Nhạc sĩ Quốc Trung mới phát biểu trên báo nhân trường hợp Sơn Tùng: “Thị trường ở những nước phát triển tính cạnh tranh rất mạnh, đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất lớn. Tôi chưa đặt vấn đề tài năng, chỉ nói kỹ thuật, quy trình, sự chuẩn bị để có một buổi biểu diễn ở nước ngoài các bạn ở Việt Nam còn chưa nắm được, chưa nói tới việc có thể tổ chức được”.
Có vẻ như Sơn Tùng M-TP đang là một trong vài nghệ sĩ thu nhập khủng nhất Vpop. Nên rất có thể anh tích đủ tiền để đi thuê luôn ê-kíp nước ngoài phục vụ cho ý đồ của mình.
Mỹ Tâm từng sang Hàn làm album dù chỉ để bán trong nước là chính, sau đó tổ chức liveshow cũng ở Hàn dù cơ bản vẫn cho khán giả Việt. Ở các ngành nghề khác, đầu tư quá tay có thể dẫn đến thiệt hại nhưng trong nghệ thuật hình như có khác. Vì dù có ra khỏi biên giới trót lọt hay không, một nghệ sĩ thần tượng vẫn có đông đảo người hâm mộ quê nhà đằng sau làm bệ đỡ.
Nghệ sĩ luôn tham vọng đưa sản phẩm đến với nhiều khán giả nhất có thể. Những nghệ sĩ khi đạt được đỉnh cao ở trong nước bao giờ cũng nghĩ tới việc ra nước ngoài.
Thanh Lam, Mỹ Linh… đều từng tìm đường đến châu Âu hay Mỹ. Ở vị trí của những nghệ sĩ như vậy kể cả khi không đạt được mục đích vẫn là một bước tiến trong sự nghiệp. Khi họ hiểu ra những giới hạn của bản thân.
Những giới hạn này có thể nói là mang tính nội sinh hơn là tài năng. Một nghệ sĩ sinh ra lớn lên ở đâu có nghĩa là họ thuộc về và đương nhiên là người phát ngôn cho nền văn hóa đó. Ở đó họ tìm thấy ý nghĩa thực sự cho lao động sáng tạo của mình. Bứng sang một môi trường khác họ sẽ chỉ có thể mò mẫm hoặc bắt chước. Và nói chung không có cửa để cạnh tranh với các tài năng, thần tượng sở tại.
Ngay cả Céline Dion cũng không phải chỉ đi qua biên giới Canada là có thể xâm nhập thị trường Mỹ. Như Anggun (nghệ sĩ gốc Á thành công nhất ở châu Âu cho đến lúc này) thậm chí cũng phải nhập tịch Pháp mới có thể tiến vào châu Âu. Tức là nghệ sĩ phải sống và ngấm nền văn hóa của đối tượng mà mình muốn chinh phục cái đã.
Cộng với đó là những mối quan hệ chỉ có thể nảy sinh nếu mình trở thành người sở tại chứ không phải “du khách”. Anggun có thể coi là một dạng thần đồng khi còn ở Indonesia vì thành công sớm và sang Pháp năm 20 tuổi.
Sơn Tùng M-TP cũng mới chỉ 28 tuổi, sang Mỹ ở vài năm cũng chẳng thiệt hại gì. Có khi lại thêm nhiều chất liệu phục vụ khán giả trong nước…
Nhạc sĩ Quốc Trung nói tiếp: “Phải tạo được nhu cầu thực sự với sản phẩm nghệ thuật của bạn ở thị trường mới đó, bạn mới xâm nhập được vào thị trường”.
Điều này xem ra khó. Vì như đã nói ở trên, không ở trong nền văn hóa đó chẳng thể biết khán giả ở đó cần gì. Và kể cả biết cũng không thể đáp ứng chuẩn bằng nghệ sĩ sở tại.
Không chỉ riêng Sơn Tùng mà nhiều nghệ sĩ Vpop vẫn lấy nhạc Mỹ, Anh làm chất liệu hoặc gọi cho nhẹ đi là lấy cảm hứng để cho ra sản phẩm mới. Vì đơn giản phần đông khán giả trẻ trong nước vẫn đang nghe nhạc Anh, Mỹ hằng ngày. Chúng ta đang nhập siêu mà bây giờ tính xuất khẩu kể cũng đau đầu thật.
Còn thực sự nếu cứ nhất thiết phải xuất khẩu Vpop, cứ học theo con đường của Kpop thôi. Một công thức không thể hiệu quả hơn. Nhưng cũng phải từ từ, công thức dùng rồi biết đâu lại mất thiêng khi đem áp dụng cho một nền văn hóa khác?
Cho nên hiện tại cứ nghệ sĩ nào tìm đường vẫy vùng ra biển lớn đều nên được hoan nghênh cả. Mọi công thức đều phải được đúc rút từ những phép thử mà.