Các nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020

Thông tin cập nhật mới nhất, có đến 73 nhà khoa học người Việt, gốc Việt làm việc trong và ngoài nước, và người nước ngoài có địa chỉ làm việc tại Việt Nam trong bảng xếp hạng về thành tựu nghiên cứu từ trước đến nay và 155 người trong bảng xếp hạng của riêng năm 2019.

Tháng 10 vừa qua, Tạp chí PloS Biology của Mỹ công bố danh sách top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020 (dữ liệu từ 2019 trở về trước). Một số tờ báo lớn trong nước đã kịp thời đưa tin . Tuy nhiên, qua thống kê chi tiết cho thấy các số liệu còn lớn hơn, và do vậy cần được cập nhật đầy đủ lại.

Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này gồm GS. John P.A. Ioannidis (Đại học Stanford) và các cộng sự. Nhóm đã sử dụng dữ liệu bài báo của cơ sở dữ liệu quốc tế Scopus từ năm 1960-2019, và chỉ số trích dẫn trong khoảng thời gian 1996-2019 để tiến hành phân tích trên gần 7 triệu nhà khoa học với 22 ngành và 176 chuyên ngành. Từ đó, họ đưa ra 2 bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, xét theo hai khía cạnh:

-         Thành tựu nghiên cứu trong giai đoạn 1960-2019, và

-         Thành tích nghiên cứu của riêng năm 2019.

Cập nhật số lượng nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000

Bằng một số bước xác minh đơn giản, số lượng nhà khoa học Việt Nam góp mặt trong top 100.000 nhà khoa học ở cả hai nhóm xếp hạng đều tăng lên so với các thông tin trước đây. Cho đến nay, số nhà khoa học Việt Nam ở nhóm xếp hạng Top 100.000 theo thành tựu nghiên cứu giai đoạn 1960-2019 tăng lên thành 73. Cụm từ ‘nhà khoa học Việt Nam’ được đề cập ở đây có thể hiểu là bao gồm người Việt, người có gốc tích Việt ở trong nước hoặc nước ngoài, và người ngoại quốc có địa chỉ làm việc tại Việt Nam.

Các nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020 ảnh 1 73 nhà khoa học là người Việt, người có tên gốc Việt, hoặc người ngoại quốc có địa chỉ công tác tại các đơn vị trong nước thuộc top 100.000 nhà khoa học được trích dẫn hàng đầu thế giới, xét theo thành tựu giai đoạn 1960-2019.

Ở nhóm xếp hạng top 100.000 theo thành tựu dài hạn từ 1960-2019, mặc dù số lượng có tăng thêm so với các thông tin trước đó, nhưng vẫn chỉ có 3 nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam góp tên:

-         GS. Trần Tịnh Hiền, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của ĐH Oxford tại Việt Nam, hạng 32.967 thế giới;

-         GS. Nguyễn Xuân Hùng, trường ĐH Công nghệ Tp.HCM - HUTECH, hạng 65.925 thế giới; và

-         GS. Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, hạng 94.738 thế giới.

Nếu tính cả người gốc Việt ghi địa chỉ công tác ở Việt Nam thì có thêm GS. Nguyễn Minh Thọ, trường ĐH Tôn Đức Thắng, hạng 21.452 thế giới.

Xét theo quốc gia, trong số 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới theo thành tựu giai đoạn 1960-2019, các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam đóng góp 11 nhà khoa học, xếp thứ 2 trong số các nước. Trong khi đó, số nhà khoa học là người Việt, hoặc người có gốc tích Việt ghi địa chỉ công tác tại Mỹ là 32 người, xếp thứ nhất; tiếp sau là tại Úc 9 người, Canada 6 người, Singapore 5 người, Pháp 4 người. Thái Lan, Áo, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Ireland mỗi nước đóng góp 1 người.

Có thể kể ra những nhà khoa học người Việt Nam ghi địa chỉ công tác ở nước ngoài, nhưng được biết tới nhiều trên truyền thông trong nước, và đồng thời cũng có chỉ số ảnh hưởng H-index cao, chẳng hạn: GS. Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, H-index = 56), GS. Võ Đình Tuấn (ĐH Duke, 56), GS. Đặng Văn Chí (Viện Wistar, 84), GS. Nguyễn Thục Quyên (ĐH California Santa Barbara, 70), TS. Lê Viết Quốc (Google Brain, 36), GS. Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, 40), GS. Vũ Hà Văn (ĐH Yale, 29), GS. Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, 83), …

Ở nhóm xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới xét riêng năm 2019, theo thống kê mới nhất, có đến 155 nhà khoa học là người Việt, người có gốc tích Việt ghi địa chỉ trong và ngoài nước, và người nước ngoài có địa chỉ công tác tại Việt Nam; và chiếm 79% (122/155) trong số đó là người Việt hoặc có gốc gác Việt Nam.

Các nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020 ảnh 2  
Các nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020 ảnh 3  
Các nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020 ảnh 4 122 nhà khoa học là người Việt hoặc gốc Việt (trong tổng số 155 nhà khoa học có liên quan Việt Nam) thuộc top 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới, xét riêng 2019

Cũng tương tự nhóm xếp hạng theo thành tựu, số lượng nhà khoa học trong nhóm xếp hạng xét riêng cho năm 2019 tăng thêm chủ yếu là người có gốc tích Việt Nam và đang làm việc tại nước ngoài.

Thống kê cho thấy, ngoài 57 nhà khoa học (37%) ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam còn có các nhà khoa học Việt Nam ghi địa chỉ làm việc từ 17 quốc gia khác. Đóng góp đáng kể phải kể tới Mỹ có 38 nhà khoa học (25%), Úc có 25 (16%), Canada có 7 (5%). Tỉ lệ còn lại xuất phát từ các nước như Pháp, Singapore, Anh, Thụy Sĩ, Nhật, Áo, Malaysia, Ireland, Hungary, Hàn Quốc, Ả-rập Xê-út, Thái Lan, New Zealand, và Đan Mạch. Tại Việt Nam, 2 trường có đóng góp nhiều nhất là trường ĐH Tôn Đức Thắng và trường ĐH Duy Tân.

Các nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020 ảnh 5 Số lượng nhà khoa học trong top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới xét riêng năm 2019 của các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam

Cũng trong bảng xếp hạng xét riêng năm 2019, các nhà khoa học người Việt ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam được xếp hạng cao bao gồm:

-         GS. Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, hạng 5.798;

-         GS. Nguyễn Xuân Hùng, ĐH Công nghệ Tp.HCM - HUTECH, hạng 6.996;

-         PGS. Lê Hoàng Sơn, ĐH Quốc gia Hà Nội, hạng 9.261.

Ngoài ra còn trong bảng xếp hạng này còn có:

-         Trường ĐH Tôn Đức Thắng: GS. Bùi Tiến Diệu (hạng 13.899), TS. Phạm Viết Thanh (hạng 44.947), PGS. Nguyễn Thời Trung (hạng 49.295), TS. Nguyễn Thị Kim Oanh (hạng 62.494), TS. Thái Hoàng Chiến (hạng 64.983), GS. Đinh Quang Hải (hạng 79.737), GS. Nguyễn Minh Thọ (hạng 52.033);

-         Trường ĐH Giao thông Vận tải Tp.HCM: PGS. Hoàng Anh Tuấn (hạng 16.694);

-         Trường ĐH Duy Tân: TS. Trần Phan Lam Sơn (hạng 22.075), TS. Phạm Thái Bình (hạng 23.198), TS. Trần Nguyễn Hải (hạng 25.844), TS. Hoàng Nhật Đức (hạng 50.345);

-         Trường ĐH Xây dựng: PGS. Nguyễn Trung Kiên (hạng 51.072);

-         Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM: GS. Võ Xuân Vinh (hạng 67.619);

-         ĐH Quốc gia Hà Nội: GS. Nguyễn Đức Khương (hạng 67.902);

-         Trường ĐH Phenikaa: GS. Nguyễn Văn Hiếu (hạng 82.061);

-         Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia Tp.HCM: PGS. Phạm Văn Hùng (hạng 85.932);

-         Trường ĐH Khoa học & Công nghệ Hà Nội: PGS. Trần Đình Phong (hạng 90.842);

-         Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia Tp.HCM: GS. Phan Thanh Sơn Nam (hạng 92.886);

-         Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam: GS. Trần Tịnh Hiền (hạng 98.639).

Những nhà khoa học Việt Nam ghi địa chỉ làm việc ở nước ngoài và xếp thứ hạng cao có:

-         GS. Đặng Văn Chí (hạng 392), Viện Wistar;

-         TS. Lê Viết Quốc (hạng 1.639), Google Brain;

-         GS. Nguyễn Nam Trung (hạng 3.129), ĐH Griffith;

-         TS. Thái Hữu Tài (hạng 4.624), ĐH Melbourne;

-         GS. Đàm Thanh Sơn (hạng 6.146), ĐH Chicago;

-         GS. Đỗ Khắc Đức (hạng 8.208), ĐH Curtin;

-         GS. Bùi Quốc Tính (hạng 10.829), Viện Công nghệ Tokyo;

-         GS. Lê Thị Dung (hạng 11.088), Trung tâm Ung thư Sidney Kimmel;

-         GS. Phan Anh Tuấn (hạng 12.080), Trường Khoa học Toán Lý - ĐH Công nghệ Nanyang;

-         GS. Võ Đình Tuấn (hạng 12.206), ĐH Duke;

-         …

Ngoài ra, mặc dù không thuộc top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất xét riêng 2019, nhưng vẫn có nhiều nhà khoa học ghi địa chỉ làm việc Việt Nam thuộc top 2% trong chuyên ngành có thể kể tên như:

-         Trường ĐH Tôn Đức Thắng: TS. Bạch Quang Vũ, PGS. Nguyễn Trường Khang, TS. Nguyễn Trung Thắng, …;

-         Trường ĐH Duy Tân: PGS. Nguyễn Đăng Nam, TS. Anand Nayyar, TS. Rajiv Ranjan Srivastava, TS. Trần Ngọc Hân, TS. Nguyễn Hoàng, …;

-         Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: PGS. Lê Văn Hiện;

-         Trường ĐH Công nghệ Tp.HCM: TS. Phùng Văn Phúc,

-         Trường ĐH Phenikaa: TS. Đào Văn Dương;

-         Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: GS. Lê Minh Quý;

-         Trường ĐH Y Hà Nội: PGS. Trần Xuân Bách;

-         Học viện Kỹ thuật Quân sự: TS. Nguyễn Văn Chương;

-         Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: PGS. Nguyễn Bá Ân.

Ở góc nhìn khác, phân tích sự phân bố thời gian làm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam theo quốc gia nơi họ công tác cũng phần nào giúp hình dung thời gian làm nghiên cứu trung bình của các nhà nghiên cứu. Một cách tương đối, thời gian làm nghiên cứu của một nhà khoa học có thể ước tính bằng cách lấy năm xuất bản bài báo gần nhất trừ đi năm có bài báo đầu tiên.

Các nhà khoa học Việt Nam trong top 100.000 có ảnh hưởng nhất thế giới 2020 ảnh 6 Phân bố thời gian làm nghiên cứu theo quốc gia của các nhà khoa học là người Việt, người gốc Việt trong và ngoài nước, và người nước ngoài có địa chỉ tại Việt Nam thuộc top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất, xét riêng trong năm 2019.

Trong top 100.000 nhà khoa học xét riêng cho năm 2019, nhà khoa học Việt Nam có thời gian làm nghiên cứu ngắn nhất là PGS. Hoàng Anh Tuấn, ĐH Giao thông Vận tải Tp.HCM với 3 năm; và dài nhất là GS. Satchler, G. R. (ghi địa chỉ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) với số năm là 49. Tuy nhiên, GS. Satchler đã ngừng công bố từ 2002. Ngắn hơn một chút có GS. Võ Đình Tuấn, ĐH Duke, với 48 năm. Thú vị là cho đến năm 2020, GS. Võ Đình Tuấn vẫn tiếp tục có những công bố mới.

Trong số 3 nước (Việt Nam, Mỹ và Úc) có số lượng nhiều nhất các nhà nghiên cứu Việt Nam góp mặt trong top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới xét riêng cho năm 2019, có thể thấy thời gian làm nghiên cứu của các nhà khoa học ghi địa chỉ làm việc tại Việt Nam là ít nhất, tập trung trong khoảng từ 3-20 năm; đông nhất là ở 9 năm. Điều này gián tiếp cho thấy độ tuổi của các nhà nghiên cứu làm việc tại Việt Nam còn khá trẻ, còn nhiều triển vọng để đi xa.

Trong khi đó, những nhà khoa học Việt ghi địa chỉ làm việc tại Mỹ có vẻ như “già” hơn các đồng nghiệp Việt Nam khi thời gian nghiên cứu phân bố chủ yếu từ 14-34 năm, và đông nhất khoảng 22 năm, và hầu hết đã thành danh trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Đối với nước Úc thì thời gian làm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt nằm ở khoảng giữa Việt Nam và Mỹ, từ 9-24 năm; và đông nhất khoảng 13 năm. Nhìn chung, với ‘tuổi nghiên cứu’ còn trẻ, đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Duy trì sức ảnh hưởng và xuất hiện những gương mặt mới

Trong những nhà khoa học được xếp hạng của Việt Nam, có nhiều nhà khoa học được xếp hạng Top 100.000 ở cả hai nhóm xếp hạng (1960-2019 và riêng 2019). Có thể hiểu là họ vừa đạt được thành tựu trong dài hạn, nhưng cũng rất xuất sắc ở hiện tại. Điều đó cho thấy những nhà khoa học này vẫn duy trì được sức ảnh hưởng của mình trong nghiên cứu cho đến nay; và gần như chắc chắn cả trong tương lai gần.

Thật vậy, có đến 75% (55/73) nhà khoa học thuộc top 100.000 theo thành tựu giai đoạn 1960-2019 có tên trong top 100.000 xét riêng năm 2019, cho thấy họ tiếp tục duy trì sức ảnh hưởng của mình một cách liên tục.

Trong số đó, những người Việt đang công tác ở Việt Nam có thể kể đến như:

-         GS. Trần Tịnh Hiền, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam;

-         GS. Nguyễn Xuân Hùng, ĐH Công nghệ Tp.HCM; và

-         GS. Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nếu tính thêm những đồng nghiệp gốc Việt khác ở nước ngoài thì còn có:

-         GS. Đặng Văn Chí, Viện Wistar;

-         GS. Đàm Thanh Sơn, ĐH Chicago;

-         GS. Võ Đình Tuấn, ĐH Duke;

-         GS. Nguyễn Nam Trung, ĐH Griffith;

-         TS. Lê Viết Quốc, Google Brain;

-         GS. Đỗ Khắc Đức, ĐH Curtin;

-         TS. Thái Hữu Tài, ĐH Melbourne;

-         …

Ở một khía cạnh khác, thống kê cho thấy có đến 44% (68/155) các nhà khoa học Việt Nam, người gốc Việt, và người nước ngoài có địa chỉ công tác tại Việt Nam lần đầu lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 năm 2019, khi so với bảng năm 2017.

Những gương mặt ‘mới nổi’ là người Việt, hoặc gốc Việt ghi địa chỉ làm việc tại các đơn vị trong nước có thể kể tên như:

-         Trường ĐH Duy Tân: TS. Trần Nguyễn Hải, TS. Hoàng Nhật Đức, TS. Trần Ngọc Hân, TS. Phạm Thái Bình;

-         Trường ĐH Giao thông Vận tải Tp.HCM: PGS. Hoàng Anh Tuấn;

-         Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG Tp.HCM: PGS. Phạm Văn Hùng;

-         Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM: GS. Võ Xuân Vinh.

Nếu tính cả người nước ngoài có địa chỉ làm việc ở Việt Nam thì số lượng nhà khoa học ‘mới nổi’ góp mặt trong top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất xét riêng năm 2019 của hai trường: Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân là nhiều nhất, lần lượt là 24 và 10 nhà khoa học. Ngoài ra, còn có Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG Tp.HCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn Tp.HCM, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trường ĐH Giao thông Vận tải Tp.HCM, Viện Phát triển Hải ngoại tại Việt Nam: mỗi đơn vị đóng góp 1 nhà khoa học.

Phân tích theo quốc gia, số lượng nhà khoa học có liên quan đến Việt Nam ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam lần đầu tiên góp mặt chiếm tỉ lệ lớn nhất (58,8%); kế đến là từ Úc (13,2%); Mỹ (7.4%); Canada (4,4%); Pháp và Singapore (2,9%). Các nước New Zealand, Ả-rập Xê-út, Malaysia, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Anh, và Hungary, mỗi nước đóng góp 1,4%. Dữ liệu này phần nào cho thấy các đơn vị trong nước đã đầu tư rất nhiều để thúc đẩy nghiên cứu khoa học cũng như công bố quốc tế; qua đó giúp Việt Nam tăng tốc rất nhanh về số lượng và chất lượng của đội ngũ nghiên cứu trong vài năm trở lại đây.

Trích dẫn:

[1] Ioannidis JPA, Boyack KW, Baas J (2020) Updated science-wide author databases of standardized citation indicators. PLoS Biol 18(10): e3000918. https://doi.org/10.1371/journal.pbio.3000918

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nguoi-viet-trong-danh-sach-cac-nha-khoa-hoc-anh-huong-nhat-the-gioi-687596.html?fbclid=IwAR2EEVj630gXduAja4EmgMcUQxf9Ps7ZMWTzXoR9YiGKq6-RbYo7JZ6Oh40

[3] https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/3-nha-khoa-hoc-viet-vao-top-xep-hang-co-tam-anh-huong-nhat-the-gioi-2020-52971.html?fbclid=IwAR0ig5zMsLI4Fo-uRV1wpy_ytWU7MjmOErTwqPOMQ7AKk77GI6e5VidFdBQ

Lưu ý: Theo nhóm tác giả, cả hai nhóm xếp hạng: xếp hạng theo thành tựu trong thời gian dài 1960-2019, và xếp hạn theo thành tích của năm 2019, đều dựa trên chỉ số trích dẫn tích hợp (composite citation index) được tính toán từ 6 tiêu chí có liên quan đến trích dẫn (đã loại trừ tự trích dẫn): tổng trích dẫn; chỉ số Hirsch (H-index) đo sức ảnh hưởng của mỗi nhà khoa học; chỉ số Schreiber (hm-index) đo sức ảnh hưởng sau khi điều chỉnh cho bài báo nhiều tác giả; số trích dẫn của bài báo có tác giả đứng tên một mình; số trích dẫn của bài báo có tác giả đứng tên một mình hoặc tác giả đứng đầu tiên; và số trích dẫn của bài báo có tác giả đứng tên một mình, tác giả đầu tiên, hoặc tác giả sau cùng.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.