Thờ 3 thầy
Căn nhà nhỏ nhìn ra hồ nước tĩnh lặng ở địa chỉ 311 ngõ 281 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, Hà Nội là trụ sở của võ phái Thiếu Lâm Phật Gia Việt Nam. Ngày 2 tháng 10 âm lịch hàng năm, các võ sinh lại tề tựu về đây để làm lễ giỗ tổ võ, thắp hương lên bàn thờ có đặt di ảnh 3 võ sư, trong đó có thầy Đoàn Tâm Ảnh.
Hàng ngày, võ sư Lý Băng Sơn từ căn gác xép nhìn xuống mặt nước trong xanh, tâm thu lại và nhắc đến những điều mà ông thường dạy học trò: “Quyền tự lưu tinh/Nhãn tự thiểm điện/Bối tự xà hành/Bộ tự miêu hành/Tinh yếu sung thị…”. Có nghĩa là quyền như sao sa, mắt như điện, lưng như rắn bò, bước đi như mèo, tinh thần tập trung. Kiến thức võ học của võ sư Lý Băng Sơn được đúc kết từ 3 người thầy: Lý Chấn Hòa, vương kiếm Trần Công và cao thủ Côn Luân Bắc Phái Đoàn Tâm Ảnh.
Cơ duyên đến với thầy Đoàn Tâm Ảnh của võ sĩ đất Bắc này là dịp các võ sư ở miền Nam ra Thủ đô để thành lập Liên đoàn võ thuật Việt Nam vào ngày 19/8/1991. Lần đó, Đại sư Đoàn Tâm Ảnh đi cùng một đệ tử ở Úc mới về Việt Nam. Hai thầy trò ở tại khách sạn Điện Lực. Một căn phòng nhỏ kê 2 chiếc giường gỗ không có nệm, nhưng có rệp, đầy ngứa ngáy.
Kỷ luật mà võ sư Đoàn Tâm Ảnh áp dụng ngay từ đầu với học trò trong 7 ngày dạy võ trong khách sạn, đó là “ngày nay tôi dạy, mai anh trả bài, nếu không thuộc thì chấm dứt luôn”.
Nghe danh Đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã lâu, võ sĩ Lý Băng Sơn rời võ đường ở Quảng Ninh để tìm và mong được vấn an thầy. Thầy Đoàn Tâm Ảnh có vẻ bất ngờ trước sự cung kính quá mức của chàng trai người Hà Nội 33 tuổi. Võ sư Lý Băng Sơn cho biết, văn hóa 2 miền hồi đó cũng còn khác biệt, các võ sĩ ở miền Nam thì hơi xuề xòa trong quan hệ thầy trò, còn võ sĩ đất Bắc thì tôn xưng người thầy như một bậc tôn sư, cả đời sống chết với họ. Nhưng ông thầy người Nam bộ này lại hết sức bình dân, không tỏ vẻ cung cách, mà chỉ xưng là “Bác Sáu, tôi, ông”.
“Tàu rồi, ái chà Tàu” – Đại sư Đoàn Tâm Ảnh cười và thốt lên, khi ông yêu cầu học trò mới đánh thử 4 cửa, rồi 6 cửa, nhưng đến 8 cửa thì phải dừng lại, do phòng quá chật. Chàng trai trẻ xin thầy nhận đệ tử theo cách thức của môn quy, cáo xin trời đất và các bậc tổ võ thuật. Tuy nhiên, Đại sư Đoàn Tâm Ảnh lắc đầu và nói: “Tôi đặc cách cho ông, nhận làm học trò”. Vậy là từ giờ phút đó, Lý Băng Sơn bắt đầu phải tính đến những chuyến hành hương học võ ở nơi cách cả ngàn cây số, trong điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn, rồi còn lo phải kiếm đủ ăn mới có sức mà học.
Xuôi Nam
Nhiều năm trước, các võ đường ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế thường đón nhận các học trò từ các tỉnh phía Bắc đến lưu lại để học võ. Võ sư Lý Băng Sơn cũng là một trong những chàng trai mang chút lãng mạn trên con đường hành hiệp tìm thầy. Cứ canh đến dịp Tết Trung Thu, con gái nhỏ nghỉ học là chàng thanh niên lại gom góp số tiền để dành, vào Nam tiếp tục vấn an, học võ. Lần gặp gỡ vào năm 1991, khi ra ga Hàng Cỏ, thầy Đoàn Tâm Ảnh đã đưa cho Lý Băng Sơn một tấm bìa có vẽ hình minh họa các thế võ rồi nói: “Tôi dạy ông vài bữa, nhưng bằng cả 9 năm, cứ xem đây rồi tiếp tục học. Quyển sách tôi đưa ông là võ lâm chân truyền đấy”.
Sau một tuần lưu lại Hà Nội, Đại sư Đoàn Tâm Ảnh vào Sài Gòn và cùng tham gia thành lập Liên đoàn võ thuật TPHCM vào tháng 12/1991. Lần chia tay ở ga Hàng Cỏ, chàng thanh niên Lý Băng Sơn nhìn theo dáng thầy với những bước chân hơi tập tễnh, thân hình gầy gò, khuôn mặt hiện ra đường nét của một người có cuộc sống kham khổ. Có những điều thầy Đoàn Tâm Ảnh dạy đã in sâu trong tâm thức của Lý Băng Sơn, đó là “học võ cũng là học để làm người tốt, phải tuân thủ không tấn công trước, luôn lấy chữ nhẫn làm đầu, lấy nhu chế cương”.
Một năm sau đó, Lý Băng Sơn cũng đáp tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn, thời gian thu xếp chỉ được vài ngày. Vào Sài Gòn tìm mãi không gặp thầy. Đến năm 1993, lại vào Sài Gòn, rồi nhờ võ sư Trần Công Lai tìm hộ, ngồi đếm từng giờ nhưng không thấy thầy. Chàng võ sĩ 35 tuổi có dự định là lần trước thầy chỉ gật đầu nhận làm đệ tử, nhưng theo lễ tục của người miền Bắc ít nhất cũng phải có một cái lễ nho nhỏ theo môn quy, thắp hương lạy trời, lạy thầy.
Trung thu năm 1994, Lý Băng Sơn lại vào Sài Gòn rồi mượn được chiếc xe đạp rảo khắp khu phố để hỏi dò. Cuối cùng anh đã tìm được thầy đang ngụ trong ngôi nhà cấp 4 dột nát của một người học trò làm nghề ga ra ô tô. Đại sư ở với con gái là Đoàn Thị Ngọc Phơ và người cháu.
Thầy Đoàn Tâm Ảnh rơi nước mắt khi gặp lại người học trò. Ông nói: “Tôi cho ông ở nhờ học võ, nhưng ráng kiếm cơm qua ngày. Nếu không thích ăn với tôi thì ông mua hột vịt muối ăn với cơm, còn tôi cho ông mượn nồi”.
Lễ bái sư
Trước nguyện vọng của người học trò ở đất Bắc, sư phụ Đoàn Tâm Ảnh bỏ qua cái lối xuề xòa của dân Nam bộ, đồng ý làm lễ bái. Chiếc bàn được đặt trước nhà và võ sư Đoàn Tâm Ảnh cầm 3 que hương vẽ bùa chú lòng vòng trên đầu, xác quyết có thêm học trò ở đất Bắc.
Võ sư Lý Băng Sơn thường nói về chữ “kính” đối với thầy theo phong cách của một đệ tử đất Bắc. Tôi cảm nhận được tấm lòng đó qua những gì còn lại mà người đồ đệ này thể hiện với người thầy của mình. Trong căn phòng ngổn ngang sách vở và binh khí, Lý Băng Sơn mang ra một chiếc túi màu hồng được bện bằng kim tuyến vàng rất đẹp. Nếu người ngoài nhìn vào sẽ đoán rằng, chiếc túi này chắc đựng vài chục cây vàng. Nhưng thực ra, trong túi đựng khoảng 10 cuốn sổ được ghi chép bằng tay, do chính thầy Đoàn Tâm Ảnh ghi chép và gởi cho đệ tử.
Cuốn sổ đầu tiên ghi bằng bút mực xanh, thầy Ảnh viết sơ lược về cuộc đời “Cái gì tôi làm được 8 năm hành hiệp, cái gì tôi làm được 3 năm ở các quốc võ”; một cuốn sổ ghi chép “Âm dương võ học”, ghi chép các đòn căn bản gươm, đao kiếm cộng với 16 hình minh họa và ghi là hết lớp 3, lớp 4. Cuốn sách về đòn cận chiến cũng được ông vẽ hình minh họa các đòn: tiều phu gánh củi, trảm thủ sát cành, di ảnh câu liêm. Chỉ vài hình vẽ đơn giản với những câu hướng dẫn, nhưng học trò phải mất cả năm mới có thể thực hành hết được.
Trong một lá thư viết ngày 13/11/1994, đệ tử Đỗ Đức Hà từ Sài Gòn gởi thư ra Hà Nội thông báo địa chỉ dạy võ của thầy Đoàn Tâm Ảnh là 255/19/2, đường Ngô Tất Tố; thầy đồng ý phong cho học trò Lý Băng Sơn đai thượng đẳng, pháp danh Bắc Phong Chân Nhân. Việc phong pháp danh có con dấu và chữ ký. Chữ ký luôn có một ngôi sao bên trái, còn phía dưới ghi: Đoàn Tâm Ảnh, “danh trấn giang hồ”.
Thầy Đoàn Tâm Ảnh rơi nước mắt khi gặp lại người học trò. Ông nói: “Tôi cho ông ở nhờ học võ, nhưng ráng kiếm cơm qua ngày. Nếu không thích ăn với tôi thì ông mua hột vịt muối ăn với cơm, còn tôi cho ông mượn nồi”.