Cà Mau quyết liệt xoá tàu cá '3 không'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cùng với cả nước, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” IUU, nhất là việc quản lý tàu cá “3 không”.

Một số kết quả quan trọng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sau gần 7 năm thực hiện gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy Ban Châu Âu (EC), tình hình chống khai thác thác IUU đã đạt được một số kết quả. Có thể kể ra như: Hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia… Quyết tâm chính trị của Việt Nam nói chung, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp Trung ương được EC đánh giá cao.

Để tạo sự chuyển biến đột phá trong gỡ “thẻ vàng” cùng với cả nước, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá, đặc biệt tàu cá thuộc diện ‘‘3 không’’ (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

Cà Mau quyết liệt xoá tàu cá '3 không' ảnh 1
Ngành chức năng Cà Mau thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi đánh bắt.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh còn 66 tàu cá thuộc diện ‘‘3 không’’ đã được theo dõi chặt chẽ. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh quyết liệt trong công tác tuyên truyền, giao trách nhiệm cấp xã là lực lượng chính trong quản lý, giáo dục tuyên truyền ngư dân. Thường xuyên mở các đợt cao điểm với sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát; kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ về chống khai thác IUU.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tàu cá nằm bờ bằng cách kiểm tra định kỳ tình trạng tàu, chụp hình ảnh đưa lên phần mềm số hoá IUU của tỉnh. Tuyên truyền chủ tàu thực hiện đúng quy định khi đưa tàu cá ra biển hoạt động. Kiểm soát chặt chẽ tại các trạm kiểm soát biên phòng, không để tàu cá không đủ điều kiện ra biển hoạt động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kiên quyết xử lý trường hợp cố tình vi phạm các quy định về khai thác IUU; hoàn thiện, cũng cố nâng cao năng lực thực thi pháp luật thuỷ sản.

Song song đó, ngành chức năng tỉnh Cà Mau còn triển khai thực hiện đề án, dự án nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản như: Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh; các dự án thuộc Khu Bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.

Nghiên cứu cơ chế đặc thù

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, ngành chức năng nên nghiên cứu cơ chế đặc thù cho một số ngành, nghề để công tác quản lý thời gian tới được tốt hơn. Ông Sử dẫn chứng, nghề câu mực phải hoạt động xa bờ mặc dù phương tiện nhỏ hơn 15m, nhưng để tiếp tục khai thác bà con ngư dân phải gắn các thiết bị theo quy định.

“Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU phải yêu cầu những địa phương ven biển đồng loạt ra quân rà soát lại tàu cá “3 không” thì mới có thể sớm xử lý dứt điểm vấn đề trên”, ông Sử nói.

Theo ông Phạm Quốc Sử - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm IUU, việc chống khai thác IUU vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của ngư dân Cà Mau đang hướng đến một tương lai phát triển kinh tế biển bền vững.

“Từ khi TAND Tối cao có hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản thì công tác điều tra, xử lý được thuận lợi hơn”, ông Sử nói.

Cà Mau quyết liệt xoá tàu cá '3 không' ảnh 2
Ngư dân Cà Mau quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU.

Làm với việc Cà Mau và một số địa phương liên quan chống khai thác IUU mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức về việc gỡ “thẻ vàng” IUU. Bởi việc này không chỉ để tham gia thị trường châu Âu, còn góp phần đảm bảo lợi ích, sinh kế cho nhân dân và hướng đến sự phát triển ngành thủy sản bền vững.

“Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận một số bất cập, tồn tại để khắc phục, như chưa kiểm soát được toàn bộ của tàu cá, nhất là tàu "3 không". Chưa rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc quản lý hoạt động tàu cá từ cửa sông đến cảng cá và trên biển. Các quy định quản lý, xử lý tàu cá, chủ tàu vi phạm và công tác tổ chức thực hiện chưa sát với thực tiễn. Việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình - VMS chưa rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp thiết bị, dịch vụ, cũng như chủ tàu”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Hiện, tỉnh Cà Mau có 5 Cảng cá đang hoạt động, trong đó có 2 Cảng cá loại II (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời); thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) và 1 Cảng cá loại III (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) đã đáp ứng đủ điều kiện cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra. Các cảng cá này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Công bố là nơi phục vụ việc xác nhận và chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định.

MỚI - NÓNG