Từ 2014, việc tự tổ chức thi tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường đại học. Ảnh: Tư liệu VNE. |
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh đại học, cao đăng. Theo đó, các trường ĐH - CĐ có thể chọn 1 trong 3 cách thức tuyển sinh là tự tổ chức thi, xét tuyển 2 lần trong năm; thỏa thuận với những trường cùng ngành đào tạo để tuyển sinh; hoặc tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức.
Tùy theo mục tiêu đào tạo của trường mà có hình thức tuyển sinh phù hợp như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Ngoài ra, các trường có thể bổ sung thêm hình thức phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu... Dự thảo mới này sẽ được thực hiện vào mùa tuyển sinh sắp tới.
Ngay khi dự thảo được công bố, cộng đồng teen ngay lập tức xôn xao chia sẻ trên mạng xã hội. Đồng loạt các fanpage THPT đăng tải thông tin khiến không ít teen giật mình. Rất nhiều tâm trạng khác nhau được chia sẻ khi người vui, người buồn, người lo lắng, hoang mang.
Bạn Lê Thanh Phong, lớp 11 THPT Nguyễn Thượng Hiền lo lắng: “Bản thân mình cũng có chút hoang mang về dự thảo mới này. Mình không biết là có đủ chỉ tiêu vào trường đại học mong muốn nếu như trường đó tuyển sinh theo kiểu xét tuyển. Quan trọng là nếu đổi sang thi tự luận thì coi như xong vì tụi mình tập trung ôn luyện gần như hoàn toàn là trắc nghiệm”.
Thanh Phong, Loan Nguyễn lo lắng vì không biết có đủ tiêu chí hay không nếu trường mong muốn chọn hình thức xét tuyển. Ảnh: NVCC. |
Phong cho biết thêm: “Mình nghĩ nếu thực hiện cách này chắc chắn sẽ xuất hiện tiêu cực. Và quan trọng là sự hụt hẫng, lo lắng của các anh chị lớp 12 hiện tại và từ tụi mình năm sau. Sẽ khó đạt được điểm cao vì học lệch (nếu các trường chọn kiểu xét tuyển hay vừa thi vừa xét)”.
Loan Nguyễn, THPT Phú Nhuận cũng chung tâm trạng: “Mình khá sốc khi nghe tin này. Nếu thi tuyển riêng từng trường thì không biết cơ cấu đề thi như thế nào? Giới hạn chương trình ra sao? Rồi nếu thi tuyển theo chuyên ngành (môn thi do trường qui định) thì bao giờ tụi mình mới được biết ngành nào thi môn gì? Làm sao tụi mình chuẩn bị kịp trong khi ai cũng hiểu, bây giờ không thiếu những bạn ôn thi đại học từ năm lớp 11”.
Loan vẫn cho rằng thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ khách quan hơn thay vì thi tự luận hay phỏng vấn, thực hành.
Rất nhiều bạn là học sinh lớp 12 tỏ ra vô cùng hoang mang trước dự thảo này. Hà Linh lo lắng thốt lên: “Mình sinh năm 96 và năm tới sẽ thi đại học. Đến thời điểm này đã là cao trào ôn thi rồi, bọn mình đang dần vào quỹ đạo. Xin Bộ đừng đề xuất thay đổi gì nữa, chúng em sẽ rất hoang mang và xoay trở không kịp”.
Thông tin nóng được đăng tải trên page trường THPTDL Lương Thế Vinh. Ảnh: Chụp từ màn hình. |
Trần Ngọc Ánh cũng lo lắng không kém: “Mình hoàn toàn không chấp nhận được việc Bộ muốn thực hiện ngay chính sách này vào năm 2014, khi bọn mình chỉ còn vỏn vẹn nửa năm để chuẩn bị cho kì thi”.
“Sắp thi đến nơi rồi mà còn không biết trường mình thi sẽ thi kiểu gì, thi như thế nào. Bộ nghĩ chỉ cần học trong 3 tháng là có thể quen với phương thức làm bài thi mới, cấu trúc đề mới ư? Bộ nên suy nghĩ thật kỹ vấn đề, đừng để được vài năm lại thay đổi. Cái gì cũng cần có thời gian để thích nghi. Bộ hãy đặt mình vào vị trí là một người học sinh mà xem xét", Xương Rồng nói.
Bạn Thanh Trúc phân trần: “Tuyển sinh riêng không phải là không tốt ngược lại còn tuyển được sinh viên theo yêu cầu tùy ngành. Nhưng mà Bộ ra đề án quá đột ngột, những em học sinh lớp 12 năm nay sẽ hoang mang lắm đây…”
Nhiều teen đưa ra lý do không tán thành việc để các trường tự chủ động hình thức thi vì đã học và ôn luyện theo hình thức trắc nghiệm từ lâu nay. Nếu giờ các trường tuyển sinh mà áp dụng hình thức riêng, mới thì sẽ rất khó khăn cho việc ôn luyện khi thời gian không còn nhiều.
Một độc giả lớn tuổi cũng cho rằng, Bộ đưa ra quy định như vậy là đột ngột. “Tôi cho rằng ý kiến về sửa đổi là đúng, nhưng cần phải có thời gian để chuẩn bị. Nên chỉ áp dụng khi các học sinh THCS bây giờ tiến đến thi đại học, tức là khoảng 3-4 năm nữa chứ áp dụng thế này các em học sinh thi đại học năm 2014 (phần lớn là 95 -96) sẽ không thể kịp thay đổi cách học. Hơn thế nhà trường cũng không thể trang bị cho các em các kỹ năng về phỏng vấn, thực hành khác...".
Trong khi nhiều teen hoang mang thì số khác lại tán thành dự thảo mới này. Ảnh: Chụp từ màn hình. |
Tuy nhiên, nhiều teen lại tỏ ra tán thưởng và đồng tình với dự thảo mới này bởi đó là sự cần thiết để cải tiến nền giáo dục. Nhân Phạm, ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng: “Cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu như đi theo lối mòn ngày trước thì không biết đánh giá thực sự vào một bài thi đậu là do học nhiều làm được bài hay ăn may do đánh lụi. Hình thức mới như thi bài luận, phỏng vấn, thực hành ... cũng khá thú vị chứ”.
Nhân cũng trăn trở: "Vì là quy định mới nên mình nghĩ các trường top đầu sẽ không cá cược mình mà xét tuyển đâu. Nhưng những trường thấp và "vừa sức" có thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu các mem 96 lỡ "trượt" và học lệch sẽ đi về đâu khi kết quả chỉ được xét tuyển duy nhất vào trường đó. Với lại, quy định này khá mới và bất ngờ vì áp dụng luôn năm nay nên không biết những thí sinh tự do sẽ ra sao”.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều, cũng có nhiều lời động viên gửi đến teen trong thời gian này: “Bình tĩnh đi mọi người, trong 3 năm nữa mới bỏ hoàn toàn thi 3 chung. Còn từ năm sau trở đi các trường ĐH có thể lựa chọn thi 3 chung hoặc tổ chức thi riêng tùy thích, nếu chọn thi riêng thì nộp đề án lên bộ để xét duyệt. Hiện tại có 17 đề án thi riêng đã được nộp và 17 đề án đều là của các trường ĐH ngoài công lập với số thí sinh trúng tuyển hằng năm thấp hơn chỉ tiêu đề ra, các mem 96, 97, 98 khỏi lo", Dinh Thanh nói.
Số bạn khác lại nhắn nhủ các bạn học sinh nên ôn tập như bình thường và theo dõi các thông tin tuyển sinh trong trường và các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhập tốt nhất. Nên đặt câu hỏi cho các thầy cô giáo trong trường để được tư vấn trước khi buông lời than vãn ảnh hưởng đến tâm lý, gây hoang mang cao độ.
Theo Vnexpress