Ca sỹ Đức Tuấn: Yêu âm nhạc quên cả đàn bà...

Ca sỹ Đức Tuấn: Yêu âm nhạc quên cả đàn bà...
Cuộc trò chuyện này được thực hiện trong lúc chờ đến cảnh Tuấn ghi hình chuyên mục "Quý ông vào bếp" của chương trình "Nhịp sống gia đình" (dự kiến phát sóng 11h trưa thứ 7 hàng tuần trên kênh ANTV, bắt đầu từ 11/5).

Ca sỹ Đức Tuấn: Yêu âm nhạc quên cả đàn bà...

> Đức Tuấn đoạt giải đặc biệt giọng ca vàng ASEAN 2012
> Đức Tuấn nói về sô diễn không cần đại gia

Cuộc trò chuyện này được thực hiện trong lúc chờ đến cảnh Tuấn ghi hình chuyên mục "Quý ông vào bếp" của chương trình "Nhịp sống gia đình" (dự kiến phát sóng 11h trưa thứ 7 hàng tuần trên kênh ANTV, bắt đầu từ 11/5).

Tuấn nói, anh không rành nhiều thứ, và cũng thờ ơ nhiều thứ. Nhưng với âm nhạc thì đó là một tình yêu cuồng si. Đến mức lắm khi quên cả chuyện trai gái…

Ca sỹ Đức Tuấn
Ca sỹ Đức Tuấn.

Nghe nói, anh đang chuẩn bị dự án âm nhạc rất lớn?

Không lớn lắm đâu. Có một số dự án tôi tính làm trong năm nay, nhưng lại thay đổi, lại phải ngừng lại một chút, tại vì có một số hướng đi mới. Tôi đang chuẩn bị thương thảo để ký hợp đồng với một công ty tại London, nếu đồng ý, họ sẽ đào tạo và phát triển Đức Tuấn thành một ca sỹ quốc tế. Đó cũng là một cơ hội, dù không hứa hẹn thành công, nhưng mà mình phải nắm bắt. Bởi đó là đường đi mới.

Nghĩa là anh sẽ phát triển ở thị trường nước ngoài?

Đúng. Đầu tiên là châu Âu, sau đó là thị trường Mỹ. Họ chưa có tiền lệ đào tạo ca sỹ châu Á, nhưng tôi hy vọng mình sẽ là người mở đường. Hiện tại, tôi đang học tiếng Anh.

Ca sỹ Việt hát tiếng Anh theo kiểu Mỹ, còn hát tiếng Anh theo kiểu Anh rất khó. Tôi học không phải là tiếng Anh thông dụng hằng ngày, mà là dùng để trả lời phỏng vấn. Bởi đó là điều kiện đầu tiên và bắt buộc, dùng tiếng Anh để xuất hiện trên truyền thông. Nó phải là tiếng Anh chuẩn mực.

Ở tuổi này mà lại bắt đầu một thay đổi lớn như vậy, anh có nghĩ đây là một ván bài được ăn cả ngã về không?

Được thì ăn cả, nhưng ngã cũng chẳng về không. Về mặt danh tiếng, tôi đâu mất gì, dù không thành công? Ngay cả những ca sĩ nước ngoài, rất tài năng nhưng đâu phải ai cũng thành công được. Với chuyến đi này, tôi được làm việc rất nhiều chứ không chỉ đơn thuần là ca hát. Có những kế hoạch tiếp xúc, tạo dựng hình ảnh… và tôi muốn dấn thân vào đó để xem rằng mình sẽ làm được gì, mình biết được gì.

Anh đang muốn nói là, Việt Nam đang là một thị trường quá nhỏ với tầm vóc của Đức Tuấn?

Có một câu chuyện khá trớ trêu như thế này, nữ ca sĩ Celin Dion hát ở Québec bao nhiêu năm nhưng mọi người không coi trọng, mặc dù cô hát rất hay. Nhưng khi cô sang Mỹ phát triển sự nghiệp, cũng giọng hát đó, cũng chính những bài hát đó lại thành công rực rỡ và khi ấy cả Canada tự hào về cô.

Tôi nói thẳng luôn, tại Việt Nam, tôi đang theo đuổi dòng nhạc chính thống dành cho những người tử tế, đàng hoàng. Thời gian trước, họ đã quay lưng hẳn với nhạc Việt, hoặc cũng có nghe nhưng là nhạc Việt của nước ngoài. Hoặc một số người sẽ nghe đĩa của Thúy Nga Paris. Cũng là nhạc Việt, nhưng là Thúy Nga thì người ta sẽ dễ chấp nhận hơn.

Là anh qua nước ngoài "rửa bằng", và quay về chinh phục lại người Việt?

Người Việt mình tự khắt khe với nhau, và tôi sẽ cố gắng làm những sản phẩm âm nhạc tử tế để củng cố lại niềm tin của những người nghe nhạc tử tế.

Đặt cho mình một sứ mệnh là người đi đặt lại niềm tin cho lớp khán giả đã mất thói quen nghe nhạc Việt, nếu nhìn theo hướng tiêu cực anh là một người tự cao, còn tích cực thì thấy áp lực dành cho anh lại quá lớn?

Tôi yêu nhạc, nên chưa bao giờ có đủ thời gian để suy nghĩ rằng một hòn đá ném đi thì hòn chì sẽ quăng lại vào mặt mình. Đơn giản là tôi muốn làm. Có thể thành công, hoặc không. Chị Mỹ Linh cũng là một người đi tiên phong trong việc đặt lại niềm tin cho khán giả, nhưng rõ ràng là dự án của chị làm chưa tới.

Trong đĩa nhạc Từ Công Phụng "Lời tôi ru như mơ" anh đã sử dụng kèn đám ma. Đĩa nhạc này lại nói về tâm sinh, sống và chết. Anh bị ám ảnh về cái chết?

Không biết nữa, hiện tại tôi đang thiên về triết lý về sự sống và cái chết. Sự chuyển giao và tâm lý của con người đối diện với cái chết như thế nào. Bác Phạm Duy những ngày cuối đời thường nói nhiều với tôi về cái chết huy hoàng, sự mất đi nhưng không mất đi, mất đi để bắt đầu một cái mới hay hơn, tốt hơn. Đây là một dự án mà về mặt kỹ thuật sẽ đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Tôi sẽ thu âm tại Đức và phát hành đĩa nhựa theo kiểu cổ điển và âm thanh surround.

Anh mới nói tới Phạm Duy, những ngày cuối đời ông ấy là người như thế nào?

Tôi thường gặp ông trong suốt 6 năm cuối đời. Ông chia sẻ với tôi nhiều, về âm nhạc và quan niệm về sự sống, cái chết. Những ngày cuối đời, ông luôn thể hiện một tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt, lạc quan. Nhưng tôi biết rằng ông vẫn rất buồn. Ông buồn vì người, vì những cái mà ông chưa làm được.

Tôi luôn cảm nhận nỗi buồn đó trong những câu chuyện của ông. Lần cuối cùng gặp, tôi cảm nhận được là ông đã chấp nhận để sẵn sàng ra đi. Đó chính là lý do tại sao ông luôn nói nhiều về triết lý "đi mà không hề chấm dứt".

Trong tâm linh, khi người ta hay nói về sự sống và cái chết, là lúc người ta biết mệnh của mình. Anh còn trẻ như thế này, sao lại nói nhiều về nó?

Tôi không cảm thấy chết là ghê gớm, bế tắc. Chết rất nhẹ nhàng thôi, ai cũng phải trải qua. Trẻ cũng có thể chết, già cũng có thể chết. Cái chết không chừa một ai. Chẳng qua nó hơi đặc biệt, nó làm mình chuyển giao từ thế giới này qua thế giới khác, vậy thôi… Đôi khi người ta sợ chết vì người ta không làm được những gì mình muốn. Còn tôi đang làm cái mình muốn và hài lòng rồi.

Chúng ta nói về thị trường âm nhạc. Vậy nếu như người ta nói anh đang đứng bên lề của dòng chảy âm nhạc Việt Nam, anh thấy sao?

Tôi không đứng bên lề âm nhạc, tôi chỉ đứng bên lề showbiz mà thôi. Còn dòng chảy âm nhạc thì tôi có vị trí của mình, và đôi khi tôi còn muốn chỉnh dòng, cho nó đi đúng hướng và đa sắc.

Cách đây 5 năm tôi bắt đầu nói về nhạc kịch. Lúc đó chả ai thèm nghe. Nhưng giờ đây nhạc kịch đã nằm trong rất nhiều gameshow. Đó là dòng chảy tất yếu, và đôi khi tôi đi trước, tôi khơi ra một dòng mới…

Trong 5 năm qua, anh đầu tư nhiều tiền cho những dự án lớn của mình, nhưng hiệu ứng khán giả không tốt lắm. Và tất nhiên, vì thế tiền anh kiếm cũng không bằng người ta. Có chạnh lòng?

Nhân nói kiếm tiền, tôi cũng nói luôn chuyện ì xèo dư luận về cát sê vừa qua. Chỉ có những người làm nghề mới hiểu được là thu nhập của ca sĩ chưa thấm gì so với những cái mà người ta đầu tư. Tôi bắt buộc phải xoay xở, không thiếu, nhưng không có dư nhiều. Thu nhập của tôi không cao hơn những công chức bình thường bao nhiêu, nhưng chi phí cho nghề này lại rất lớn.

Thế nên khi mọi người chỉ trích ca sĩ nhận cát sê mấy ngàn đô, là đang nhìn mọi thứ một cách phiến diện. Có những việc mà một người ca sĩ phải tiêu tiền không thể đo lường được bằng con số, không đo lường được bằng mắt, không có hóa đơn…

Nghĩa là, theo anh cô Mỹ Tâm nhận cát-xê 6000$ là bình thường, phải không?

Con số đó không có gì bất ngờ. Một năm Mỹ Tâm ra bao nhiêu MV, cái đó không phải được làm bằng tiền sao? Tạo ra một MV cho mọi người xem, nghe thích thú và truyền miệng nhau, tăng giá trị tinh thần trong cuộc sống của mỗi người, tăng tính sáng tạo cho bao nhiêu con người, những cái đó không được tính. Rồi quần áo của ca sỹ không thể nhếch nhác được.

Không thể so sánh rằng, tại sao không mặc một bộ quần áo 200 ngàn mà lại mặc một bộ quần áo 200 triệu. Bởi vì 200 ngàn thì mặc cho riêng mình, còn 200 triệu là mặc để cho vài triệu người ngắm!

Thông tin từ các công ty event như thế này: Mỹ Tâm báo giá 6.000$, Đàm Vĩnh Hưng thì "hét" 12.000$. Vậy thì, Đức Tuấn mấy ngàn đô la?

Mỗi người có một giá trị trên thị trường khác nhau, thuận mua vừa bán. Âm nhạc sau khi vượt qua quá trình sáng tạo rồi thì nó sẽ là một sản phẩm và được định giá theo thị trường thôi. Khi người ta trả cho họ mức đó, thì giá trị của họ là như vậy, đừng đem ra cân đo là xem có đúng giá trị đó hay không.

Nếu không đúng giá trị thì chả ai dại mà bỏ tiền ra để mua sản phẩm đó cả. Tôi cũng đủ tỉnh táo để không hét những mức giá hoang tưởng, và ngồi mốc mỏ chẳng ai thèm mời!

Và phải có đàn chị Mỹ Lệ đi thi gameshow "Cặp đôi hoàn hảo", thì đàn em Đức Tuấn mới có cơ hội lên Facebook "chặt chém"?

Tôi không ám chỉ ai, tôi cũng không nói tới một cái tên nào. Điều tôi nói có thể dính tới nhiều người lắm. Tôi dùng nó để truyền tải những điều tế nhị. Còn ai muốn hiểu sao thì hiểu…

Năm nay đã 32 tuổi, anh thấy cuộc sống của mình viên mãn chưa?

Tôi không có thời gian suy nghĩ về cuộc đời, tôi suy nghĩ về âm nhạc nhiều quá rồi, những dự án cuồn cuộn trong đầu. Nhưng tôi thấy hạnh phúc điều mình đang làm.

Anh có người yêu chưa?

Cái đó lại là một phạm trù khác, đôi khi không cần…

Đức Tuấn không cần yêu?

Tôi đã yêu âm nhạc mất rồi.

Tôi đang muốn hỏi chuyện tình yêu trai gái kìa?

Nói về tình yêu có nhiều thứ lắm, có người yêu cả đời nhưng chẳng bao giờ đụng vào thể xác, hoặc cũng có thể yêu bằng sự chung đụng thể xác. Tôi yêu cuộc sống này một cách cuồng dại.

Tôi không thích cách trả lời theo kiểu "cẩm hường", qua quýt và ngụy biện như vậy! Tôi muốn hỏi về tình yêu của anh với một phụ nữ cụ thể kìa…

Tôi yêu quá nhiều thứ, yêu rất nhiều, yêu hơi quá so với người bình thường!

Và anh yêu cả phụ nữ lẫn đàn ông?

Tôi yêu cuộc sống này và yêu mọi khía cạnh trong nó!

Theo Hoài Phố
CAND

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy trở về nước nhà với tà áo dài đầy thướt tha. Hoa hậu chọn cho mình mẫu áo dài hồng nhạt đồng nhất với màu ngọc trai trên vương miện. Đây cũng là dịp để Hoa hậu Quốc tế 2024 quảng bá vẻ đẹp của người con gái Việt trong tà áo dài với khán giả trong nước và quốc tế.