Bộ VH-TT&DL ủng hộ thành lập VPF

Bộ VH-TT&DL ủng hộ thành lập VPF
TP - Sự ra đời của Công ty cổ phần tổ chức sự kiện thể thao (tạm gọi VPF), thay thế BTC giải của VFF điều hành các giải đấu (V.League và hạng Nhất) là bước đi hợp xu thế phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.

'Bản quyền truyền hình V-League thuộc VFF'
> Ai giám sát VPF?

Hiện đang có một số ý kiến băn khoăn về đề án thành lập VPF của các CLB.

Liên quan kế hoạch thành lập VPF, ngày 3-10, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT trực tiếp là Thứ trưởng Lê Khánh Hải và Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo LĐBĐVN (VFF). Tại cuộc họp trên, VFF báo cáo Bộ VH-TT&DL về nội dung cùng các quyết định được thông qua tại hội nghị giữa VFF với 28 CLB ngày 29-9 vừa qua, trong đó có đề xuất thành lập Công ty Cổ phần tổ chức sự kiện thể thao (VPF), điều hành V.League và giải hạng Nhất thay BTC giải trước kia.

Bộ VH-TT&DL nhất trí về chủ trương việc thành lập VPF và giao cho VFF cùng các CLB nghiên cứu sớm trình đề án thành lập công ty theo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL khẳng định ủng hộ VFF thúc đẩy sớm các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp.

Trước đó, tại hội nghị VFF với 28 CLB, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn cũng nêu quan điểm, ủng hộ đề án thành lập VPF. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã tái khẳng định quan điểm trên.

Ông Thắng cho biết: “Ý kiến của anh Tuấn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn-PV) cũng là quan điểm của Tổng cục TDTT, được thống nhất trước hội nghị của các CLB. Việc thành lập VPF là xu hướng tất yếu của BĐCN. Thực ra VFF cũng đã vạch ra lộ trình lên chuyên nghiệp rồi, nhưng theo lộ trình từng bước một.

Trong các tiêu chí phát triển bóng đá, thành lập một tổ chức điều hành giải đấu theo mô hình trên cũng là yêu cầu FIFA và AFC đặt ra. Việc các CLB đặt ra yêu cầu trên có tác dụng thúc đẩy tiến trình này diễn ra sớm hơn. Tôi cho đây là một điều kiện thuận lợi để chúng ta triển khai đề án. Quan điểm của Bộ VH-TT&DL cũng như Tổng cục TDTT là nếu quá trình này đã “chín” thì có thể đẩy nhanh, nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật”.

Trước câu hỏi của Tiền Phong về một vài ý kiến còn lo ngại về sự ra đời của VPF, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng khẳng định: “Việc đầu tiên hiện nay là VFF và các CLB cần sớm xây dựng đề án, vì vừa rồi mới dừng lại ở mức ý tưởng, chưa đi vào chi tiết. Sau khi được chấp thuận sẽ triển khai. Nếu còn những khiếm khuyết nhỏ, chúng ta sẽ điều chỉnh dần. Bây giờ chúng ta mới làm, thì khó tránh khỏi vướng chỗ nọ, chỗ kia. Cái này không thể cầu toàn được. Nhưng vẫn phải quyết tâm làm”.

Về phía VFF, Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết: “Với 35,5% cổ phần, VFF được tham gia vào Hội đồng quản trị và giành quyền phủ quyết. Mười bốn ông bầu cũng không có ai để một người sống trên lưng 13 ông khác.

“Theo tôi biết, Ban kiểm soát sẽ do một nhà báo rất công minh, nổi tiếng trong làng bóng đá làm Trưởng ban và tôi tin báo chí không để cho tiêu cực xảy ra. Trên sân cỏ, hàng vạn người xem, trực tiếp trên truyền hình, dưới sự chứng kiến của hàng trăm nhà báo, những hành vi mờ ám khó giấu lắm.
“VFF, các ông bầu và toàn xã hội phải tạo ra sân chơi bình đẳng. Chúng ta tin rằng trên đời này vẫn còn chân lý. VPF hoạt động ra sao, có khiếm khuyết sẽ tiếp tục hoàn thiện. Không tổ chức nào ra đời cái là hoàn hảo ngay và chúng ta phải chấp nhận chuyện đó”.

Theo kế hoạch, ngày 15-10 VFF phải trình Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL đề án thành lập VPF.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG