VPF tổ chức với sự tham dự của 28 CLB ngày 3-11, tất cả đều thống nhất quy định không tiếp tục trả tiền lót tay cho cầu thủ. Tuy nhiên, để tìm được một đội bóng tiên phong thực hiện quy định trên là không dễ, theo một lãnh đạo VPF.
Trong trường hợp này, có thể xem các ông bầu vừa là nạn nhânvừa là thủ phạm trong trò chơi bóng đá của mình.