Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới đây đã công bố cải cách lớn về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Cụ thể, từ năm 2025, học sinh sẽ chỉ cần thi 4 môn để tốt nghiệp, bao gồm: hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Kinh tế và Pháp luật, Tin học và Công nghệ. Đáng chú ý, Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc.
Trước đó, cải cách phương pháp đánh giá năng lực tiếng Anh là đề tài quan trọng và thường xuyên được thảo luận tại Hội nghị quốc tế về Khảo thí Ngoại ngữ New Directions Đông Á (New Directions East Asia), hội nghị hàng đầu về khảo thí ngoại ngữ của Hội đồng Anh. Hội nghị thường niên được tổ chức tại Việt Nam năm 2023 và mới đây tại Thái Lan năm 2024, quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục và học giả hàng đầu trong khu vực và quốc tế. Một thông điệp quan trọng được nhấn mạnh tại hội nghị là động lực học ngoại ngữ cần vượt lên trên các mục tiêu ngắn hạn, ví dụ như việc chỉ tập trung vào việc vượt qua kỳ thi. Chỉ khi nuôi dưỡng được động lực sâu sắc hơn, người học mới có thể thực sự gắn bó và có động lực để gặt hái được những thành công bền vững trong hành trình học ngôn ngữ.
“Để các hệ thống học tập hoạt động hiệu quả, điều quan trọng là các yếu tố chính của nó phải được thống nhất hoàn toàn, bao gồm chương trình giảng dạy, việc thực hiện chương trình giảng dạy (sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, v.v.) và đánh giá. Lĩnh vực thường ít được chú ý nhất là đánh giá, và chính vì lý do này mà nhiều dự án cải cách giáo dục cuối cùng không đạt được kết quả”, Giáo sư Barry O’Sullivan, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Phát triển Khảo thí của Hội đồng Anh, cho biết.
Hội nghị quốc tế về Khảo thí Ngoại ngữ New Directions Đông Á năm 2033 quy tụ đông đảo các nhà hoạch định chính sách chuyên gia giáo dục, học giả, giáo viên và các chuyên gia đánh giá đến từ các nước trong khu vực và quốc tế |
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, thay đổi này sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc dạy và học ngoại ngữ chất lượng cao, với trọng tâm hướng tới nâng cao năng lực giao tiếp.
“Với việc áp lực thi cử gắn liền với việc học ngoại ngữ được giảm bớt, học sinh và giáo viên có thể giảm tải tần suất luyện tập ngữ pháp, đọc, và viết để đáp ứng yêu cầu của bài thi viết, và thay vào đó, tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện kỹ năng giao tiếp. Giáo viên có thể mở rộng sang các khía cạnh khác của việc học ngôn ngữ như nói, nghe và tìm hiểu văn hóa nước bản địa, tăng độ tương tác và giúp cho các hoạt động trên lớp trở nên sinh động hơn. Nhờ đó, học sinh sẽ có thêm động lực để tích cực tham gia vào các hoạt động học tập và thực hành giao tiếp thực tế,” theo Tiến sĩ Nhã.
Các diễn giả tại Hội nghị quốc tế về Khảo thí Ngoại ngữ New Directions Đông Á năm 2033 tại Việt Nam thảo luận chủ đề “Tương lai của việc đánh giá tiếng Anh trong hệ thống học tập” |
TS. Vũ Thị Thanh Nhã chia sẻ thêm: "Việc dần đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo quyết định của Chính phủ sẽ trở thành một thay đổi đáng chú ý. Sự thay đổi này sẽ cộng hưởng với việc thay đổi chính sách kiểm tra, đánh giá và tạo nên môi trường học tập ngôn ngữ tích cực".
Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai
Thứ nhất, tồn tại sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng giữa các trường học ở thành thị và nông thôn. “Tại các vùng khó khăn như nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học sinh có thể phải chọn học các môn khác thay vì ngoại ngữ và bỏ lỡ cơ hội phát triển kỹ năng ngôn ngữ”, TS. Nhã chia sẻ.
Thứ hai, TS. Nhã cho biết: “Khi chính sách thay đổi, người dạy tiếng Anh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ, chúng ta phải thay đổi phương pháp giảng dạy để kết hợp nhiều hơn các hoạt động giao tiếp và tương tác trong lớp học. Tuy nhiên, một số giáo viên còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, công nghệ, chưa được tiếp cận đầy đủ các chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ thực tế. Bên cạnh đó, sự tự tin về trình độ ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa nước ngoài và chuyên môn sư phạm để áp dụng những thay đổi thiết thực vào lớp học cũng là những vấn đề cần được quan tâm.”
Ngoài ra, theo chương trình nghiên cứu “Future of English” (Tương lai của tiếng Anh) toàn cầu của Hội đồng Anh, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) và các công nghệ dịch tự động có khả năng làm thay đổi cách thức sử dụng, học tập và đánh giá ngôn ngữ. Điều này có thể sẽ đặt ra thêm thách thức mới cho việc dạy và học ngoại ngữ trong thời đại công nghệ số.
Tầm quan trọng của đào tạo giáo viên
Những thay đổi sắp tới trong chính sách giáo dục ngoại ngữ của Việt Nam mang đến cả thách thức lẫn cơ hội. Khi Việt Nam hướng tới phương pháp dạy và học ngoại ngữ tập trung vào giao tiếp và năng lực, thành công của những cải cách này phụ thuộc phần nhiều vào khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục.
Ông Davide Guarini Gilmartin, Quản lý học thuật cấp cao của Hội đồng Anh tại Indonesia và Việt Nam, nhấn mạnh: "Chất lượng của hệ thống giáo dục không thể vượt qua chất lượng của đội ngũ giáo viên. Vì vậy, đầu tư vào chất lượng giáo viên, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh, là điều cốt yếu."
“Khoản đầu tư này bao gồm từ quá trình đào tạo cơ bản tại các trường cao đẳng và đại học sư phạm, đảm bảo giáo viên có cơ hội nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm, cho đến việc hỗ trợ giáo viên phát triển chuyên môn thường xuyên (CPD) thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, v.v., cũng như các hình thức CPD bền vững hơn”, ông Gilmartin chia sẻ.
Hội đồng Anh đã và đang khuyến khích giáo viên và các nhà giáo dục tại Việt Nam vượt qua thách thức và hỗ trợ quá trình phát triển chuyên môn liên tục của họ thông qua việc cung cấp miễn phí các khung bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, cũng như các khóa học và hội thảo trực tuyến. Hội đồng Anh cũng tiên phong trong các sáng kiến phát triển cộng đồng giáo viên như Mạng lưới giảng viên tiếng Anh Việt Nam (2000-2008), Dự án đổi mới tiếng Anh tiểu học (2009-2014) và Nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (TAG), kết nối các nhà giáo có cùng mối quan tâm hay đang gặp những thách thức tương tự để chia sẻ, học hỏi, hợp tác và nhìn nhận lại thực tiễn giảng dạy của mình, từ đó xác định các lĩnh vực cần cải thiện.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN nhấn mạnh: “Bộ GD&ĐT nên khuyến khích các trường đại học và tổ chức giáo dục và đào tạo cung cấp các hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cơ hội phát triển chuyên môn, bao gồm việc bồi dưỡng thường xuyên theo hình thức trực tuyến. Từ đó, xây dựng một cộng đồng không ngừng học hỏi và phát triển”.
Với 30 năm hoạt động tại Việt Nam, không ngừng hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về ngoại ngữ, Hội đồng Anh luôn kiên định với cam kết nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và đánh giá tiếng Anh tại Việt Nam. Hội đồng Anh đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về giáo dục với Bộ GD&ĐT vào tháng 6/2018, và từ đó đã triển khai thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ Bộ GD&ĐT, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (Đề án Ngoại ngữ Quốc gia ) và các Sở GD&ĐT trên cả nước trong việc nâng cao chất lượng giáo viên, góp phần vào thành công của việc dạy và học ngoại ngữ. Đồng thời, cũng không thể không kể đến Bản Kế hoạch phối hợp năm 2021-2022 với tầm nhìn hợp tác đến năm 2024-2025 giữa Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Hội đồng Anh, thể hiện cam kết lâu dài và hợp tác chiến lược giữa hai nước Vương quốc Anh và Việt Nam.