Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Doanh nghiệp phải cùng đào tạo nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị ngày 18/6.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị ngày 18/6.
TPO - Ngày 18/6, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, xây dựng xã hội học tập là công việc lớn, rất quan trọng trong đó Bộ GD&ĐT có vai trò nòng cốt.

“Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập. Trước khi xây dựng một xã hội học tập thì cần phải xây dựng được mỗi con người, mỗi cá nhân học tập suốt đời”, Bộ trưởng nói.

Con người nếu không có năng lực học tập, tự học, thì thiếu đi một yếu tố có tính nền tảng của mọi năng lực và kỹ năng khác. Một dân tộc mà thiếu những con người biết học tập thì đó là dân tộc thiếu năng lực để giải quyết các vấn đề của mình.

Theo Bộ trưởng, công việc của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành, trên cương vị quản lý nhà nước và hoạt động tổ chức xã hội, thực chất là làm 2 công việc quan trọng. Đó là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập và bằng mọi cách thoả mãn tất cả nhu cầu học tập đó. Hai việc này nếu được đẩy mạnh, chúng ta sẽ có một xã hội học tập năng động.

Đề cập đến những công việc trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, cần xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập. Mỗi người cần nhận thức được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân. Từng cá nhân phải được hỗ trợ, thúc đẩy, ghi nhận trong phát triển học tập. Các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập.

Doanh nghiệp phải cùng đào tạo nhân lực

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, nếu không có sự vào cuộc, tham dự, nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp thì xã hội học tập sẽ thiếu đi một động lực vô cùng quan trọng. Hiện nay, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng chúng ta cần ngày càng phong phú, nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày. Nếu chỉ trông chờ vào đào tạo 3-4 năm trong trường ĐH, hay thời gian ngắn trong trường nghề và nghĩ rằng người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề, quan điểm đó cần được điều chỉnh.

Hệ thống trường ĐH và các trường nghề hướng đến trang bị kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng nhưng không có những chương trình trang bị tất cả mọi thứ như doanh nghiệp mong muốn. Do đó, doanh nghiệp phải tham dự đào tạo cùng, đào tạo tiếp cùng các trường đào tạo nhân lực cho nhu cầu riêng của đơn vị, doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai rà soát, đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thời, chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như: xoá mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học…

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, sau 8 năm triển khai, Đề án đã được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống…

Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Điều này đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá.

Trong 4 mục tiêu chính, Đề án đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”.

63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Đề án giai đoạn 2021-2030 đề ra một số giải pháp như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời; Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục ĐH liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

MỚI - NÓNG