Bộ sách đặc biệt của Đỗ Bích Thúy

0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Lê Thiết Cương (trái) tặng một trong hai bức tranh cho nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: KỲ SƠN
Họa sĩ Lê Thiết Cương (trái) tặng một trong hai bức tranh cho nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: KỲ SƠN
Nhà văn xuất thân vùng cao Đỗ Bích Thúy ra mắt bộ sách đặc biệt đúng sinh nhật 13/4, đánh dấu 20 năm sống và làm việc ở Hà Nội.

Đỗ Bích Thúy được nhiều người trong giới yêu mến. Lễ ra mắt sách lần nào cũng đông bạn bè, đồng nghiệp. Gần trăm ghế không đủ cho khách mời và bạn bè văn giới chiều 13/4, không ít người phải đứng.

Bộ sách đặc biệt của Đỗ Bích Thúy ảnh 1

Bộ sách của Đỗ Bích Thúy

Sinh ra ở vùng núi Hà Giang, tới nay Đỗ Bích Thúy tròn 20 năm gắn bó với Hà Nội. Chị viết cả thảy 21 cuốn sách, trong đó có 6 tiểu thuyết, các tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi. Phần lớn tác phẩm của Đỗ Bích Thúy viết về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, Đỗ Bích Thúy sống trong không gian địa lí đô thị chật chội nhưng luôn bị câu chuyện của nông thôn, miền núi phía Bắc quyến rũ. “Trang viết của những nhà văn như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư luôn chứa đựng đầy những ký ức của nông thôn và miền núi”, ông nói. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhắc lại câu chuyện sóng gió quanh bài thơ đoạt giải Mẹ tôi chửi kẻ trộm của Tòng Văn Hân. Vì thế ông cho rằng không khí ấm áp tại lễ ra mắt sách này “cứu rỗi sự hùng hổ, vô cảm, độc ác của đời sống hôm nay”.

Nữ nhà văn giới thiệu bốn cuốn sách trong bộ ấn phẩm đặc biệt: Tiểu thuyết Người yêu ơi và tập tản văn Thương nhau như người thân in lần đầu; tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá và tiểu thuyết Bóng của cây sồi tái bản. Cả bốn cuốn được in cùng khổ sách, đặt trong hộp giấy bìa xanh thẫm do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ. Nhà văn nói, bộ sách này không chỉ thuộc về chị mà còn là đứa con tinh thần của họa sĩ Lê Thiết Cương và người làm sách Vũ Phương Liên (Cty sách Liên Việt).

Lê Thiết Cương từng vẽ bìa sách cho nhiều tác giả, với anh lần này khá áp lực bởi lần đầu tiên cùng lúc ra mắt bốn cuốn sách. “Tôi vẽ bốn bức tranh cho bốn bìa sách, tranh cùng chất liệu, mỗi bức có hai màu. Màu ghi đá lấy từ màu của núi đá của Hà Giang, màu thứ hai là màu trắng ngà chính là màu của tấm lòng và tình cảm. Tôi đọc bốn cuốn sách của Thúy, đều thấy bao trùm sinh quyển là tấm lòng, tình yêu thương”, anh nói. Lê Thiết Cương còn ngoa ngoắt rằng phải thuyết phục tác giả tới 300 lần để chị quyết định làm bản đặc biệt cho Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Đỗ Bích Thúy chính thức gia nhập Câu lạc bộ S100 (sách phiên bản giới hạn).

Tiếng đàn môi sau bờ rào đá có truyện ngắn cùng tên được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng phim Chuyện của Pao, đoạt giải Cánh diều vàng năm 2005. Đây là một trong những tập truyện ngắn của Thúy được bạn đọc yêu thích nhất. Ngoài 2.000 bản in thường lần này còn có 100 bản đặc biệt đánh số từ 1 đến 100. Bản đặc biệt có các minh họa trên giấy dó của Lê Thiết Cương, các bản viết tay của tác giả.

Tiểu thuyết Người yêu ơi viết sau khi tác giả hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên (được giao Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất). Tiểu thuyết Chúa đất có sự dữ dội, Lặng yên dưới vực sâu có sự tuyệt vọng thì tới tiểu thuyết thứ 6 Người yêu ơi, Đỗ Bích Thúy mang tới câu chuyện tình yêu, một nỗi buồn sâu thẳm nhưng không tuyệt vọng. “Người ta không chỉ cần phải biết mình đang có gì, mà còn phải biết là mình đang không có gì trong cuộc đời”, chị nói.

Bản sách đặc biệt Tiếng đàn môi sau bờ rào đá phần tranh bìa và tên tác giả, tác phẩm thay vì in thì nay được thêu trên vải lanh bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Đây là món quà đặc biệt được họa sĩ và nhà văn dành cho bạn đọc có nhu cầu sưu tầm sách đẹp. Một phần tiền bán sách sẽ được chuyển thành quà tặng cho trẻ em miền núi, trong những dự án mà cả họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Đỗ Bích Thúy dành nhiều tâm huyết trong những năm qua.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.