Tại buổi họp báo, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đây là lần đầu tiên Bệnh viện thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện.
Lần đầu tiên ở Việt Nam và bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP.HCM. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.
Được biết người cho tạng là nam giới, ngoài 40 tuổi, ở Ninh Bình, tiền sử khỏe mạnh. Chết não do bị phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai không kết quả. Bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng ngay từ khi còn khỏe. Tới khi không may bị chết não, gia đình bệnh nhân đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức để hiến tạng.
Bệnh nhân nhận phổi là nam giới, 17 tuổi. Được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng rất nặng: nằm trên giường thở ô xy liên tục, tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng. Bệnh nhân bị bệnh mô bào ở Phổi (Langerhans) giai đoạn cuối. GS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, người trực tiếp ghép phổi cho bệnh nhân cho hay, trước ghép tiên lượng tử vong rất cao trong một vài tháng. Giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép hai phổi. Hiện trạng của bệnh nhân rất phù hợp để thực hiện ngay phẫu thuật Ghép phổi.
Phẫu thuật ghép phổi bắt đầu được thực hiện từ 9 giờ, kết thúc lúc 23 giờ. Hai ngày đầu sau ghép, tình trạng bệnh nhân ổn định như dự kiến; hoạt động phổi ghép tốt; mô phổi co hồi vừa với lồng ngực người nhận phổi, nên đã được ngừng ECMO, mổ đóng vết mổ ngực và mở khí quản chăm sóc phổi. Sau 10 ngày diễn biến sức khoẻ bệnh nhân rất thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt. Chứng tỏ ca ghép hai phổi đã rất thành công về kỹ thuật.
Tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Hữu Ước, toàn trạng bệnh nhân còn rất nặng, và diễn biến hậu phẫu còn phức tạp do toàn trạng bệnh nhân quá suy kiệt và một số tổn thương phối hợp ở cơ quan khác.
Bệnh nhân nhận tim là nam, 60 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối, đang điều trị hồi sức tích cực chờ ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức (thở máy, bóng đối xung nội động mạch chủ), nguy cơ tử vong rất cao trong vòng 1 tháng nếu không có tim hiến để ghép. Diễn biến sau ghép ổn định. Hiện bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống và sinh hoạt tại phòng cách ly sau ghép tim.
Người nhận gan là bệnh nhân nữ, 63 tuổi, mắc bệnh u gan. Tiến triển sau ghép rất thuận lợi. Ca nhận thận và ghép tại Bệnh viện Việt Đức là bệnh nhân nam, 41 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối. Tiến triển sau ghép ổn định. Một quả thận còn lại được chuyển vào TP.HCM ghép cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng II / TP.HCM. Bệnh nhi nam giới, 15 tuổi, mắc suy thận giai đoạn cuối cần ghép thận gấp, được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia hỗ trợ điều phối “xuyên Việt” (bằng hàng không dân dụng của Vietnamairlines) cho 1 quả thận lấy từ người cho đa tạng chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Diễn biến sau ghép ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, ăn uống được.
Tính đến ngày 21/12, Việt Nam đã thực hiện thành công 3200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim (6 ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác), 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.