Bởi theo Hiệp định về thương vong trên các chuyến bay quốc tế, các hãng hàng không buộc phải bồi thường cho thân nhân của nạn nhân số tiền lên tới 157.000 USD (thậm chí cao hơn), bất kể máy bay rơi vì lý do gì.
Tổng giám đốc Lufthansa Carsten Spohr cho biết, sẽ tuân thủ thỏa thuận quốc tế quy định về nghĩa vụ pháp lý và đã hỗ trợ ngay 50.000 euro/hành khách (không liên quan tới khoản bồi thường cuối cùng) cho thân nhân của các nạn nhân.
Theo luật sư người Đức Marco Abate, thiệt hại mà hãng Lufthansa phải gánh có thể rất lớn bởi theo Điều 21 Công ước Montreal năm 1999, để tránh nghĩa vụ pháp lý, hãng hàng không phải chứng minh vụ tai nạn không phải do sự bất cẩn hoặc hành động vô cớ của thành viên phi hành đoàn.
Tại Đức, hãng Lufthansa có thể phải bồi thường lớn hơn nếu người thiệt mạng là lao động chính trong gia đình. Theo chuyên gia luật hàng không Holger Hopperdietzelm, hãng Lufthansa có thể phải bồi thường hàng trăm ngàn euro/nạn nhân.
Trong khi đó, luật sư người Hà Lan Sander de Lang nhận định, số tiền mà hãng Lufthansa phải bồi thường sẽ phụ thuộc vào việc đơn đòi bồi thường sẽ được gửi tới đâu - việc xử lý đơn kiện có thể theo luật của Pháp (nơi máy bay rơi), hoặc Đức, nơi hầu hết hành khách có vé khứ hồi đến hoặc đi từ đây, hoặc Tây Ban Nha, nơi một số người có thể đã mua vé.
Ngoài ra, gia đình của 3 nạn nhân người Mỹ trong vụ tai nạn này có thể kiện hãng Lufthansa ra tòa án Mỹ, nơi phí bồi thường cao hơn ở châu Âu - có thể hàng triệu USD/hành khách. Từ những nhận định kể trên, giới chuyên môn cho rằng, hãng Lufthansa có thể thỏa thuận với thân nhân các nạn nhân để không phải hầu tòa.