Chăm sóc cho bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. |
Bệnh nhân là đàn ông, 51 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM. Trước đó, ngày 6/9, bệnh nhân này nhập viện Bệnh viện An Bình do sốt cao, nghi ngờ mắc cúm A/H1N1.
Tuy nhiên, tại đây bệnh nhân được làm các xét nghiệm và phát hiện mắc thêm nhiều bệnh mãn tính như suy thận mãn giai đoạn cuối và suy tim cùng suy hô hấp.
Theo Sở Y tế TPHCM, mặc dù cứu chữa và điều trị theo phác đồ bệnh nhân cúm A/H1N1 nhưng do bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 kết hợp với một số bệnh lý khác nên bệnh nhân đã tử vong.
Ngay sau khi bệnh nhân tử vong, ngành y tế tiến hành tổ chức tẩy trùng tử thi theo quy trình của Bộ Y tế, đồng thời đã yêu cầu y tế địa phương tiến hành khử trùng khu vực nhà ở của bệnh nhân và thông báo cho chính quyền địa phương nhằm có giải pháp tuyên truyền cho người dân. Như vậy, đến nay TPHCM đã có ba ca tử vong.
Cũng trong tối qua, Sở Y tế TPHCM ghi nhận tại TP đã có thêm 93 ca dương tính với cúm A/H1N1.Ngoài ra có thêm một ổ dịch mới xuất hiện tại trường THPT Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.
Không xác định được nguồn lây
Bệnh nhân Nguyễn Thị X - người bị tử vong thứ ba do cúm A/H1N1 của cả nước tính đến hôm nay, vẫn chưa xác định được nguồn lây. Hai ca trước đó cũng chưa xác định được nguồn lây.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, khi cúm A/H1N1 ở mức đại dịch, 30 phần trăm dân số có thể mắc bệnh, 12 phần trăm trong số người mắc bệnh bị biến chứng; tỷ lệ tử vong có thể lên tới 0,35 phần trăm. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, điều tra dịch tễ của ngành y tế cho thấy, bệnh nhân Nguyễn Thị X. 56 tuổi ở quận Bình Thạnh, TPHCM chỉ ở nhà và hoàn toàn không tiếp xúc với cộng đồng.
Bà X. sống chung với gia đình gồm bốn người, trong đó con là T.M.T, 35 tuổi, cũng bị mắc bệnh tâm thần, cùng chồng là ông T.V.S, 59 tuổi và con gái 27 tuổi, đang làm việc ở quận 1, TPHCM.
“Cả ba người trên đều có tiếp xúc với bà X. nhưng đến thời điểm này sức khỏe bình thường, không có triệu chứng nghi cúm A/H1N1” - bác sĩ Châu cho biết.
Điều này càng cho thấy, việc điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây là rất khó khăn. Trước đó, bệnh nhân T.T.B. ở quận 10, ca tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1 ở TPHCM và bệnh nhân tử vong ở Nha Trang đến nay cũng không điều tra được nguồn lây bệnh từ đâu.
Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM, trước khi nhập viện vào ngày 3/9, bệnh nhân đang điều trị tại nhà do bệnh tâm thần.
Sáng 3/9, bà X. nói sảng, mệt mỏi, gia đình đưa đi khám tại BV Tâm thần TPHCM. Theo bác sĩ Nghiệm, cũng giống như ca tử vong do cúm A/H1N1 trước đó, bệnh nhân X. tử vong do cúm trên nền bệnh nhân bị viêm phổi và suy hô hấp nặng.
Theo các bác sĩ, những bệnh nhân bị suy hô hấp nặng và viêm phổi kết hợp với cúm A/H1N1 sẽ khiến bệnh nhân tử vong rất nhanh.