Sau khi Tiền phong thông tin việc Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cùng lúc ký quyết định bổ nhiệm hai chủ nhiệm khoa không đúng quy định, toà soạn nhận được văn bản của Cục báo chí, gửi kèm đơn khiếu nại của trường ĐH Ngoại thương cho rằng, báo thông tin không đúng.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Tiền phong, chính GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng đã thừa nhận việc bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn là vì thiếu cán bộ.
Ông Châu cho biết: Trước khi bổ nhiệm bà Đỗ Thị Loan, Chủ nhiệm Khoa sau Đại học kiêm Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh Thương mại và ông Phạm Gia Trí, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và phát triển hợp tác quốc tế (LIC), kiêm chủ nhiệm Khoa tiếng Anh chuyên ngành, trường đã họp cán bộ chủ chốt lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả, ông Hoạt, đương kim chủ nhiệm khoa chỉ được 17%, ông Trí 72%, bà Loan được 79%. Trên cơ sở đó, Đảng ủy giao trách nhiệm cho hai người đó phụ trách. Và hiệu trưởng ra quyết định. Mà ông Trí là chủ nhiệm đề tài TOEIC, nên tôi đã phải vận động và gần như bắt buộc anh ấy phụ trách Khoa tiếng Anh chuyên ngành. Vì nhân sự của hai khoa đó rất khó tìm người.
Thưa ông, việc lấy tín nhiệm nhân sự cho khoa phải lấy ở khoa mà cán bộ sẽ về lãnh đạo, lấy tín nhiệm trong cán bộ chủ chốt thì làm sao chính xác được?
Về nguyên tắc, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo khoa là quyền của hiệu trưởng, chứ không cần phải lấy phiếu tín nhiệm. Không bắt buộc phải lấy tín nhiệm.
Nhưng theo Điều lệ trường Đại học mà Thủ tướng ký ban hành thì chủ nhiệm khoa phải có bằng tiến sĩ, trong khi ông Trí mới chỉ có bằng thạc sĩ?
Hiện khoa tiếng Anh (cũ) chỉ có mỗi anh Hoạt là tiến sĩ. Chẳng lẽ không có tiến sĩ thì không có lãnh đạo khoa? Chúng tôi đang làm thông báo tuyển tiến sĩ ngôn ngữ về làm chủ nhiệm hai khoa đó. Không có tiến sĩ thì phải đưa thạc sĩ lên.
Mà ở trường tôi có những cử nhân vẫn làm chủ nhiệm khoa, ví dụ như khoa tiếng Trung, vì được người ta tín nhiệm thì vẫn làm (!?). Chứ thực ra ông Trí đang làm giám đốc Trung tâm LIC, ông ấy có bao nhiêu việc phải làm. Mà bà Loan cũng không thích làm. Xét về mặt lợi ích thì họ làm cũng chẳng được gì cả.
Thiếu cán bộ đủ tiêu chuẩn nhưng chính ông đã “loại” ban chủ nhiệm khoa tiếng Anh (cũ), trong đó có một tiến sỹ là đương kim chủ nhiệm khoa Nguyễn Đức Hoạt?
Tôi nói thật là anh Hoạt với tôi hoàn toàn bình thường, và tôi cũng rất trân trọng, mặc dù anh Hoạt không đủ phiếu tín nhiệm vào khoa mới, nhưng tôi vẫn muốn để anh tham gia vào công việc của nhà trường, tôi cũng dự định có thể bố trí anh ấy làm giám đốc Trung tâm Việt - Nhật. Làm giám đốc Trung tâm này lương cũng 8 triệu đồng/tháng.
Tôi nói mấy lần nhưng anh Hoạt không đồng ý. Còn anh Phạm Văn Hạt (phó chủ nhiệm khoa tiếng Anh cũ), tôi cũng muốn tiếp tục mời anh ấy làm phó chủ nhiệm khoa cho anh Trí, nhưng anh ấy không đồng ý.
Ông nói là tạm giao cho hai người đó, nhưng trong quyết định không thấy nói tạm giao, mà chỉ nói giao cho họ quản lý đến khi nào có quyết định mới. Còn bao giờ có quyết định mới thì cũng không ai biết?
Nếu bổ nhiệm phải theo nhiệm kỳ, còn đây vì tạm giao nên mới không có thời hạn. Khi nào tìm được nhân sự mới, bồi dưỡng được nhân sự mới, mà việc này thì không biết đến bao giờ nên trong quyết định tôi phải ghi là “cho đến khi có quyết định mới”.
Vậy sao trong quyết định không nói rõ là tạm giao?
Nếu ghi như vậy thì làm sao cán bộ làm hết trách nhiệm của mình được. Đây là giao thật chứ không phải tạm giao.
Về trường hợp bà Đỗ Thị Loan, từ tháng 4/2007 đã đến tuổi nghỉ hưu, vì sao không nghỉ hưu lại còn được giao làm quản lý, thưa ông?
Đúng là bà ấy đã đến tuổi nghỉ hưu. Cái này là nhà trường đã xét, với những người có học vị tiến sĩ trở lên dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu có sức khỏe tốt, có nguyện vọng và đáp ứng được yêu cầu của nhà trường thì vẫn có thể để ở lại công tác một thời gian nữa. Chúng tôi đã họp Đảng ủy và quyết định bà ấy được ở lại.
Nhưng theo quy định cũng như chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ thì các trường, viện,... không vì lý do thiếu cán bộ mà để cán bộ quá tuổi ở lại làm quản lý?
Giữ lại làm quản lý là vì bọn tôi thiếu cán bộ. Và bọn tôi họp Đảng ủy quyết định cô Loan sẽ làm quản lý hết năm nay.
Chẳng lẽ trường không còn cán bộ đủ điều kiện để bố trí làm quản lý, thưa ông?
Hiện bà Loan đang làm cả trưởng khoa sau Đại học, chúng tôi cảm thấy không có ai xứng đáng hơn cô ấy.
Có ý kiến cho rằng, việc bà Loan được ở lại làm quản lý trong khi đã hết tuổi không phải vì thiếu cán bộ mà vì có mối quan hệ thân tình nên được ông ưu ái?
Việc mọi người dị nghị là tùy họ thôi. Đây là việc mà tập thể Đảng ủy đã quyết định.
Thưa ông, không phải cứ tập thể quyết định vấn đề gì cũng là đúng. Dù là Đảng ủy trường thì cũng phải làm theo pháp luật?
Cái này là do thiếu cán bộ. Nếu bây giờ mà cô Loan nghỉ thì khoa tiếng Anh Thương mại không ai làm. Chúng tôi không chỉ thiếu cán bộ ở khoa tiếng Anh mà trong tổng thể nhà trường.
Thưa ông, việc ông Trí vừa làm chủ nhiệm Khoa tiếng Anh chuyên ngành (khoa được giao triển khai việc đào tạo theo chuẩn TOEIC, sinh viên bắt buộc phải thi TOEIC đạt 600 điểm mới được tốt nghiệp) vừa làm giám đốc Trung tâm LIC nơi tổ chức thi TOEIC thu lệ phí 25 USD/ lượt thi của sinh viên. Như vậy có tạo quy trình khép kín để Trung tâm LIC của ông Trí làm ăn thuận lợi?
Theo tôi nghĩ là không. Bởi không phải ông ấy làm chủ nhiệm khoa thì mới gợi ý học sinh học thêm được. Mặt khác, làm sao bắt sinh viên học thêm được. Mà học thì cũng tốt chứ sao. Còn đề thi TOEIC là của phía Mỹ họ ra, ông Trí có muốn can thiệp điểm cũng không được... Học là một việc, thi cử lại là việc khác.
Trung tâm hoạt động được khoảng 1 năm nay, có tài khoản và con dấu riêng. Được hạch toán độc lập và nộp 10% doanh thu mỗi năm cho trường. Tuy Trung tâm LIC hạch toán độc lập nhưng thi TOEIC là theo tiêu chuẩn Mỹ, chứng chỉ do tổ chức của phía Mỹ cấp, còn Trung tâm LIC chỉ đứng ra để tổ chức thôi, tiền thu cũng nộp cho phía cấp chứng chỉ.
Cảm ơn ông!
Không thể chối bỏ sự thật Sau khi báo Tiền phong, số ra ngày 18/9 đăng bài “Những quyết định bất thường của Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương”, toà soạn không hề nhận được đơn khiếu nại nào của trường trực tiếp chuyển đến phản hồi về những thông tin trong bài báo. Tuy nhiên ngày 27/9, trên trang web của trường ĐH Ngoại thương đã đăng thông báo do đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu, công Đoàn... ký với nội dung cho rằng những thông tin mà báo Tiền phong đăng tải là giật gân, chủ quan, võ đoán, không đúng sự thật...làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của trường. Trong khi đó, thông báo không đưa ra được chi tiết nào của bài báo là sai sự thật. Sự thực chỉ có một đó là việc Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu đã bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều giáo viên của trường bức xúc. Từ bức xúc đó, kể từ khi tách khoa tiếng Anh đến nay đã có 4 thạc sĩ là cán bộ của Khoa tiếng Anh cũ xin chuyển công tác khỏi trường. Trong đơn xin chuyển công tác ngày 16/8, một giáo viên viết “tôi xin thôi công tác vì thấy môi trường làm việc không còn phù hợp”. |
Nhóm PV
Thực hiện