Phát hiện cổ vật hiếm
Phóng viên Tiền Phong viếng chùa Bút Tháp trong nắng vàng hanh hao của một ngày mùa Đông. Ngôi chùa thanh bình bên hàng cây cổ thụ. Anh Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh) say sưa kể về ngôi chùa danh tiếng xứ Kinh Bắc. Chùa Bút Tháp có tên chữ là “Ninh Phúc tự”. Theo các thư tịch cổ, chùa được khởi dựng từ lâu đời với quy mô lớn, từng nổi tiếng là danh lam cổ tự. Sách “Bắc Ninh phong thổ tạp ký” viết, chùa Bút Tháp đã có từ thời Trần, là nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm).
Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), chùa được các quý tộc và triều đình cho trùng tu, xây dựng với quy mô lớn, đứng đầu là Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. “Chùa được xây dựng với nhiều toà ngang dãy dọc. Chùa Bút Tháp có tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tích Thiện Am, nhà trung, phủ thờ, hậu đường và hai bên là dãy hành lang, mỗi dãy gồm 26 gian”, anh Đáp chia sẻ.
Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt ở chùa Bút Tháp |
Anh Đáp cho biết thêm, hai bên và phía sau chùa Bút Tháp có những cây tháp cổ bằng gạch và đá cao vút, trong đó nổi bật nhất là tháp Báo Nghiêm và tháp Tôn Đức. Năm 2009, trong quá trình trùng tu tháp Tôn Đức, cơ quan chức năng đã phát hiện hai quyển sách đồng được hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho làm để an táng cùng với nhà sư Minh Hành, khi ông viên tịch vào năm 1659. Theo các nhà nghiên cứu, hai quyển “kinh Phật” bằng đồng ở chùa Bút Tháp là cổ nhất. “Giá trị của chùa Bút Tháp còn là nơi bảo lưu được hệ thống tài liệu cổ vật vô cùng phong phú, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia”, anh Đáp cho hay.
Tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, chùa Bút Tháp lưu giữ bốn bảo vật quốc gia, trong đó đặc biệt là pho tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, mà theo các nhà nghiên cứu là một tuyệt tác trong nền nghệ thuật điêu khắc tượng của nước ta. Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt làm bằng chất liệu gỗ, phủ sơn. Chiều cao tượng (tính từ đài sen đến đỉnh đầu tượng) là 235 cm. Pho tượng do nhà điêu khắc tài hoa Trương Thọ Nam hoàn thành vào ngày tốt mùa Thu năm Bính Thân (1656) thời Lê Trung Hưng.
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, đây được xem là pho tượng độc đáo nhất trong số các tượng Quan Âm cổ hiện có ở Việt Nam. Tượng có 42 cánh tay lớn, hai tay chắp trước ngực theo kiểu liên hoa hợp chưởng, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và thiền định. Trên thân tượng ở lưng, sườn và vai tỏa ra 19 đôi tay ở các tư thế ban phép.
Các cánh tay đều để trần, đeo vòng hạt minh châu đưa lên như đóa hoa sen nở. Phía sau tượng có 958 cánh tay nhỏ, các cánh tay để trần và được xếp thành vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm. Trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt biểu tượng cho hàng nghìn vì sao trong thiên hà tạo thành vòng hào quang tỏa sáng xung quanh pho tượng. Trên đỉnh vòng hào quang là con chim thiên đường thể hiện sự giao hòa tự nhiên. Pho tượng này đã được vinh danh với giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958.
Cùng với tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, tại chùa Bút Tháp còn ba bảo vật quốc gia là ba pho tượng Tam Thế, hương án, Tòa Cửu phẩm liên hoa.