Câu chuyện về lớp học tỷ phú mà ông Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chuyên phân phối, bán lẻ) tham dự tại Đại học Stanford (Mỹ) cách đây không lâu, cho thấy tầm nhìn khác biệt giữa doanh nhân và con buôn.
Lớp học chủ yếu về các kiến thức kinh doanh, nhưng hàng tuần đều có môn gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là một môn học bắt buộc.
Theo đó, ngày thứ 7 hằng tuần, các học viên (đa phần là tỷ phú, triệu phú đô la) phải học cách trồng cây xanh; đóng hàng từ thiện cứu trợ người nghèo. Không ít lần, dù trời mưa tuyết rét buốt, các doanh nhân vẫn phải thực hành cách trồng cây gần Vịnh San Francisco (Mỹ). Những cây xanh trồng hôm đó, cho đến nay vẫn được cập nhật tới các học viên, dù họ đã rời lớp học khá lâu.
“Chuyện các học viên đóng đồ từ thiện cả ngày, buổi trưa ăn cơm hộp là bình thường. Sau buổi đi trồng cây trong giá lạnh, chúng tôi còn được hướng dẫn trồng cây ở một vùng thời tiết nóng khủng khiếp. Hình như đó cũng là một chủ ý để nhớ rằng, cho dù anh giàu có đến đâu, anh vẫn phải có trách nhiệm với xã hội”, ông Đoàn nhớ lại.
Ông Đoàn cũng chia sẻ, trong nhiều giáo trình dạy doanh nhân Việt, điều cần nhất cần phải có là ý thức, rồi mới đến thực hành. “Nếu được học những điều đó, khi kinh doanh sẽ không vì lợi nhuận mà gạt qua tất cả, như không làm hàng giả, hàng nhái... Tôi luôn tự hỏi, tỷ phú Mỹ và Trung Quốc khác nhau như thế nào. Họ cách mình bao nhiêu thế hệ. Như ông Bill Gates có hơn 70 tỷ đô, nhưng chỉ giữ lại 100 triệu đô, còn lại hiến cho xã hội. Điều này, bao giờ Việt Nam mới có. Ở Trung Quốc, các tỷ phú có thể mua máy bay riêng, nhưng bên Mỹ, có tỷ phú tài sản mười mấy tỷ đô la vẫn đi chiếc xe đời cách đây 15 đến 20 năm”, ông Đoàn nói.
Các doanh nhân tham dự “lớp học tỷ phú” phải đóng mỗi người khoảng 46 nghìn đô la cho trường Đại học Stanford. Nếu cộng cả tiền đi lại phải hết đến 70 nghìn đô (khoảng 1,4 tỷ đồng), nhưng theo mô tả của ông Đoàn thì nó “thực sự bổ ích” với nội dung học được thiết kế riêng.
Giàu cỡ triệu phú, tỷ phú đô la cần gì phải tốn tiền học “trả nợ xã hội”; lại phải học chăm chút cây xanh, lao động chân tay vất vả? Ông Đoàn cho biết: “Đa số học viên là các doanh nhân cực kỳ giàu, nhưng thái độ học tập nghiêm túc và nhiệt tình. Tất cả đóng bộ lao động và làm việc như một công nhân. Tôi thấy ngưỡng mộ và đáng noi theo. Cách sống của họ rất bình thường, có gì ăn đó. Có ông tỷ phú hẳn hoi, nhưng khi ăn xong còn vét đĩa mấy lần cho thật sạch. Ngay trong quan hệ kinh doanh, tôi cũng được gặp nhiều tỷ phú đô la có phong cách giản dị và gia đình, con cái nền nếp, ngoan ngoãn”.
“Lớp học tỷ phú” thực ra là một chương trình được xây dựng để đào tạo thêm kỹ năng như thạc sĩ quản trị kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp và những nhà quản trị. Thời gian học trong vòng 1 năm với 5 lần di chuyển. Trong đó 30 học viên có 3 lần đi Mỹ, 1 lần tới Trung Quốc và Brasil.