Dự kiến, Đại hội Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ VII (2020-2025) được tổ chức vào tháng 6 năm nay, nhưng phải hoãn lại do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nhân sự chưa sẵn sàng bởi thiếu các ứng viên đảm nhiệm vị trí chủ tịch, nên Đại hội buộc phải lùi xuống tháng 1/2021.
Trả lời PV Tiền Phong hôm qua, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch VFV Trần Đức Phấn cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp thường vụ và thống nhất trên tinh thần là cố gắng tổ chức Đại hội VFV trong tháng 1. Các công tác chuẩn bị để tiến hành Đại hội cơ bản hoàn thành như hệ thống văn bản, từ báo cáo tổng kết, phương hướng, điều lệ, các hệ thống văn bản phục vụ cho công tác Đại hội…Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Nội vụ cho phép tổ chức Đại hội trong tháng 1”.
“Trong các cuộc họp, tôi từng trao đổi nếu VFV tìm được người thay thế, tôi sẽ rút lui. Nhưng hiện chưa thấy có gương mặt nào thực sự nổi bật. Trong tình cảnh khó khăn, tôi sẽ vẫn đảm nhận công việc này, nếu tiếp tục được tín nhiệm”. Ông Lê Văn Thành
Theo ông Trần Đức Phấn, vấn đề quan trọng nhất lúc này là tìm kiếm nhân sự cho VFV. Hiện vẫn chưa xác định hai vị trí quan trọng nhất là chủ tịch và tổng thư ký. Phải có đầy đủ các thành viên ban cán sự thì mới tiến hành tổ chức được Đại hội. Trong trường hợp quá khó khăn, VFV có thể phải tính đến phương án đăng thông báo tuyển dụng. “Trên cương vị người quản lý nhà nước, trong cuộc họp tôi đưa ra phương án nên đăng tuyển vị trí chủ tịch và tổng thư ký để cho toàn xã hội biết. Nếu người nào có khả năng, có tài, có tâm muốn đóng góp cho bóng chuyền thì ứng cử. Dù nhận được rất nhiều sự ủng hộ và động viên, nhưng vì một số lý do phương án này vẫn chưa được tiến hành”.
Ông Lê Văn thành tiếp tục giữ chức chủ tịch?
Hiện tại, ông Lê Văn Thành- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Động Lực và ông Lê Trí Trường - giảng viên Đại học TDTT Từ Sơn- lần lượt đang nắm giữ cương vị chủ tịch và tổng thư ký VFV nhiệm kỳ VI (2015-2020). Hai vị trí này từng được kỳ vọng rất cao đưa bóng chuyền thoát khỏi tình trạng rối ren ở nhiệm kỳ trước. Dù vậy, thời gian qua, bóng chuyền Việt Nam vẫn để lại hình ảnh không đẹp với nhiều thông tin liên quan đến mâu thuẫn nội bộ. Chủ tịch bị “qua mặt”, tổng thư ký dù có chuyên môn cao bị đưa đi “biệt phái” ở Đại học TDTT Bắc Ninh. VFV cũng đưa ra các quyết dịnh khiến VĐV than trời khi không cho tham dự giải Vô địch nữ châu Á 2019 để tập trung cho giải quốc nội …
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Thành cho biết, ông sẽ tiếp tục đảm nhận chức chủ tịch VFV nếu vẫn nhận được sự tín nhiệm. Ông chia sẻ: “Trong các cuộc họp, tôi từng trao đổi nếu VFV tìm được người thay thế, tôi sẽ rút lui. Nhưng hiện chưa thấy có gương mặt nào thực sự nổi bật. Trong tình cảnh khó khăn, tôi sẽ vẫn đảm nhận công việc này, nếu tiếp tục được tín nhiệm”.
Bóng chuyền lâu nay là môn thể thao có tiềm năng của Việt Nam, nhận được sự quan tâm và theo dõi lớn của người hâm mộ, chỉ sau bóng đá. Ông Trần Đức Phấn cho biết, trong quá trình tìm kiếm nhân sự, có rất nhiều người muốn ứng cử. Việc kêu gọi tài trợ cũng không khó. Tuy nhiên, nhiều người lại lựa chọn âm thầm đứng sau hỗ trợ bởi nhiều lý do, trong đó có liên quan đến những lùm xùm và rắc rối của bóng chuyền gần đây.