Các khu công nghiệp mới được lấp đầy 60%
> Đề xuất 13 dự án được vay gói 30.000 tỷ đồng
Đóng vai trò lớn trong thu hút vốn nước ngoài, song hạ tầng cũng như giá thuê đất tại khu công nghiệp đang gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Ông Trần Duy Đông nhận định các khu công nghiệp Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: HT . |
Theo đại diện của Vụ Quản lý các khu kinh tế, cả nước hiện có 184 trên tổng số 289 khu công nghiệp (97%) đã đi vào hoạt động. Đến cuối năm 2012, các dự án tại đây chiếm một nửa tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và đóng góp cho ngân sách hàng năm khoảng 20.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013, tình hình tiếp tục khởi sắc với 73% tổng vốn FDI của cả nước đổ vào các khu công nghiệp (cả cấp mới và tăng thêm đạt 9,8 tỷ USD).
Tuy nhiên, quá trình quản lý, phát triển các khu công nghiệp vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy bình quân mới chỉ đạt 60%. Trước vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã có một số trao đổi với báo chí về thực trạng các khu công nghiệp và hướng khắc phục thời gian tới.
Theo ông, những vấn đề nào đã và đang gây khó khăn cho thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp?
Trước 2009, các khu công nghiệp được coi là địa bàn khó khăn và được hưởng thuế suất thấp hơn mức trung bình của doanh nghiệp bên ngoài. Nhưng sau 2009, ưu đãi này không còn, dẫn đến các khu công nghiệp gặp khó khăn nhất định trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 69 hiệu lực từ 1/10/2009, giá đất đền bù cho các dự án khu công nghiệp, khu đô thị đã tăng khoảng 1,5 đến 5 lần so với trước. Tại các khu có vị trí thuận lợi như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, riêng tiền giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng đã khoảng 80 USD một m2. Giá thuê đất tại các khu xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc cũng có thể trên 100 USD một m2. Điều này khiến các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp không dễ thu hút để thu hồi vốn.
Các khu công nghiệp cũng thiếu tiêu chuẩn về xây dựng hạ tầng. Thực tế những khu do nước ngoài, liên doanh xây thì kết cấu hạ tầng rất tốt, song cũng có doanh nghiệp làm rất cầm chừng theo hình thức cuốn chiếu, dẫn đến không kêu gọi được nhà đầu tư hoặc chỉ kêu gọi được các dự án chất lượng kém.
Chẳng hạn, với nhà đầu tư Nhật Bản, chênh lệch giá thuê đất không phải yếu tố quyết định mà quan trọng là cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ sau đầu tư tốt và việc thực hiện cam kết với Nhà nước. Họ sẽ không muốn đầu tư ở một khu công nghiệp bị phạt do vi phạm quy định về môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đây là những vấn đề mà chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải cân nhắc trong thời gian tới.
Suy thoái kinh tế cũng khiến tiêu thụ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh và mở rộng của doanh nghiệp.
Trước sức ép cạnh tranh trong khu vực về thu hút vốn đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Sau tổng kết 20 năm thu hút đầu tư vào khu công nghiệp - khu kinh tế, Chính phủ đã tiến hành rà soát tổng thể các quy hoạch, mục tiêu hạn chế tối đa việc thành lập mới các khu công nghiệp nhằm tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các công ty phát triển hạ tầng, doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp cũng được điều chỉnh, không cào bằng như trước. Cụ thể, với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014, các doanh nghiệp đầu tư mới vào khu công nghiệp ngoài ưu đãi như doanh nghiệp thông thường thì được miễn thuế thêm 2 năm và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo.
Tại địa bàn khó khăn như Tây Nguyên, Tây Bắc, miền Trung, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư hạ tầng, song song với đó là tổ chức các sự kiện triển lãm xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Với những biện pháp trên, mặc dù còn những khó khăn nhưng các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam vẫn sẽ là điểm hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới.
Bên cạnh con số gần 10 tỷ USD vốn FDI đổ vào các khu kinh tế, khu công nghiệp thì một thống kê gần đây cho biết có hơn 500 dự án FDI bỏ hoang vì chủ đầu tư bỏ về nước. Bộ Kế hoạch & Đầu tư có giải pháp gì để xử lý và chấm dứt tình trạng này?
Đúng là thời gian qua tồn tại một số doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ về nước, nhưng hiện thiếu căn cứ pháp lý để các ban quản lý khu công nghiệp - khu kinh tế xử lý các trường hợp này. Ví dụ như các doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ về nước hoặc mất liên lạc thì phải xử lý nhiều vấn đề như nợ thuế, nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, nhưng quy định hiện nay chỉ cho phép doanh nghiệp giải thể, phá sản khi chính chủ đầu tư đứng ra làm đơn.
Do vậy, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải có văn bản hướng dẫn chung cho các địa phương xử lý với từng trường hợp. Sau khi gửi thư, thông qua đại sứ quán và nhiều hình thức khác mà không liên lạc được với chủ doanh nghiệp, Bộ sẽ giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tính đến nay, gần hết các dự án có chủ đầu tư bỏ về nước đã được xử lý về mặt pháp lý.
Sang năm 2014, Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao trình dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư nhằm xử lý các vấn đề như chủ doanh nghiệp bỏ về nước, các dự án chậm tiến độ. Đặc biệt, sẽ yêu cầu ký quỹ với các dự án trong lĩnh vực nhạy cảm nhằm lọc các dự án khai khống, ban đầu cam kết vốn hàng tỷ USD nhưng sau 2-3 năm không triển khai.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xác định không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà sẽ phát triển theo định hướng bền vững, thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đặc biệt là các dự án có tỷ suất đầu tư trên một hécta đất tốt; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung xúc tiến đầu tư vào các đối tác lớn, trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay một số nước châu Âu...
Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp hiện khoảng 60% nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực có cơ sở hạ tầng tốt, còn các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa thì tỷ lệ này thấp hơn. Vậy chính sách ưu đãi cào bằng giữa các khu công nghiệp ảnh hưởng thế nào đến thu hút đầu tư?
Quyết định đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ doanh nghiệp, họ sẽ nghiên cứu địa bàn nào thuận lợi nhất về nguyên liệu, lao động và thị trường. Trong 20 năm qua, Chính phủ cũng nhận thấy các vùng có điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng như Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng thu hút đầu tư rất tốt, nhưng vùng Tây Nguyên, Tây Bắc thì chưa, thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy.
Để hỗ trợ cho các khu vực này, Chính phủ sẽ dành 70 tỷ đồng cho 2 khu công nghiệp khó khăn tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển hạ tầng, Tây Nguyên và Tây Bắc được một khu với mức 100 tỷ đồng và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ khiến giá thuê đất giảm xuống. Như vậy, Chính phủ cũng không phải cào bằng. Nhưng do có điều kiện tự nhiên, thị trường kém thuận lợi hơn, thời gian tới Chính phủ vẫn sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương này.
Bên cạnh đó, các địa phương sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt tỷ lệ lấp đầy. Quy định hiện nay yêu phải có tỷ lệ lấp đầy bình quân 60% mới được xây thêm khu công nghiệp mới, nhưng một số nơi không làm đúng. Chúng tôi đang cho rà soát lại và kiên quyết xử lý các địa phương làm sai quy định.
Chính phủ cũng chủ trương thu hút đầu tư vào khu công nghiệp vùng nhưng chính sách đến nay chưa được hoàn thiện sẽ gây nên tác động như thế nào?
Về liên kết vùng, phải thừa nhận là Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đang băn khoăn làm sao phát triển được những ngành liên kết, hỗ trợ nhau trong khu công nghiệp, từ đó giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh. Đây cũng là một trong chính sách mà ngành công nghiệp phụ trợ thời gian qua đề ra nhưng mới phát triển ở mức độ nhất định.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã giao Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương xây dựng Đề án Phát triển ngành liên kết trong các khu công nghiệp. Đề án này đã được thực hiện trong suốt một năm, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Tôi nghĩ rằng thời gian ngắn nữa Chính phủ sẽ phê duyệt và có các bước đi cụ thể, tạo cơ chế phát triển liên kết ngành trong khu công nghiệp.
Theo Phương Linh
Vnexpress