Người phụ nữ trung niên đang vượt qua trạm kiểm soát cảng Phúc Điền, nơi phân cách thành phố Thâm Quyến với Hong Kong. Bốn ngày sau, hải quan Hong Kong lại chặn một phụ nữ khác, phát hiện 203 lọ máu gói trong túi ni-lông đặt trong ba lô.
Giới chức Hong Kong nói rằng, những phụ nữ này được trả công 100-300 nhân dân tệ (330.000-990.000 đồng) để chuyển các lọ máu từ đại lục sang Hong Kong.
Hồi tháng 2/2019, một bé gái 12 tuổi bị chặn ở trạm kiểm soát cảng La Hồ (Thâm Quyến) khi mang theo 142 lọ máu trong ba lô.
“Bình thường, học sinh chỉ mang sách vở, đồ dùng học tập và đồ ăn nhẹ nên cặp sách thường trông nhỏ gọn. Nhưng khi nhìn thấy ba lô cô bé chật cứng như sắp bục ra, chúng tôi cho nó qua máy quét”, báo Trung Quốc People’s Daily dẫn lời một nhân viên cảng La Hồ.
Việc vận chuyển máu từ đại lục sang Hong Kong tăng mạnh trong 3 năm qua, CNN đưa tin ngày 14/10. Các mẫu máu được chuyển tới các cơ sở y tế, phòng khám ở Hong Kong để xét nghiệm ADN. Đại lục cấm xét nghiệm máu để biết giới tính thai nhi. Dù Trung Quốc đã dỡ bỏ một phần chính sách một con nhưng nhiều cặp vợ chồng chỉ muốn đẻ một con và họ muốn đó là con trai.
Giấu máu trong thú nhồi bông
Để biết được giới tính thai nhi để giữ lại hoặc bỏ thai, vợ chồng bà bầu ở đại lục nhờ đến bên trung gian chuyển mẫu máu sang Hong Kong để xét nghiệm. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, có hàng chục cơ sở nhận cung cấp dịch vụ này.
Đại diện bán hàng của một công ty trung gian nói với CNN rằng, “phụ nữ có thể xét nghiệm giới tính thai nhi khi họ mang bầu được 6-7 tuần” và khách hàng chỉ cần cung cấp một mẫu máu và kết quả siêu âm chứng tỏ thai nhi được 6 tuần tuổi trở lên.
Bà bầu được khuyến khích giấu lọ máu trong thú nhồi bông hoặc các hộp chứa đồ ăn nhẹ để tránh bị phát hiện, rồi gửi thẳng tới Hong Kong qua đường bưu điện. “Chúng tôi không còn thuê người vận chuyển kiểu thủ công nữa vì quá rủi ro; chính phủ gần đây triệt phá các hoạt động của chúng tôi”, vị đại diện bán hàng nói.
Công ty chuyển mẫu máu này hiện thu hút hơn 380.000 người trên Weibo. Công ty thu phí 3.500 nhân dân tệ (hơn 11,5 triệu đồng) và trả kết quả xét nghiệm sau khoảng 1 tuần. Việc xét nghiệm ADN để biết giới tính thai nhi được thực hiện tại một phòng thí nghiệm ở nơi hẻo lánh của Hong Kong.
Luật Dân số và kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc cấm xét nghiệm tìm giới tính thai nhi từ năm 2002 để ngăn tình trạng mất cân bằng giới tính gia tăng. Theo cơ quan thống kê quốc gia của Trung Quốc, tính đến cuối năm 2017, số nam giới ở nước này nhiều hơn nữ giới là 32,7 triệu người.
Theo kết quả nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Singapore công bố hồi tháng 5/2019, việc phá thai vì lý do giới tính (phá thai khi phát hiện giới tính thai nhi là nữ) tăng mạnh vì chính sách một con. Từ năm 1970 tới 2017, có tới 12 triệu bé gái không thể chào đời vì bố mẹ các em phá thai.
Chính sách một con được dỡ bỏ một phần vào năm 2015 nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn từ bỏ kế hoạch có 2-3 con vì không đủ tiền.
Để biết được giới tính thai nhi, một số cặp vợ chồng gửi mẫu máu sang Hong Kong. Điều này là phi pháp vì Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia của Trung Quốc năm 2017 ra quy định cấm xuất khẩu máu người.
Tuy nhiên, Hong Kong cho phép nhập khẩu các mẫu máu miễn là chúng không bị tình nghi chứa tác nhân gây bệnh và có giấy tờ hợp lệ, người phát ngôn của Sở Y tế Hong Kong trả lời CNN qua email. Kể từ năm 2015, Sở Y tế nghi ngờ 3 trường hợp liên quan nhưng không đủ chứng cứ để điều tra.
Nhắm mắt làm ngơ
Các phòng thí nghiệm ở Hong Kong chỉ được phép xét nghiệm nếu mẫu máu được một người có chuyên môn trong ngành y giới thiệu. Nhưng nhiều phòng thí nghiệm bỏ qua quy định này, một nhà làm luật Hong Kong tên là Kwok Ka-Ki nói.
Ông Kwok, đồng thời là bác sĩ tiết niệu, nói rằng, Sở Y tế Hong Kong có thể phát hiện ra các phòng thí nghiệm như vậy bằng cách cho người giả vờ là khách hàng nhưng họ không điều tra ngầm kiểu như vậy. “Họ thích nhắm mắt làm ngơ vì lo ngại ảnh hưởng ngành xét nghiệm y tế, một ngành lớn”, ông nhận định. Các vụ điều tra của Sở Y tế Hong Kong chưa dẫn tới vụ truy tố nào.
Ở Hong Kong người ta người ta tìm ra phương pháp xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT) cho phép dễ dàng xác định chính xác giới tính thai nhi khi thai nhi được 10 tuần tuổi. Khi còn là sinh viên y khoa ở Đại học Oxford những năm cuối thập niên 80, Dennis Lo (nay là giáo sư ở Đại học Hong Kong) đã tìm ra NIPT để thay thế hai phương pháp lấy mẫu xâm lấn thường được dùng để xét nghiệm bất thường nhiễm sắc thế ở thai nhi.
Phương pháp xét nghiệm do ông Lo phát triển có độ chính xác 99%, được ứng dụng thương mại ở Mỹ năm 2011. Giờ đây, NIPT được nhiều công ty sử dụng vì có độ an toàn cao hơn cho bà bầu và thai nhi.
“Xấp xỉ 7 triệu phụ nữ sử dụng NIPT mỗi năm trên phạm vi toàn cầu”, ông Lo nói. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu MarketsandMarkets, thị trường NIPT sẽ đạt mức 3,9 tỷ USD trong năm 2019 và tăng trưởng 13,5% mỗi năm.
Tính đến tháng 9/2019, Sở Y tế Hong Kong đã điều tra tổng cộng 53 trường hợp liên quan nhập khẩu mẫu máu từ đại lục sang mà không có giấy phép. Chỉ có 1 trường hợp trong năm 2015, tăng lên 18 trường hợp năm 2018 và 12 trường hợp trong 9 tháng đầu năm 2019.
“Đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Nếu tính đến số lượng lớn phòng thí nghiệm y học cung cấp dịch vụ xét nghiệm giới tính thai nhi ở Hong Kong, mỗi ngày phải có hàng chục trường hợp buôn lậu máu”, ông Kwok nói.