Các 'chiêu' làm thuốc đông y giả

Các 'chiêu' làm thuốc đông y giả
Hiện nay xu hướng điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng tăng vì bệnh nhân sợ sử dụng thuốc tây có thể bị tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên cần cẩn thận vì hiện có nhiều trường hợp thuốc đông y bị làm giả, làm dối.

Tình trạng ngộ độc thuốc đông y có thể do những nguyên nhân sau:

1. Thuốc giả: là thuốc nhái hoặc thuốc thật nhưng bị trộn một loại khác gần giống nhằm mục đích lợi nhuận.

Ví dụ:

+ Hồng hoa có tác dụng hoạt huyết tiêu ứ nhưng bị trộn một loại hoa khác rẻ tiền hơn, rồi dùng phẩm đỏ nhuộm màu cho giống hồng hoa thật mà không ai rõ nguồn gốc phẩm nhuộm đó là gì, độc hại ra sao.

+ Hoài sơn có tác dụng bổ khí, bổ tì vị, nhưng hiện nay trên thị trường có ít nhất 4-5 loại hoài sơn làm từ khoai mì, khoai mỡ. Nhìn rất khó phát hiện vì rất giống.

+ Sơn thù bị trộn lẫn với vỏ quả trứng cá chín đỏ.

+ Kim ngân hoa làm thuốc thanh nhiệt giải độc bị trộn với đu đủ xanh.

+ Đỗ trọng bắc tác dụng bổ dương bị trộn vỏ cây cao su.

+ Hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ huyết bị thay thế bằng hà thủ ô trắng hoặc củ nâu làm thuốc nhuộm vải.

2. Bảo quản bằng chất độc:

Nhiều người quan niệm thuốc đông y vô hại, vì thế tự ý cắt thuốc bổ, ngâm rượu bổ mà không cần toa.

Cần nhớ thuốc chỉ nên dùng khi cơ thể suy yếu hoặc có bệnh.

Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai càng phải thận trọng.

a. Xông lưu huỳnh (S): nhiều nhà thuốc chống mối mọt, ẩm mốc cho đông dược bằng cách xông lưu huỳnh. Mùi lưu huỳnh gây nhức đầu, chóng mặt.

Triệu chứng ngộ độc là đau đầu, sốt, tiêu chảy và ói mửa.

Lưu huỳnh cũng làm cho đông dược dẻo, mềm mại, làm dược liệu trắng sáng và đẹp hơn. Chất này nếu tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư.

b. Đánh bóng bằng chì (Pb). Tam thất có khi được đánh bóng bằng chì cho đẹp, bán với giá cao hơn loại thường. Khi sắc uống, một lượng lớn chì sẽ khuếch tán vào trong nước thuốc gây nhiễm độc.

c. Quét sulfur kẽm lên bề mặt. Vị nhục thung dung mềm dẻo dễ hút ẩm và bị mốc, cho nên có nơi “bảo quản” dược liệu này bằng sulfur kẽm để chống mốc.

Ngộ độc do kẽm có thể gây chết người với triệu chứng như có vị kim loại khó chịu và dai dẳng trong miệng, nôn, ỉa chảy, mồ hôi lạnh, mạch đập khẽ.

d. Dùng lục hóa khổ hoặc nhôm phôtpho: nhiều trường hợp người buôn dược liệu còn phun chloropicrin (lục hóa khổ) trực tiếp lên bao tải dược liệu.

Chất này gặp ánh sáng sẽ tạo thành clor và phosgen, cũng có tác dụng diệt côn trùng, sát trùng mạnh nhưng cực độc với người. Khi bị nhiễm độc sẽ thấy nhức đầu, mệt mỏi, ù tai, bắp thịt co giật, nhiều trường hợp nôn mửa, đau bụng dẫn đến tê liệt thần kinh.

3. Chế biến không đúng cách: các dược liệu như chu sa, thần sa khi chế biến không đúng quy cách sẽ bị nhiễm thủy ngân (Hg). Nhiễm độc thủy ngân làm người bệnh dễ bị kích thích, cáu gắt, xúc động và rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, chân tay run.

Thủy ngân làm gãy nhiễm sắc thể và ngăn cản sự phân chia tế bào. Do vậy gây hiện tượng vô sinh ở nam giới khi ngộ độc thủy ngân lâu dài.

4. Nhiễm nấm mốc: nấm mốc và độc tố nấm có thể dẫn đến ngộ độc, nhiễm độc, tổn thương gan, ung thư gan. Những loại độc tố trong bào tử nấm không bị phân hủy ở nhiệt độ cao (160-170OC), do đó cho dù nấu chín độc tố vẫn tồn tại.

5. Người bệnh tự ý sử dụng, không qua hướng dẫn của y, bác sĩ chuyên môn. Nhiều trường hợp tự ý sử dụng đông dược đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch như suy tim, suy gan, suy thận, nhiễm trùng huyết.

+ Trụy tim mạch do tự ý sử dụng quá liều hạt cau khô (>100g) để tẩy giun sán. Chất arecolin trong hạt cau là một ancaloit có tác dụng rất mạnh trên hệ thần kinh giao cảm.

+ Tại Mỹ nhiều phụ nữ tử vong do tin và sử dụng thuốc làm giảm cân có nguồn gốc từ cây ma hoàng.

Hoạt chất ephedrine và dẫn chất của nó là D-norpseudoephedrine có tác dụng gây chán ăn, làm tăng chuyển hóa cơ bản, gây vã mồ hôi và tăng tiểu tiện, tuy nhiên các chất này lại chống chỉ định trên người bị huyết áp cao, xơ cứng động mạch, cường giáp. Ngoài ra chất này còn gây hưng phấn và nghiện thuốc.

+ Phụ nữ có thai chống chỉ định những thuốc có tính tẩy xổ mạnh hoặc có tính phá huyết như ba đậu, đại hoàng, khiên ngưu, thương lục, nga truật, tô mộc, uất kim. Sử dụng cao ích mẫu với liều cao cũng có thể gây sẩy thai.

6. Nhầm lẫn:

+ Một vài cây do độc tính cao đã bị loại khỏi danh mục thuốc nhưng nhiều người không biết vẫn sử dụng như cây vòi voi có chứa alcaloid pyrrolizidin trước đây vẫn dùng điều trị phong thấp, đau nhức, mụn nhọt. Chất này làm hủy hoại tế bào gan, có thể gây ung thư gan.

+ Cây sóng rắn, hoạt chất của nó có thể làm ức chế thần kinh vị giác và gây tê liệt, nhưng vì màu sắc và mùi vị gần giống cam thảo bắc nên nhiều người vẫn dùng tẩm các loại ô mai.

+ Gần đây nhất là thông tin cây phòng kỷ (Aristolochia fangchi) có mặt trong thành phần bài thuốc đông y giảm cân ở Bỉ, được ghi nhận có độc tính trên thận. Axit aristocholic có trong cây là chất có tính gây đột biến cho vi khuẩn và gây ung thư cho động vật thí nghiệm.

7. Dược liệu độc: một số dược liệu có độc tính như phụ tử, mã tiền, ba đậu... được xếp vào nhóm thuốc độc thuộc bảng A, khi sử dụng trong y học cổ truyền thường phải qua chế biến để làm giảm bớt độc tính.

Cần chú ý định lượng hàm lượng hoạt chất vì nó thay đổi theo mùa, theo vùng và theo thời gian thu hái.

8. Quản lý lỏng lẻo. Thuốc nhập lậu nên chất lượng thuốc hầu như bị thả nổi. Có nơi đông dược được phơi hai bên vỉa hè không che đậy và được chế biến ngay trên nền đất.

Ngay cả việc kiểm nghiệm chất lượng đầu vào cũng chưa thực hiện được tốt, dẫn đến tình trạng nhiều khi người dân dùng phải “rác” dược liệu.

Tóm lại, dù là đông dược, khi sử dụng cũng cần phải theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Cần thận trọng, cảnh giác với thuốc giả, thuốc độc, thuốc kém chất lượng... để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Chết do nhầm lẫn

Một vài năm gần đây, những cái chết thương tâm xảy ra rất nhiều ở nước ta do nhầm lẫn như nhầm dây đau xương làm thuốc bổ gân cốt với dây lá ngón, ăn nhầm quả rừng (quả của cây móc gai hay móc hùm Capparis versicolor) có chứa glycosid.

Hạt của cây cam thảo dây (Abrus precatorius, họ đậu) có chứa abrin cũng là một độc tố gây chết người với liều chỉ vài hạt.

Hạt thầu dầu (Ricinus communis) hoặc hạt ba đậu (Croton tiglium) đều có chứa độc tố.

Theo DS Lê Kim Phụng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG