Các vị trí chủ chốt trong VPF đều thuộc VFF?

Việc các vị trí chủ chốt của VPF dự kiến do các cán bộ của VFF nắm không khiến các ông bầu Kiên, bầu Đức lo ngại Ảnh: VSI
Việc các vị trí chủ chốt của VPF dự kiến do các cán bộ của VFF nắm không khiến các ông bầu Kiên, bầu Đức lo ngại Ảnh: VSI
TP - Tổng số vốn góp của VPF (công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN) là 30 tỷ đồng, trong đó VFF chiếm 35,6%. Các vị trí chủ chốt trong công ty sau khi được thành lập, theo thông tin của Tiền Phong, đều cơ bản được quy hoạch cho người của VFF.

> VFF thanh minh cho U23 Việt Nam
> U23 Việt Nam không tiêu cực, VFF rút kinh nghiệm

Việc các vị trí chủ chốt của VPF dự kiến do các cán bộ của VFF nắm không khiến các ông bầu Kiên, bầu Đức lo ngại Ảnh: VSI
Việc các vị trí chủ chốt của VPF dự kiến do các cán bộ của VFF nắm không khiến các ông bầu Kiên, bầu Đức lo ngại.   Ảnh: VSI.

Cụ thể, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hiện được coi là ứng viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch HĐQT. Với kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp cùng phong cách nói đi đôi với làm, ông Dũng đang có uy tín và được coi là người phù hợp.

Một lãnh đạo VFF khác, Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn sẽ được tiến cử cho chức TGĐ công ty. Phó TGĐ có thể là GĐĐH CLB Đồng Tâm Long An (ĐT.LA) Phạm Phú Hòa. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, ông Phạm Phú Hòa cho biết, sẽ “cân nhắc” trong trường hợp được HĐQT công ty tín nhiệm.

Trước đó, VFF cũng đã thống nhất thông qua quyết định để cựu Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Dương Vũ Lâm đảm nhiệm chức Trưởng Ban trọng tài. Phó TTK Nguyễn Hữu Bàng sẽ phụ trách giải hạng Nhất.

Để chuẩn bị cho việc thành lập VPF, sáng qua VFF và đại diện 14 CLB V.League, 10 CLB hạng Nhất đã có cuộc họp, thảo luận và ký kết các văn bản để trình lên Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội xin cấp phép hoạt động theo thủ tục luật định.

Được biết, mỗi CLB V.League sẽ phải đóng cổ phần hơn 1,1 tỷ đồng. 10 CLB hạng Nhất, mỗi CLB đóng 300 triệu đồng.

Tương ứng với 35,6% cổ phần, VFF đóng khoảng hơn 10 tỷ đồng. Tại cuộc họp, một vấn đề được đặt ra là các CLB có hay không phải đóng thêm phí thi đấu (500 triệu đồng với CLB V.League, 200 triệu đồng với CLB hạng Nhất). Do chưa thống nhất được ý kiến, các thành viên đã quyết định chờ đưa ra Đại hội cổ đông công ty.

Với việc các vị trí chủ chốt đều được quy hoạch cho người của VFF, đang có những ý kiến lo ngại VPF sẽ rơi vào cảnh bình mới, rượu cũ.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, chủ tịch CLB bóng đá HA.GL Đoàn Nguyên Đức, một trong sáu CLB đưa ra đề án thành lập VPF tỏ ra rất tự tin.

Ông Đức cho biết: “VPF không phải là công ty của VFF. Có thể nhân sự hiện tại do thành viên VFF nắm giữ, nhưng đường lối, chiến lược phát triển và hoạt động phải tuân theo quyết định của HĐQT và cao hơn là Đại hội cổ đông. Không thể có chuyện VFF muốn làm gì cũng được.

“Trường hợp công ty hoạt động không hiệu quả, HĐQT và Đại hội cổ đông hoàn toàn có thể đưa ra các quyết định thay đổi về nhân sự. Tôi cho rằng ai lo lắng vấn đề trên là chưa tìm hiểu kỹ về cơ chế hoạt động của công ty”.

Đồng quan điểm trên, theo TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh, “V.League và giải hạng Nhất về cơ bản cần có sự quản lý về mặt chuyên môn của VFF, nên việc VFF giữ các vị trí chủ chốt, đặc biệt trong giai đoạn đầu hiện nay là cần thiết.

Hơn nữa, các vấn đề quan trọng khác của công ty còn phải thông qua HĐQT và Đại hội cổ đông. Việc VPF ra đời sẽ giúp cho các CLB tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý bóng đá nước nhà”.

Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay văn bản xin cấp phép hoạt động của VPF sẽ được trình lên Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội. Đầu tháng 12-2011, Công ty sẽ tiến hành đại hội cổ đông sau khi được cấp phép hoạt động.

Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết, trong thời gian chờ cấp giấy phép, công tác chuẩn bị cho mùa giải mới sẽ do Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn và TTK Trần Quốc Tuấn phụ trách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG