Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Lĩnh vực Công nghệ, Kỹ thuật không thể dạy chay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng có 2 mảng đào tạo trường phải chú ý là sư phạm và công nghệ kỹ thuật.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã có buổi việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Lĩnh vực Công nghệ, Kỹ thuật không thể dạy chay ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (thứ 3 từ phải sang - hàng trên) thăm cơ sở vật chất của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý những việc lớn nhà trường cần quan tâm trong thời gian tới. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến việc phát triển đội ngũ. Là 1 trong 2 trường đại học sư phạm kỹ thuật có số giảng viên là tiến sĩ cao nhất, nhưng để mở rộng ngành nghề, có nhiều sản phẩm nghiên cứu, phát minh sáng chế, nhà trường cần gia tăng đào tạo chuyên gia giỏi bằng cách cử nhân lực đi đào tạo tại các trường hàng đầu trong nước và nước ngoài. Phải có kế hoạch lâu dài trong việc cử người đi học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường công nghệ hàng đầu thế giới mới có thể đón đầu, làm chủ được các công nghệ mới.

Vấn đề tiếp theo, theo Bộ trưởng là quan tâm đến hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là thư viện, không gian học tập, không gian sáng tạo cho sinh viên. Lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật không thể dạy chay, không thể chỉ có lý thuyết. Việc này có thể có được bằng nhiều cách, trong đó có vận động xã hội hóa. Nhà trường cũng cần chuẩn bị sẵn các thuyết minh, dự án để sẵn sàng đón nhận khi có cơ hội.

Về cơ cấu ngành nghề, Bộ trưởng cho rằng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có 2 mảng phải chú ý là sư phạm và công nghệ kỹ thuật. Với sư phạm, Trường cần tính đến sở trường là khoa học giáo dục ở mảng công nghệ, từ đó đẩy mạnh đào tạo sư phạm công nghệ thông tin và sư phạm công nghệ, kết hợp đào tạo bằng kỹ sư và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Nếu làm tốt có thể tham gia bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Ngoài ra nhà trường cũng có thể trở thành nơi đào tạo giáo viên cho hệ thống các trường nghề.

Đối với nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, Bộ trưởng cho rằng phải tính đến gia tăng về quy mô, số lượng; đặc biệt là những ngành hiện nay nhân lực còn đang thiếu như công nghệ thông tin, phần mềm, điện tử… Tuy nhiên, cùng với tăng số lượng phải là các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Với các hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng gợi mở, bên cạnh những việc đang làm, nhà trường cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu phục vụ nhu cầu địa phương, phải gắn bó đặc biệt với địa phương; gia tăng phát minh sáng chế trong khối công nghệ và kỹ thuật.

“Nhà trường cần bám sát sở trường là nhóm công nghệ, kỹ thuật và không ngừng cập nhật những đổi mới hàng ngày của khoa học công nghệ để đào tạo đáp ứng nhu cầu của địa phương, đất nước. Bộ GDĐT sẵn sàng tạo điều kiện, quan tâm để nhà trường có thể phát triển hơn nữa”, Bộ trưởng nêu rõ.

Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có quy mô 10.758 sinh viên, học viên, đào tạo 22 ngành trình độ đại học, 8 ngành trình độ thạc sĩ, 2 ngành trình độ tiến sĩ.

Về đội ngũ, trong 5 năm vừa qua, chất lượng đội ngũ giảng viên nâng cao rõ rệt là một trong những bước đột phá của nhà trường. Nếu năm 2017, trường chỉ có 24 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ thì nay số lượng này đã tăng lên 132; trong đó có 1 giáo sư, 15 phó giáo sư, 116 tiến sĩ. Phần lớn các giảng viên làm nghiên cứu sinh ở các trường lớn trong nước và quốc tế.

MỚI - NÓNG