Một "cơn bão" mới xảy ra trong CD của các ca sĩ trẻ tại các trung tâm băng đĩa nhạc TPHCM - họ hát những tình khúc vang bóng một thời.
Bên cạnh ca khúc của Nguyễn Nhất Huy, Tường Vân... trong Mr. Đàm, Đàm Vĩnh Hưng đã hát lại Thương hoài ngàn năm, Người tình trăm năm.
Lê Hiếu thể hiện 2 ca khúc nổi tiếng Em đến thăm anh một chiều mưa và Niệm khúc cuối trong album thứ 2 của mình.
Hiền Thục thì chọn Ngàn thu áo tím, Đừng xa em đêm nay để thể hiện trong CD ra mắt sự trở lại, sau một thời gian dài vắng bóng.
Hồ Ngọc Hà thì "hứng thú" với 2 ca khúc Nỗi lòng, Có nhớ đêm nào trong CD thứ 2 của mình. Tuần vừa qua, Thanh Thảo làm luôn một album nhạc tiền chiến mang tên Bảy ngày đợi mong...
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà |
Rồi, sắp tới Đức Tuấn sẽ trình làng abum nhạc Phạm Đình Chương có tên Đôi mắt người Sơn Tây. Đàm Vĩnh Hưng sẽ ra mắt một lúc 2 CD nhạc tiền chiến gồm 30 bài mang tên Tình ca 50. Hồ Ngọc Hà chuẩn bị cho ra đời CD thứ 3 với những bài hát quen thuộc trước năm 1975.
Hầu hết ca sĩ trẻ khi được hỏi đều khẳng định lý do đầu tiên họ đến với dòng nhạc xưa: Những ca khúc này đã "ngấm" vào máu của họ từ lúc nhỏ. "Trở thành ca sĩ, mong muốn được thể hiện lại những bài hát mình từng say mê lại càng lớn" - Hiền Thục nói.
Theo Đức Tuấn, anh đã bị chất thơ trong những bài hát tiền chiến quyến rũ và chọn luôn dòng nhạc này làm con đường ca hát. Thanh Thảo quay về những ca khúc một thời vì chị muốn mang chúng đến với những khán giả trẻ của mình thông qua một lối thể hiện mới. Còn Đàm Vĩnh Hưng thì ngay khi thu âm Thương hoài ngàn năm chỉ nghĩ rằng: "Muốn thử sức mình ở thể loại nhạc mà mình chưa thể hiện bao giờ".
Ca sĩ Thanh Thảo |
Tuy nhiên, con đường chọn dòng nhạc xưa đối với các ca sĩ trẻ không thật dễ dàng. Thanh Thảo khi hát Trăng sơn cước, Bảy ngày đợi mong, Hai phương trời cách biệt... cũng thú nhận chỉ dám chọn hát những ca khúc trong khuôn khổ giọng ca và cảm nhận của mình chứ không có ý định trở thành ca sĩ hát nhạc tiền chiến.
"Khó nhất là tải được cái hồn trong ca khúc của những người sống không cùng thời với mình" - Đức Tuấn tâm sự.
Từ năm 1990, khi bắt đầu hát những ca khúc tiền chiến, để hoàn thành việc thu âm một ca khúc, Đàm Vĩnh Hưng phải mất đến... 20 lần "thử giọng". "Có khi thu nửa chừng rồi bỏ về vì thấy mình không chuyển tải được hết cái hồn của những ca khúc".
"Hầu như mỗi ca khúc vang bóng một thời đều đã gắn liền với một tên tuổi ca sĩ nào đó nên thể hiện sao cho thoát khỏi cái bóng của họ quả thật khó" - Thanh Thảo e dè.
Đây là chuyện "rượu cũ, bình mới", Vĩnh Hưng nói, phải dung hòa ít nhất 3 yếu tố khi trình bày những ca khúc vượt thời gian là: Tư tưởng, tình cảm của tác giả; cách hát tiếp cận khán giả mới; chất giọng riêng của mình. "Nhưng cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao cho ra cái hồn của ca khúc, nhạc xưa "để ý" điều này lắm" - Anh khẳng định.
Việc quay về dòng nhạc xưa của các ca sĩ trẻ được làng nhạc đánh giá là một xu hướng tốt. "Có thể cách trình bày của nhiều ca sĩ trẻ chưa hoàn toàn "chở" hết cái thần trong những ca khúc có đời sống cách nay mấy chục năm, nhưng đã góp phần mang đến một luồng gió mới, giúp khán giả trẻ ngày nay tiếp xúc với dòng nhạc này nhiều hơn" - Ca sĩ Ánh Tuyết nhận định.
Chị cho rằng, vì tính bất hủ của các ca khúc tiền chiến nên sau khi mỗi thế hệ gắn với dòng nhạc trữ tình lãng mạn này đi qua, tất yếu sẽ có một lớp ca sĩ khác thay thế như một quy luật.
Theo ca sĩ Lan Ngọc, ngày càng nhiều giọng ca trẻ hát ca khúc vang bóng một thời thật đáng mừng. Họ lại mang đến cho những ca khúc vốn đã tràn đầy sức sống một hơi thở mới..
Nhưng chị cũng đồng thời nhìn nhận sự khác biệt trong "hơi thở, cách hát" của các ca sĩ trẻ hôm nay so với thế hệ của mình, dù cùng một bài hát. "Có một chút gì đó còn nhạt" - Lan Ngọc nhận xét.
Nhưng do sai những thông điệp nhạc sĩ chuyển tải nên nhiều ca sĩ trẻ đã làm lệch "hồn" của bài hát. "Hát Chiều nay tiễn người đi... mặt mày lại hớn hở, hát kích động đến khác thường là không thể chấp nhận được. - Ánh Tuyết bức xúc - Tôi được nghe một ca sĩ trẻ hát ca khúc rất quen, thay vì "một dòng thư cũ" thì anh ta lại ngân nga "một chồng thư cũ" một cách rất vô tư".
Nhạc sĩ Quốc Dũng thì ngậm ngùi: "Khi ca sĩ hát, quyết định sửa một chữ chỉ trong 5 phút. Nhưng họ đâu biết rằng vì một chữ đó có khi người nhạc sĩ phải thai nghén trong cả năm trời".