Bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc Sacombank

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm
TPO - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa chính thức bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Tổng giám đốc giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc kể từ ngày 3/7.

Thông tin vừa phát đi từ Sacombank cho biết, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng, bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002.

Bà Diễm đã từng đảm nhiệm các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành tại Phòng giao dịch, Phòng nghiệp vụ Chi nhánh, Văn phòng Khu vực TP.HCM, toàn Khu vực Nam Trung bộ & Tây Nguyên và toàn hệ thống Sacombank.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc, bà Diễm là Phó Tổng giám đốc phụ trách hoạt động xử lý nợ - một trong những hoạt động trọng yếu đang được Sacombank tập trung thực hiện theo định hướng của Đề án tái cơ ngân hàng sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.    

Với kinh nghiệm dày dạn về quản lý, điều hành cũng như thấu hiểu hoạt động của Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Sacombank vượt qua thử thách, tái cơ cấu thành công và đạt tốc độ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 30/6, Sacombank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015, 2016. Đại hội đã bầu 6 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 gồm ông Dương Công Minh, ông Nguyễn Miên Tuấn, ông Phạm Văn Phong, ông Kiều Hữu Dũng, ông Nguyễn Xuân Vũ và bà Lê Thị Hoa - thành viên HĐQT độc lập. Đồng thời bầu 4 thành viên chuyên trách Ban kiểm soát gồm ông Trần Minh Triết, ông Hà Tôn Trung Hạnh, bà Nguyễn Thị Thanh Mai và ông Lê Văn Tòng. Trong đó, ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT và ông Trần Minh Triết làm Trưởng Ban kiểm soát.

Tại Đại hội, ông Dương Công Minh – Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ: “Theo Đề án, việc tái cơ cấu Ngân hàng cần khoảng thời gian 10 năm nhưng chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn tất trong thời gian sớm hơn, chỉ từ 3-5 năm. Chúng tôi xác định 4 nhiệm vụ tiên quyết của HĐQT mới là: cấu trúc lại bộ máy hoạt động, thúc đẩy kinh doanh, xử lý nợ xấu và quản trị tốt chi phí nhằm quyết tâm đưa Sacombank trở thành một trong những thương hiệu uy tín nhất trên thị trường”.

Ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh yêu cầu Sacombank nghiêm túc thực hiện một số nội dung như:  bám sát các nội dung của Đề án tái cơ cấu Ngân hàng sau sáp nhập đã được phê duyệt và triển khai quyết liệt trong mọi hoạt động; đảm bảo phát triển Ngân hàng trên tinh thần tuân thủ pháp luật, quản trị minh bạch. Trong kinh doanh thì phải phát huy các thế mạnh về bán lẻ. và nhanh chóng củng cố, kiện toàn bộ máy, đưa Sacombank vượt qua khó khăn, tăng trưởng ổn định”.

Kết thúc năm 2016, Sacombank có tổng tài sản đạt trên 332.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 18.852 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động gần 305.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng gần 238.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 6,81% và số dư dự phòng rủi ro là 5.297 tỷ đồng. Dù gặp nhiều thách thức sau sáp nhập nhưng lợi nhuận trước thuế của Sacombank vẫn đạt mức dương, năm 2015 là trên 878 tỷ đồng và năm 2016 khoảng 156 tỷ đồng.
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.