Bức tranh từng bị thanh lý bèo bọt được bán với giá 92 triệu USD

TPO - Bức tranh của danh họa Botticelli từng treo trong khu vực dành cho người giúp việc, bị thanh lý bèo bọt bất ngờ được bán với giá 92 triệu USD.

Tuần trước, bức “Portrait of a Young Man Holding a Roundel” (tạm dịch: Chân dung người đàn ông trẻ tuổi cầm chiếc đĩa tròn) được bán đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby's ở New York, Mỹ. Từ mức giá khởi điểm là 80 triệu USD, kiệt tác của danh họa người Ý Sandro Botticelli (1445 – 1510) được bán cho khách hàng người Nga với giá 92 triệu USD (2.117 tỷ đồng).

Bức tranh từng bị thanh lý bèo bọt được bán với giá 92 triệu USD ảnh 1 Bức “Portrait of a Young Man Holding a Roundel”.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là mức giá cao nhất được trả cho một tác phẩm của Botticelli trong phiên đấu giá công khai, đồng thời cao thứ hai cho tác phẩm của một Old Master (từ chung chỉ các họa sĩ tài năng ở châu Âu trước năm 1800).

Bức chân dung được vẽ vào khoảng năm 1480, được cho là của một thành viên trong gia đình quý tộc Medici ở Ý, là một trong số khoảng 50 kiệt tác còn tồn tại của Botticelli. Không ai biết lý do tại sao bức tranh lại có mặt ở điền trang Plas Glynllifon của gia đình Newborough ở Llanwnda, Gwynedd, Wales (Anh). Người ta cho rằng, nó được mua lại bởi Nam tước Newborough đầu tiên, Thomas Winn, từng sống ở Tuscany (Ý) vào thế kỷ 18 và kết hôn với một phụ nữ bản địa.

Tài liệu đầu tiên về bức chân dung có từ đầu những năm 1930, nhưng có một số tranh cãi về cách thức và thời điểm bán bức tranh.

Ông Robert Vaughan Wynn, Nam tước Newborough thứ 8 (hiện đang sống tại Rhug, gần thị trấn Corwen, xứ Wales, Anh), cho biết, bức tranh vẫn treo trong khu vực dành cho người giúp việc cho đến khi Plas Glynllifon được bán vào năm 1948. Thời điểm gia đình Newborough chuyển đi, bức tranh bị đem đi thanh lý cùng với những món đồ khác. “Không ai biết nó đang giá bao nhiêu. Nó được bán thanh lý với giá vài shilling (đơn vị tiền tệ không còn lưu thông ở Anh, 20 shilling = 1 bảng Anh = 31.607 đồng)”, ông nói.

Bức tranh từng bị thanh lý bèo bọt được bán với giá 92 triệu USD ảnh 2 Ông Robert Vaughan Wynn, Nam tước Newborough thứ 8.

Nhưng theo nhiều hồ sơ khác, bao gồm cả tài liệu của Sotheby's, bức tranh được nhà buôn nghệ thuật Frank Sabin mua vào khoảng năm 1935 từ Nam tước Newborough thứ 6 – vốn không biết giá trị thực của bức tranh. Sau đó, ông Sabin bán lại cho nhà sưu tập Sir Thomas Merton vào năm 1941, với số tiền hàng chục ngàn bảng Anh. Đây là lần đầu tiên bức tranh được giới thiệu là tác phẩm của Botticelli.

Năm 1982, bức tranh được bán đấu giá 810.000 bảng Anh (25,6 tỷ đồng) cho tỷ phú bất động sản người Mỹ Sheldon Solow. Ông Solow qua đời vào tháng 11 năm ngoái, nên bức tranh được đem ra bán.

Kể từ đó, bức tranh được một số bảo tàng lớn như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ), Phòng trưng bày Quốc gia ở London (Anh) và Bảo tàng Stadel ở Frankfurt (Đức) mượn để trưng bày.

Bức tranh từng bị thanh lý bèo bọt được bán với giá 92 triệu USD ảnh 3 Bức tranh từng được thanh lý với giá bèo bọt.

Nam tước Newborough thứ 8 cho biết, từng được mời đến xem bức tranh khi nó được trưng bày ở London, nhưng ông không biết về ý nghĩa của nó. Khi được hỏi ông có cân nhắc việc tham gia đấu giá để lấy lại kiệt tác cho gia đình không, ông cười và nói; “Trong giấc mơ của tôi”.

Biệt thự Plas Glynllifon hiện đã trở thành một địa điểm thuộc sở hữu tư nhân. Nhiều chủ nhân đã cố gắng chuyển đổi biệt thự thành một khách sạn cao cấp và nơi tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, một thông báo cho biết, quá trình tu sửa ngôi nhà 102 phòng đã thất bại. Từ đó, Plas Glynllifon rơi vào tình trạng hư hỏng, đang chờ tiếp nhận.

Bức tranh từng bị thanh lý bèo bọt được bán với giá 92 triệu USD ảnh 4 Biệt thự Plas Glynllifon.
Theo Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.