Bóng đá nữ không 'chết' giữa mùa dịch

Bóng đá nữ bị tác động mạnh bởi dịch bệnh
Bóng đá nữ bị tác động mạnh bởi dịch bệnh
TP - Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) khẳng định, khoản đầu tư 1 tỷ USD cho bóng đá nữ sẽ được giải ngân, bất chấp thiệt hại tài chính do đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đóng băng hàng loạt giải bóng đá lớn, nhỏ trên toàn cầu. Nhiều đội bóng, trong đó có cả các “ông lớn” như Barcelona, Real Madrid... phải cắt giảm lương cầu thủ để bù đắp thiệt hại. Với bóng đá nữ, tình cảnh còn khó khăn hơn nhiều khi các câu lạc bộ nữ vốn không dư dả về mặt tài chính. Nhiều đội bóng nữ đang đối diện nguy cơ phá sản, các nữ tuyển đối mặt nguy cơ mất nghề.

Trong bối cảnh này, tờ Guardian hôm qua dẫn lời người phát ngôn FIFA khẳng định tổ chức này sẽ không cắt giảm khoản đầu tư

1 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2022, để chuyển qua các quỹ hỗ trợ khác vì ảnh hưởng của dịch bệnh. “Chúng tôi xác nhận rằng khoản tài trợ được FIFA cam kết sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào một loạt lĩnh vực trong bóng đá nữ ở các giải đấu, nâng cao năng lực, chương trình phát triển, quản trị và lãnh đạo, chuyên nghiệp hóa và các chương trình kỹ thuật”, phát ngôn viên FIFA nói với Guardian.
Theo đại diện FIFA, tổ chức này cũng đang tìm hiểu về yêu cầu và tác động sâu rộng của đại dịch đối với bóng đá nữ, để từ đó cung cấp những gói hỗ trợ phù hợp. Đại diện FIFA nhấn mạnh, bóng đá nữ là ưu tiên hàng đầu nếu có các gói hỗ trợ tài chính trong mùa dịch. 

Trước đó, Liên đoàn cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế (FIFPro) bày tỏ lo ngại về nguy cơ bóng đá nữ bị xóa sổ vì đại dịch. Theo FIFPro, sân chơi dành cho bóng đá nữ trên thế giới vốn không nhiều. Quy mô đầu tư và tài trợ dành cho các đội bóng nữ không cao. Các tuyển thủ nữ nhận mức lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp nam.

Vì thế, đại dịch tác động tiêu cực đến bóng đá nữ nhiều hơn so với bóng đá nam. Cơ quan này kêu gọi các tổ chức quản lý, điều hành bóng đá thực hiện những biện pháp giải cứu cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của các tuyển thủ nữ trước nguy cơ mất nghề.

Tổng thư ký FIFPro Jonas Baer-Hoffmann chỉ ra rằng, các hợp đồng của cầu thủ nữ chỉ có thời hạn ngắn, trung bình khoảng 12 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc họ dễ thất nghiệp khi các giải đấu bị hoãn lâu dài, trong khi nhiều người đã có hoàn cảnh khó khăn từ trước khi có tác động của đại dịch. 

Tại Việt Nam, nhiều đội bóng nữ cũng rơi vào tình cảnh phải chật vật để tồn tại. CLB nữ Sơn La, một trong những đội bóng nghèo nhất, đứng trước nguy cơ giải thể do các vấn đề hậu trường và đối tác tài trợ kết thúc hợp đồng sớm. Đại diện đội bóng này đã phải lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ từ phía ban tổ chức giải và các nhà tài trợ, nếu không CLB nữ Sơn La sẽ khó duy trì hoạt động.

MỚI - NÓNG