Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin khi trao đổi với báo chí về triển vọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Bộ trưởng cho rằng, những sai phạm trên thị trường thời gian qua là “con sâu làm rầu nồi canh”, là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường.
Chuyển dần sang tăng về “chất”
Trên Cổng thông tin Bộ Tài chính, chia sẻ về những vấn đề đặt ra trên thị trường TPDN hiện nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói: “Đánh giá một cách khách quan, thị trường TPDN đã có sự phát triển tích cực trong những năm gần đây”.
Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng, quy mô thị trường vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra (đến năm 2025 dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP), cũng như còn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.
Trong quá trình phát triển, theo Bộ trưởng, thị trường đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.
“Dù đã có sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, nhưng thị trường TPDN Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Trong quá trình đó, thị trường sẽ trải qua giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khởi nguồn từ “lượng” và chuyển dần sang tăng về “chất”.
Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Niềm tin đi liền cùng trách nhiệm
Cũng theo Bộ trưởng, ở bất kỳ một thị trường nào, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thông qua khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm nghiêm minh thì quan trọng hơn hết vẫn là nhận thức, trách nhiệm và tính tuân thủ của các đối tượng tham gia thị trường.
Để khuyến khích kênh TPDN riêng lẻ, các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tương đối thông thoáng hướng tới thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành vi của các chủ thể tham thị trường.
Theo đó, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. Do đó, TPDN riêng lẻ chủ yếu là niềm tin, là “chữ tình” với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát hành về nguyên tắc phải là chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về các đợt phát hành.
Cùng đó là trách nhiệm của chính nhà đầu tư tham gia, cùng nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức… để tham gia thị trường an toàn, hiệu quả. Trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
“Niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững - cầu chắc”.
Thị trường TPDN rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng những sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Cơ hội để “gạn đục, khơi trong”
Để lấy lại và củng cố niềm tin trên thị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đến tính hoàn thiện hơn về khung khổ pháp lý, khi Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ.
“Với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính”, Bộ trưởng Phớc nói.
Đáng chú ý, Bộ trưởng lưu ý rằng, Nghị định 65 cũng đã đưa ra mốc thời gian cụ thể để khai mở vận hành thị trường TPDN thứ cấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư có thể giao dịch được trái phiếu khi có nhu cầu. Đây sẽ là một sàn giao dịch tăng tính thanh khoản cho TPDN, cũng như gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư, trái chủ. Khi có thêm sàn thứ cấp này, thị trường TPDN hứa hẹn sẽ sôi động hơn, thu hút hơn nữa các nguồn lực trong nền kinh tế tham gia.
Bên cạnh đó, cũng đã có quy định để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và quy định chi tiết các trường hợp phải có xếp hạng mới được phát hành, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có tham chiếu khách quan và tin cậy hơn trước khi mua TPDN.
Về mặt pháp lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo gấp rút tổng rà soát các quy định pháp lý điển hình là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản có liên quan tới TPDN để tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hướng tới hoàn thiện hơn nữa các khung khổ pháp lý hỗ trợ thị trường TPDN vận hành và phát triển hiệu quả bền vững.