Bóng chuyền nổi sóng trước thềm đại hội

0:00 / 0:00
0:00
HLV Kim Huệ ngỡ ngàng trước án kỷ luật của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam ảnh: CTV
HLV Kim Huệ ngỡ ngàng trước án kỷ luật của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam ảnh: CTV
TP - Nếu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) không thu hồi án kỷ luật “vô lý”, HLV trưởng CLB Bóng chuyền Ngân hàng Công Thương Phạm Kim Huệ khẳng định sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng để lấy lại danh dự.

Án kỷ luật “trên trời rơi xuống”

Những ngày qua, làng thể thao Việt Nam xôn xao trước thông tin HLV Phạm Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Ninh Anh của CLB Bóng chuyền Ngân hàng Công Thương bất ngờ nhận án phạt “cảnh cáo” từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV). Quyết định kỷ luật do Chủ tịch VFV Lê Văn Thành ký ngày 10/4, với lý do các thành viên của CLB Bóng chuyền Ngân hàng Công Thương “có hành vi ứng xử không phù hợp với bóng chuyền Việt Nam”.

Hồi đầu tháng 3, HLV Kim Huệ có ý định rời CLB Bóng chuyền Ngân hàng Công Thương để đầu quân cho CLB Bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc. Các VĐV trụ cột Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh cũng theo chân đàn chị. Tuy nhiên, bước vào mùa giải VĐQG 2021, đã không có một thương vụ chuyển nhượng nào diễn ra. Cựu tuyển thủ Việt Nam cùng 3 VĐV nói trên tiếp tục khoác áo thi đấu cho Ngân hàng Công Thương. Cho rằng bị “bùng kèo”, phía Bamboo Airways đã có văn bản đề nghị VFV ra án kỷ luật, thậm chí cấm Kim Huệ và đàn em tham dự các giải đấu của VFV do làm “tổn hại tới uy tín của hãng”.

Trong khi đó, HLV Kim Huệ khẳng định, cô và các VĐV mới chỉ đạt thỏa thuận thông qua giấy viết tay, chứ chưa đặt bút ký kết hợp đồng với đội bóng trên. Điều này không sai quy định, cũng không vi phạm pháp luật. Bản thân HLV Kim Huệ cũng không biết về án phạt của VFV, mà chỉ nhận thông tin qua truyền thông.

Ngày 16/4, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tài trợ giữa Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Tập đoàn FLC. Theo đó, FLC là nhà tài trợ Vàng cho Giải bóng chuyền Hạng A toàn quốc năm 2021. Trước đó, FLC cũng tài trợ 3,5 tỷ đồng cho Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021.

“Mình nhận án kỷ luật mà đến bản thân mình còn không biết đã sai nguyên tắc. Lẽ ra, VFV nhận được đơn thư của FLC thì phải mời tôi lên làm việc, phân rõ phải trái, đúng sai. Nhưng đằng này họ chỉ nghe một phía rồi ra án phạt. Chính các VĐV là người gửi cho tôi bài báo về án phạt, vào đúng thời điểm nhạy cảm khi các em đang thi đấu. Tâm lý các em rất lo lắng. Gia đình, người thân, và con cái của tôi cũng liên tục gọi điện hỏi mẹ có làm sao không, vì sao mẹ bị kỷ luật. Khi tôi gọi điện hỏi về án phạt thì Chủ tịch VFV nói đây chỉ là hình thức khiển trách, không có gì to tát cả. Với tôi, không quan trọng là án phạt nặng hay nhẹ, mà ở đây là án kỷ luật rồi. Nó ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, đội bóng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho gia đình tôi lẫn các VĐV. Tôi không phục và không chấp nhận án phạt này”, HLV Kim Huệ nói với Tiền Phong.

Mời luật sư vào cuộc?

Trao đổi với Tiền Phong, Tổng thư ký VFV Lê Trí Trường cho biết, việc VFV đưa ra án kỷ luật đã được cân nhắc, dựa vào quy chế chuyển nhượng của VFV, cũng như công văn và hồ sơ của Bamboo Airways, trong đó có giấy tờ viết tay giữa đôi bên. “Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam rất ủng hộ việc chuyển nhượng cầu thủ ở mỗi mùa giải, qua đó sẽ làm tăng sức hấp dẫn của giải đấu. Hiện cũng không có quy định nào cụ thể về khung phạt liên quan tới chuyện thỏa thuận giữa các bên sau đó "bể kèo". Nhưng cách làm của các thành viên CLB Bóng chuyền Ngân hàng Công Thương chưa chuyên nghiệp, chưa đúng theo quy chế chuyển nhượng. Điều này làm xấu đi hình ảnh của bóng chuyền Việt Nam. Trong trường hợp này, án phạt cũng chỉ mang tính chất khiển trách, răn đe, chứ không có gì nghiêm trọng”, ông Trường nói.

Về phần mình, HLV Kim Huệ cho biết, cô sẵn sàng mời luật sư vào cuộc, nếu VFV không thu hồi án phạt. “Cả đời tôi cống hiến cho bóng chuyền, không được nhận bất cứ huân huy chương nào, thay vào đó lại phải nhận án kỷ luật vô lý. Một lãnh đạo thể thao đã nói chuyện với tôi, sẽ đề nghị Liên đoàn thu hồi án phạt, vì không muốn ầm ĩ vụ việc. Cá nhân tôi cũng không muốn vậy, nhưng nếu Liên đoàn không đính chính lại vụ việc, tôi sẽ mời luật sư tới làm việc”, HLV Kim Huệ nói.

Vụ việc diễn ra chỉ ít ngày trước thềm Đại hội Liên đoàn VFV nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến cuối tháng 4, nơi ông Lê Văn Thành sẽ rời vị trí Chủ tịch và chuyển giao “ghế nóng” cho ông Hoàng Ngọc Huấn, TGĐ VTVCab. Trong khoảng thời gian ông Thành tại nhiệm, bóng chuyền Việt Nam liên tục dính nhiều bê bối. Điển hình như năm 2017, chỉ ít tháng trước thềm SEA Games 29 (Malaysia), VFV để chuyên gia Nhật Bản Hidehiro Irisawa bất ngờ bỏ về nước. Năm đó, bóng chuyền nữ Việt Nam mất vị trí thứ nhì tại SEA Games vào tay Indonesia. Năm 2019, VFV cũng bị chỉ trích khi quyết định để đội tuyển bóng chuyền nữ bỏ giải Vô địch châu Á tại Hàn Quốc vì lý do hết tiền và lịch thi đấu dày.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.