Số vốn tạm ứng quá hạn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là trên 12.603 tỷ đồng (cao hơn so với thời điểm đến hết ngày 30/6/2022 - mà Bộ Tài chính đã có Công văn số 8915/BTC-ĐT ngày 7/9/2022 đôn đốc, là trên 9.373 tỷ đồng) theo Báo cáo của Kho bạc Nhà nước. Trong đó các khoản tạm ứng quá hạn, khó có khả năng thu hồi do các nguyên nhân ban quản lý dự án/chủ đầu tư giải thể; nhà thầu phá sản; dự án đình hoãn, không thực hiện (Bộ Tài chính đã đôn đốc thu hồi tại nhiều văn bản) là trên 634 tỷ đồng (các bộ, cơ quan trung ương trên 205 tỷ đồng; các địa phương trên 429 tỷ đồng).
Bộ Tài chính đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương yêu cầu chủ đầu tư phân loại các hợp đồng có số dư tạm ứng quá hạn, báo cáo cụ thể thời gian quá hạn để ưu tiên xử lý, thu hồi tạm ứng; trên cơ sở xác định rõ từng nguyên nhân cụ thể của các khoản tạm ứng quá hạn để đề xuất phương án xử lý, căn cứ nội dung hợp đồng đã ký kết và trách nhiệm của từng bên; yêu cầu từng chủ đầu tư các hợp đồng có phát sinh tạm ứng quá hạn có giải pháp quyết liệt để thu hồi tạm ứng, bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật về dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước. Đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và thực hiện tất toán tài khoản tại KBNN theo quy định.
Đối với các dự án đang thực hiện đã có khối lượng hoàn thành, khẩn trương nghiệm thu khối lượng, các chủ đầu tư hoàn tất thủ tục thanh toán để làm việc với KBNN thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn. Đối với số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở tài chính phối hợp với KBNN tỉnh; chỉ đạo UBND cấp dưới yêu cầu cơ quan tài chính phối hợp với KBNN rà soát số vốn tạm ứng quá hạn, báo cáo UBND cùng cấp để có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn.