Bóng đá Áo và cuộc chấn hưng gắn liền với trùm xổ số

Stickler (trái) là cha đẻ của chương trình hành động chấn hưng bóng đá Áo.
Stickler (trái) là cha đẻ của chương trình hành động chấn hưng bóng đá Áo.
Đằng sau chiến công lần đầu tiên giành vé đến Euro 2016 của tuyển Áo là một cuộc cách mạng kéo nền bóng đá này từ đáy vực trở lại đỉnh cao.

Cuộc cách mạng này gắn liền với một ông trùm cá cược, một nghị sỹ quốc hội, một doanh nhân tốt nghiệp trường quản trị kinh doanh, và một huấn luyện viên từng hai năm thất nghiệp.

Thành lập năm 1905, Liên đoàn Bóng đá Áo (OFB) là một trong những tổ chức điều hành bóng đá lâu đời nhất thế giới. Nhưng nghịch lý là 18 năm qua, nền bóng đá 111 năm tuổi đời chỉ góp mặt ở hai giải đấu lớn: World Cup 1998 và Euro 2008 (với tư cách đồng chủ nhà).

Thậm chí, năm 2007, bóng đá Áo còn tụt xuống vị trí thấp nhất lịch sử (thứ 97) trên bảng xếp hạng FIFA. Nhưng cũng như phượng hoàng phục sinh từ đống tro tàn, chính từ tận cùng thất vọng, bóng đá Áo bắt đầu công cuộc hồi sinh.

Ông trùm xổ số

Người đặt viên gạch đầu tiên cho công cuộc này là Friedrich Stickler, Chủ tịch OFB giai đoạn 2002-2008. Nhân vật từng giữ hàng loạt chức vụ tại UEFA, FIFA và Uỷ ban điều hành các CLB châu Âu này xuất thân là phó Tổng Giám đốc Công ty Xổ số Áo, đồng thời là thành viên Austrian Sport Aid - một tổ chức gây quỹ thể thao.

Chính Stickler là người có công lớn nhất mang Euro 2008 về Áo. Đó là thời điểm năm 2003. Euro trở thành cú huých cho những nhà điều hành bóng đá Áo, nhưng cũng phải mất năm năm mò mẫm trong bóng đêm, họ mới tìm đúng hướng đi.

Mùa hè 2003, Stickler giới thiệu đề án Challenge 2008 nhằm đưa bóng đá Áo trở lại đỉnh cao. Challenge 2008 được chống lưng bởi Nghị sĩ Quốc hội Karlheinz Kopf. Đề án này quy tụ những tên tuổi có ảnh hưởng lớn bậc nhất trong giới quan chức bóng đá Áo thời điểm đó như Leo Windtner (người vào năm 2008 kế nhiệm vị trí Stickler), Martin Pucher, Georg Pangl, Karl Schweitzer, Andreas Herzog (thủ quân tuyển Áo dự World Cup1998) và Willi Ruttensteiner.

Thử thách và tương lai trong Challenge 2008

Từ tháng 6/2003, những tài năng trẻ sáng giá nhất bóng đá Áo được tập hợp thành hai đội: đội Tương lai (19-24 tuổi) và đội Thử thách (16-18 tuổi). Challenge 2008 không chỉ nâng cao kỹ thuật chơi bóng, mà hướng đến mục đích phát triển tính cách như những con người độc lập đóng góp cho xã hội.

Nhiệm vụ dẫn dắt hai đội được trao cho Hans Krankl (đội Tương lai) và Willi Ruttensteiner (đội Thử thách). Họ thường xuyên nói chuyện với các cầu thủ về tâm lý học và cách ứng xử với truyền thông. OFB cũng gửi các bảng biểu đánh giá hiệu suất hoạt động, để cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho từng người.

Song song với huấn luyện, OFB không quên bổ sung kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Future Cup với các đội khách mời Đức, Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan tổ chức hàng năm để đảm bảo mỗi cầu thủ sẽ thi đấu tối thiểu ba trận quốc tế mỗi năm.

Thành quả đầu tiên đến vào tháng 4/2005, đó là chiến thắng 2-1 của đội A-Team trước đại diện Trung Quốc tại tứ kết Future Cup. Trong thành phần A-Team khi đó có Andreas Ivanschitz, Roland Linz, Thomas Mandl, Emanuel Pogatetz...

Sau đó, đội Tương lai và đội Thử thách được hợp nhất thành một với 39 cầu thủ trong nước, bảy người đá ở nước ngoài và sáu thủ môn. Ý đồ của Krankl và  Ruttensteiner là từ tập hợp đó sàng lọc ra những hạt nhân tốt nhất, tạo thành đội tuyển quốc gia Áo.

Bước kế tiếp là giúp các cầu thủ trải nghiệm môi trường CLB chuyên nghiệp. "Chúng tôi gửi các tài năng trẻ đến các CLB. Khi họ càng lớn, các trại tập huấn quốc gia càng ít dần, thay vào đó, các cầu thủ được phát triển năng lực bản thân trong môi trường gần giống với sự nghiệp của họ nhất - các CLB", Ruttensteiner kể lại.

Đó không phải hành vi "đem con bỏ chợ". "Mọi đội bóng tham gia Challenge 2008 đều được hỗ trợ tối đa", Ruttensteiner nói tiếp. "Mỗi CLB tiếp nhận tối thiểu hai cầu thủ từ Challenge 2008 sẽ được cung cấp một HLV có chứng chỉ A của UEFA. Những người này giám sát chương trình huấn luyện để đảm bảo bốn mục tiêu: kiến thức bóng đá, năng lực vận động, y học dinh dưỡng và tâm lý thể thao đi đúng hướng. Với mỗi hạng mục, họ lại thường xuyên nhận tư vấn từ đội ngũ chuyên trách của OFB.

Áo cũng học tập Đức và Thụy Sỹ khai thác nguồn nhân lực từ thế hệ thứ hai những người nhập cư. David Alaba là trường hợp tiêu biểu. Sinh ra trong một gia đình có bố người Nigeria, mẹ Philipines, năm 10 tuổi, Alaba đã gia nhập đội bóng địa phương Aspern ở quận 22 Vienna.

Tài năng sớm phát lộ, Alaba cứ thế tuần tự tiến lên trên các thang bậc phát triển, cuối cùng được Project 12 – một dự án săn lùng tài năng trẻ khác của OFB phát hiện. Sau sáu năm ở các trung tâm đào tạo OFB và CLB FK Austria Vienna, năm 16 tuổi Alaba gia nhập đội U16 Bayern Munich. Phần còn lại là lịch sử.

'Midas Thụy Sỹ' - người đưa Áo đến Euro 2016

Nấc thang tiếp theo trong công cuộc phục sinh của bóng đá Áo gắn liền với cái tên Marcel Koller. Được bổ nhiệm năm 2011, Koller chịu nhiều ánh mắt nghi ngờ từ công luận Áo, nhưng HLV này đã chứng tỏ ra ông là lựa chọn đúng đắn của OFB.

Một thời gian dài, bóng đá Áo là biểu tượng thất bại bởi thiếu tầm nhìn và không đồng bộ trong quản lý. Nhưng Koller may mắn vì ông lên cầm đội tuyển quốc gia khi Áo sở hữu nhiều tài năng thi đấu ở nước ngoài. David Alaba, Marko Arnautovic, Julian Baumgartlinger và Zlatko Junuzovic là những cái tên sáng giá nhất.

Sau năm năm, Koller đưa tuyển Áo leo từ top 70 lên top 10 bảng xếp hạng FIFA. Thậm chí, HLV Thuỵ Sỹ còn tỏ ra phù hợp với đội tuyển Áo đến nỗi chỉ số thống kê thắng tới 53,85% số trận là con số cao thứ hai trong cả sự nghiệp của ông.

Sau 13 năm trong bóng tối, Euro 2016 là lúc bóng đá Áo bước ra ánh sáng trong tư thế Ngựa ô. Và hôm nay, họ sẽ bắt đầu ngày hội bóng đá ấy bằng trận ra quân gặp Hungary lúc 23h giờ Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề