Bỏ thi THPT Quốc gia 2020: Học sinh lớp 12 có ủng hộ?

Học sinh cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về thi THPT quốc gia 2020.
Học sinh cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về thi THPT quốc gia 2020.
TPO - Những học sinh lớp 12 có học lực trung bình, yếu mong muốn bỏ thi, xét tốt nghiệp trong khi các em có học lực khá, giỏi mong muốn Bộ tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia năm nay dù đánh giá học trực tuyến không đạt hiệu quả như học trên lớp.

Nguyễn Quang Sáng, học sinh Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết, em học khối A1, năm nay dự tính sẽ thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân hoặc ĐH Ngoại thương. Đến thời điểm này em vẫn tích cực học trực tuyến và ủng hộ phương án Bộ tổ chức thi THPT quốc gia. Bởi vì điều em lo nhất khi bỏ thi, các trường ĐH sẽ tự có phương án tuyển sinh riêng, lúc đó sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Trong khi các em chưa được chuẩn bị tâm lý, phương thức học tập phù hợp. 

Đồng quan điểm, em Nguyễn Hải Yến, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, ngay từ đầu Yến cũng như các bạn lớp 12 năm nay không chuẩn bị tâm lý cho phương án không thi nên khi hay tin em rất lo lắng. Tuy nhiên, Bộ cũng chuẩn bị 2 phương án nên em hi vọng học sinh sẽ được sớm quay lại trường học để có thể thi.

Nếu không thi, các trường ĐH tuyển sinh riêng, trường top trên sẽ có đề thi khó so với đề thi chung, học sinh chưa kịp chuẩn bị sẽ bất lợi. Yến học chuyên Vật Lý, có nhiều bạn dự định sẽ thi vào ĐH Bách Khoa nên khi trường này có phương án tuyển sinh riêng, các bạn đã rất lo lắng.

Học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều bất lợi vì nghỉ học trên lớp, các em vẫn phải học cả ngày từ truyền hình, trực tuyến nhưng không đủ vì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh hạn chế, có những chỗ chưa hiểu cũng không có nhiều thời gian để trao đổi với giáo viên, không có nhiều cơ hội để luyện tập…

Bỏ thi THPT Quốc gia 2020: Học sinh lớp 12 có ủng hộ? ảnh 1 Bạn đọc báo điện tử Tienphong.vn lựa chọn phương án kỳ thi THPT năm 2020.

Trần Thị Thuý, học sinh lớp 12 (Quảng Ngãi) miêu tả một buổi học trên truyền hình giáo viên chủ yếu là tua máy chiếu và diễn thuyết là xong buổi học. Học sinh ghi chép, chụp gửi qua Zalo cho cô giáo, đến tối tiếp tục học trực tuyến để cô chữa bài. Mang tiếng là chữa bài nhưng thầy cô hầu như chỉ đọc đáp án. Chưa kể, trường còn tổ chức học cả Tin học, Công nghệ, Thể dục trên Zoom hết cả buổi chiều. Trước thực tế học như vậy, Thuý cho rằng, Bộ nên giảm số môn thi hoặc bài thi tổ hợp để học sinh được giảm gánh nặng. 

Và phương án khác?

Bên cạnh những ý kiến phản đối phương án “bỏ thi”, mong muốn sớm được quay lại trường học để thi, tránh sự xáo trộn thì học sinh lớp 12 hiện nay vẫn có luồng ý kiến khác. 

Cụ thể, trên các diễn đàn, nhiều học sinh có ý kiến ủng hộ bỏ thi để xét tốt nghiệp để giảm áp lực học tập nhất là trong bối cảnh học trực tuyến không đồng đều, không hiệu quả. 

Thăm dò ý kiến
Thi THPT Quốc gia 2020, chọn phương án nào?

Một luồng ý kiến nữa đưa ra phương án xét tốt nghiệp nhưng Bộ đứng ra tuyển sinh cho các trường ĐH, học viện, CĐ bằng cách tổ chức một kỳ thi chung, từng bài thi riêng biệt, bỏ bài thi tổ hợp. Các trường sẽ căn cứ vào kết quả đó để tuyển sinh. 

Vì nếu bỏ thi, các trường ĐH thi riêng, các em lại phải khăn gói lên thành phố dự thi sẽ phải đi lại tốn kém, thêm thủ tục, áo lực. “Chưa kể, em không tin tưởng việc xét học bạ để tuyển sinh ĐH vì điểm thi THPT quốc gia từng sửa được thì sửa điểm học bạ rất đơn giản”, một học sinh lớp 12 ở Hà Nội bình luận. 

Giáo viên trường THPT phân tích, học sinh có năng lực trung bình, yếu mong muốn bỏ thì vì các em chủ yếu có mục đích xét tốt nghiệp hoặc xét học bạ vào các trường ĐH top dưới; Học sinh có học lực khá, giỏi sẽ mong muốn được thi để lấy điểm xét tuyển vào các trường ĐH, học viện. Học đến thời điểm này nên các em không muốn có sự thay đổi nào lớn trong phương thức tuyển sinh là điều dễ hiểu. 

Mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ dự thi ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19, hiện phải học từ xa (online, truyền hình). Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi và giảm nhẹ yêu cầu với học sinh.   

Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, cụ thể nếu học sinh không được đi học trở lại trước 15/6,  Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.